100% kiến nghị của cử tri đã được UBND tỉnh trả lời, giải quyết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long cho biết, với tinh thần và trách nhiệm trước cử tri tỉnh nhà, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tích cực, chủ động nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và đã trả lời 100% kiến nghị và nội dung được yêu cầu.

Tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khoá XVIII vào sáng 12/7, ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri trước, trong và sau Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khoá XVIII.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khoá XVIII. Ảnh: Thành Duy

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khoá XVIII. Ảnh: Thành Duy

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long cho biết, Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khoá XVIII đã có 61 ý kiến, kiến nghị của cử tri trên 12 lĩnh vực được gửi đến UBND tỉnh để giải quyết.

Với tinh thần và trách nhiệm trước cử tri tỉnh nhà, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tích cực, chủ động nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và đã trả lời 100% kiến nghị và nội dung được yêu cầu.

Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Cử tri huyện Quỳnh Lưu phản ánh, hiện nay tiến độ cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo bản đồ số cho nhân dân còn chậm, sai số đo đạc nhiều và thủ tục yêu cầu nhiều giấy tờ, rườm rà. Cử tri tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân.

Về nội dung này, UBND tỉnh trả lời, huyện Quỳnh Lưu gồm có 33 xã, thị trấn đều đã được đo đạc lập bản đồ địa chính bằng công nghệ bản đồ số, sản phẩm bản đồ được sử dụng phục vụ lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân; kết quả đo đạc đã được các hộ gia đình, cá nhân, UBND các xã, thị trấn kiểm tra, ký xác nhận đo vẽ đúng hiện trạng sử dụng đất.

Ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri trước, trong và sau Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khoá XVIII. Ảnh: Thành Cường

Ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri trước, trong và sau Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khoá XVIII. Ảnh: Thành Cường

Tuy nhiên trong quá trình sử dụng, ranh giới khu vực đất ở của một số hộ gia đình, cá nhân tiếp giáp đất sản xuất nông nghiệp không rõ ràng, xảy ra tình trạng lấn, chiếm nên khi kê khai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải tiến hành đo đạc chỉnh lý theo quy định.

Bên cạnh đó, công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thực hiện Quyết định số 07/2020 ngày 6/4/2020 của UBND tỉnh và Quyết định số 28/2021 ngày 17/9/2021 của UBND tỉnh. Quy trình thủ tục và thời gian cấp đổi Giấy chứng nhận được UBND huyện Quỳnh Lưu, UBND các xã, thị trấn công khai tại bộ phận một cửa, UBND huyện không yêu cầu bổ sung các loại giấy tờ khác.

"UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp UBND huyện Quỳnh Lưu kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND các xã, thị trấn và đơn vị tư vấn; đồng thời giải quyết các vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân", ông Bùi Đình Long phát biểu.

Cử tri huyện Đô Lương đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 cho cấp xã, vì đây là địa bàn trực tiếp tổ chức thực hiện các biện pháp, huy động mọi lực lượng để phòng, chống dịch nhưng nguồn ngân sách còn hạn hẹp.

Về kiến nghị này, UBND tỉnh cho biết, ngày 20/8/2021, Sở Tài chính đã có Công văn số 3176 về việc hướng dẫn một số nội dung chế độ phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Nhiều địa phương đang gặp khó khăn về kinh phí phòng, chống dịch Covid-19. Trong ảnh, đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại chốt cầu Khe Tạng. Ảnh: Thành Cường

Nhiều địa phương đang gặp khó khăn về kinh phí phòng, chống dịch Covid-19. Trong ảnh, đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại chốt cầu Khe Tạng. Ảnh: Thành Cường

Theo đó, các địa phương chủ động bố trí ngân sách để đảm bảo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Trường hợp ngân sách cấp huyện, xã gặp khó khăn về ngân sách, Sở Tài chính sẽ tham mưu trình UBND tỉnh xem xét tạm cấp 70% phần ngân sách hỗ trợ. Sau khi đơn vị có báo cáo thực chi xác nhận Kho bạc nhà nước nơi giao dịch gửi cơ quan tài chính cùng cấp trình Sở Tài chính để có cơ sở tham mưu UBND tỉnh cấp phần còn thiếu.

Để xử lý khó khăn cho ngân sách cấp xã, UBND tỉnh đề nghị UBND huyện Đô lương xem xét, cân đối nguồn lực ngân sách cấp mình hỗ trợ thêm cho ngân sách cấp dưới từ các nguồn lực phòng, chống dịch bao gồm: dự phòng ngân sách; các khoản cắt giảm chi thường xuyên, tiết kiệm thêm 10% chi khác còn lại năm 2021; điều chuyển các khoản chi thường xuyên không cần thiết để chi phòng, chống dịch theo phân cấp hiện hành...

Cử tri xã Đỉnh Sơn (huyện Anh Sơn) đề nghị UBND tỉnh có chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch để người dân xã Đỉnh Sơn có nước sạch sinh hoạt.

UBND tỉnh cho rằng, thời gian qua, các công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm, bố trí vốn ngân sách nhà nước để thực hiện thông qua các Chương trình Mục tiêu Quốc gia. Tỉnh đã quan tâm thực hiện định hướng, chính sách chung của nhà nước về đẩy mạnh việc xã hội hóa lĩnh vực cấp nước, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư. Tuy nhiên, do khó khăn trong cân đối, bố trí vốn và việc thu hút doanh nghiệp đầu tư còn khó khăn, nên vẫn còn một số công trình cấp nước sinh hoạt chưa được đầu tư như ý kiến của cử tri đề cập.

Tại kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh khóa XVIII năm 2022, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua các nghị quyết về kế hoạch trung hạn các chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND huyện Anh Sơn rà soát, xem xét tính cấp thiết, lựa chọn công trình theo thứ tự ưu tiên, trong đó có công trình nước sinh hoạt để đưa vào danh mục các dự án sử dụng vốn các Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025 khi được thông báo về chỉ tiêu kế hoạch vốn.

Công trình nước sạch ở xã Bài Sơn (Đô Lương) đã bị bỏ hoang và để hư hỏng, xuống cấp theo nắng mưa. Ảnh: Tiến Đông

Công trình nước sạch ở xã Bài Sơn (Đô Lương) đã bị bỏ hoang và để hư hỏng, xuống cấp theo nắng mưa. Ảnh: Tiến Đông

Trong trường hợp đề xuất thu hút dự án đầu tư nước sạch, UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Anh Sơn phối hợp với các sở, ngành kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nước sinh hoạt trên địa bàn xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng cao của người dân.

Quan tâm chính sách cho đồng bào miền núi

Liên quan đến hệ thống nhà văn hoá ở khu vực miền núi, cử tri xã Bắc Lý và xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn), phản ánh các nhà văn hóa đã xuống cấp và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng mới nhà văn hóa để đảm bảo điều kiện sinh hoạt và an toàn cho nhân dân.

Về nội dung này, UBND tỉnh cho rằng, tại Nghị quyết số 55 ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh, Kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 nguồn ngân sách địa phương, trong đó hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa và thể thao ở cơ sở 34 tỷ đồng.

Ngày 12/1/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 86 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa- thể thao ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025 (đợt 1); trong đó, tại xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn đã có 3 nhà văn hóa gồm: Bản Phù Quặc 2, Thăm Hón và Ka Nội.

Nhà văn hoá bản Na Tỳ, xã Châu Thôn, huyện Quế Phong được đầu tư xây dựng mới nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí. Ảnh: Xuân Hoàng

Nhà văn hoá bản Na Tỳ, xã Châu Thôn, huyện Quế Phong được đầu tư xây dựng mới nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí. Ảnh: Xuân Hoàng

Đối với các nhà văn hóa: Huồi Bắc, Phà Coóng, Xám Thang, Cha Nga, xã Bắc Lý; bản Phù Quặc 1, Ka Trên, Huồi Thun, Phù Khả 1, xã Na Ngoi, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND huyện Kỳ Sơn cân đối nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các nguồn hợp pháp khác của địa phương để xây dựng.

Liên quan đến công tác cán bộ, cử tri các xã Tri lễ, Nậm Nhoóng (huyện Quế Phong) nghị UBND tỉnh quan tâm và có sự ưu tiên trong tuyển dụng, lựa chọn, đào tạo và sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số ít người (như dân tộc H’Mông và Khơ Mú...) trên địa bàn huyện Quế Phong, bởi vì hiện nay số lượng cán bộ là người các dân tộc trong các ban, ngành, đoàn thể ở huyện, xã rất ít.

Về kiến nghị này, UBND tỉnh cho biết, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã thường xuyên quan tâm đến công tác tuyển chọn, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, cấp ủy chính quyền huyện Quế Phong cũng đã quan tâm công tác trong tuyển dụng, lựa chọn, đào tạo và sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc thiểu số ít người nói riêng.

Bí thư Huyện ủy Con Cuông Nguyễn Đình Hùng trao đổi với cán bộ thôn bản về phát triển kinh tế và bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng kết nạp các quần chúng ưu tú vào Đảng. Ảnh: Mai Hoa

Bí thư Huyện ủy Con Cuông Nguyễn Đình Hùng trao đổi với cán bộ thôn bản về phát triển kinh tế và bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng kết nạp các quần chúng ưu tú vào Đảng. Ảnh: Mai Hoa

Kết quả, cấp huyện đã tiếp nhận, bổ nhiệm 1 phó trưởng phòng UBND huyện là dân tộc Khơ Mú, là đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016 - 2021; đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026). Cấp xã đã tuyển dụng 2 Công chức Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã là người dân tộc thiểu số. Lãnh đạo chủ chốt ở những xã có người dân tộc thiểu số ít người sinh sống như Nậm Nhoóng, Tri Lễ là người dân tộc thiểu số ít người.

Tại đơn vị sự nghiệp trực thuộc và trường học, đã tuyển dụng 124 người (trong đó dân tộc Thái 87 người; dân tộc thiểu số ít người 5 người). Mặt khác, hàng năm cán bộ công chức, viên chức người dân tộc thiểu số ít người được tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao năng lực công tác, nghiệp vụ chuyên môn đáp ứng được theo yêu cầu vị trí việc làm.

Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách tuyển dụng, bố trí, sử dụng, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức viên chức là người dân tộc thiểu số ít người, trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Nội vụ hướng dẫn huyện Quế Phong thực hiện tốt các chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số; quan tâm hơn nữa công tác tuyển dụng, lựa chọn, đào tạo và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số ít người trên địa bàn huyện.

Liên quan đến chế độ, chính sách, cử tri huyện Anh Sơn và thị xã Hoàng Mai phản ánh vẫn còn một số đối tượng chưa được hưởng chế độ theo Quyết định số 49/2015 ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách đối với người tham gia dân công hỏa tuyến.

UBND tỉnh cho biết, tính đến ngày 1/6/2022 Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã thẩm định xét duyệt cơ bản xong hồ sơ và báo cáo Quân khu 4 được 212.070 đối tượng. Tư lệnh Quân khu 4 đã ký quyết định hưởng chế độ trợ cấp một lần cho 206.366 đối tượng với số tiền trợ cấp là 474.963.600.00 đồng. Hiện nay còn 6.025 đối tượng (trong đó Quân khu và tỉnh đang xét duyệt 513 đối tượng, cấp huyện xét duyệt 1.500 đối tượng, cấp xã 4.012 đối tượng).

Ban chỉ huy Quân sự xã Quỳnh Xuân bàn giao hồ sơ cho gia đình ông Phổ để chờ hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách theo nghị định mới. Ảnh: Hoài Thu

Ban chỉ huy Quân sự xã Quỳnh Xuân bàn giao hồ sơ cho gia đình ông Phổ để chờ hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách theo nghị định mới. Ảnh: Hoài Thu

Tại thị xã Hoàng Mai, số liệu khảo sát ban đầu là 9.065 đối tượng, tính đến ngày 1/6/2022. Ban Chỉ huy quân sự thị xã đã xét duyệt và báo cáo về Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh 9.083 đối tượng. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh xét duyệt xong và báo cáo Quân khu 9.083 đối tượng, đã có Quyết định hưởng trợ cấp một lần cho 9.048 đối tượng với tổng số tiền chi trả hơn 21 tỷ đồng, số còn lại 35 đối tượng Quân khu và tỉnh đã trả về cho thị xã bổ sung.

Tại huyện Anh Sơn, số liệu khảo sát ban đầu là 9.171 đối tượng, tính đến ngày 1/6/2022. Ban Chỉ huy quân sự huyện đã xét duyệt và báo cáo về Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh 9.171 đối tượng. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh xét duyệt xong và báo cáo Quân khu 9.171 đối tượng, đã có Quyết định hưởng trợ cấp một lần cho 8.377 đối tượng với tổng số tiền chi trả là hơn 21,4 tỷ đồng, số số còn lại 927 đối tượng.

Tin mới