20 năm tín dụng chính sách đồng hành cùng người dân Yên Thành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Yên Thành được đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu, có quy mô tín dụng chính sách lớn của Nghệ An. Trong nhiều năm liền, hoạt động tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội Yên Thành thực sự là “cánh tay nối dài" đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh, bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Phát huy hiệu quả tín dụng chính sách

Tại xã Văn Thành, nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã hỗ trợ cho các hộ nghèo sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh, dịch vụ…, tạo việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động ở địa phương. Các hộ vay vốn của chương trình hộ nghèo đều phát huy hiệu quả nên đời sống kinh tế được nâng lên rõ rệt.

Đơn cử, gia đình chị Nguyễn Thị Tám ở xóm Công Trung, đã đầu tư chăn nuôi tổng hợp theo mô hình VAC, tạo việc làm cho 3 - 5 lao động ngay tại địa phương; anh Phan Đức Diệu ở xóm Hòa Sơn, trước là hộ nghèo của xã, sau khi vay vốn để mua bò sinh sản, mỗi năm bò mẹ đẻ được 1 bò con bán lấy tiền trang trải cuộc sống, nay đời sống kinh tế đã dần ổn định.

Ông Phan Hữu Trang – Giám đốc NHCSXH huyện Yên Thành kiểm tra hộ vay vốn phát triển chăn nuôi trên địa bàn. Ảnh: Thu Huyền
Ông Phan Hữu Trang – Giám đốc NHCSXH huyện Yên Thành kiểm tra hộ vay vốn phát triển chăn nuôi trên địa bàn. Ảnh: Thu Huyền

Hay ông Hồ Sĩ Hạnh ở xóm Văn Sơn, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ vườn tạp sang trồng cây keo lấy gỗ kết hợp chăn nuôi VAC, đến nay đã thoát nghèo bền vững và trở thành hộ có kinh tế khá. Hộ gia đình ông Nguyễn Công Tợu ở xóm Thạch Sơn, vay vốn hộ cận nghèo để cải tạo ao tạp và ruộng ngập úng hoang hóa lâu năm thành ao nuôi cá, ba ba, lươn, ếch… mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, nay đã trở thành hộ giàu bền vững…

Tương tự, ở xã Thọ Thành có rất nhiều hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách khác được vay từ nguồn vốn ưu đãi đã phấn đấu vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Bà Lại Thị Nga - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn xóm Đại Hữu, xã Thọ Thành cho biết, ngày đầu hoạt động, tổ có 13 thành viên được vay để đầu tư vào trồng trọt và chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, đã có hàng trăm lượt hộ được vay với số vốn đến gần 2 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH cho vay để sản xuất làng nghề, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, đã có nhiều hộ thoát nghèo, có việc làm ổn định. Có hộ còn tạo việc làm cho nhiều người trong thôn và các thôn lân cận cho thu nhập từ 4,5-6 triệu đồng/tháng.

Từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều gia đình có vốn đầu tư phát triển chăn nuôi. Ảnh: Thu Huyền

Từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều gia đình có vốn đầu tư phát triển chăn nuôi. Ảnh: Thu Huyền

Điển hình như gia đình chị Trương Thị Hân, từ khó khăn không có vốn, tổ đã động viên giúp đỡ được hỗ trợ quỹ giải quyết việc làm. Nay cơ sở sản xuất cói xâu của gia đình chị đã có phương tiện phục vụ đi lại, sản xuất. Xưởng luôn có trên 15 người thợ làm việc chính tại xưởng và có 150 người sản xuất tại nhà. Đặc biệt, tổ có các cháu học sinh, sinh viên gia đình có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để đi học, nay ra trường có việc làm ổn định, có những cháu đã trở thành nhà giáo, kỹ sư.

Số liệu tổng hợp từ NHCSXH huyện Yên Thành cho thấy, sau 20 năm hoạt động, doanh số cho vay đạt hơn 2.672 tỷ đồng với 122.518 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện được vay vốn; mức đầu tư cho người vay tăng gấp 15 lần so với thời điểm khi mới thành lập.

NHCSXH huyện Yên Thành giải ngân chương trình sinh viên mua máy tính học trực tuyến. Ảnh: Thu Huyền
NHCSXH huyện Yên Thành giải ngân chương trình sinh viên mua máy tính học trực tuyến. Ảnh: Thu Huyền

Trong đó, 66.925 lượt hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo được vay vốn phát triển kinh tế; góp phần giúp 23.650 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm ổn định cho 3.424 lao động; 922 lao động được vay vốn đi XKLĐ; 2.386 hộ gia đình kinh doanh tại vùng khó khăn có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Đồng hành cùng Chương trình Quốc gia về nước sạch vệ sinh môi trường và xây dựng nông thôn mới, đã có 11.540 hộ gia đình tại vùng nông thôn được vay vốn xây dựng trên 23.069 công trình nước sạch và vệ sinh đạt tiêu chuẩn nhằm nâng cao điều kiện sống và cải thiện môi trường tại vùng nông thôn; 2.325 hộ nghèo được vay vốn để xây dựng mới hoặc sửa chữa lại nhà ở; 27.836 em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập.

Tăng nguồn vốn đáp ứng nhu cầu người dân

Từ những ngày đầu thành lập chỉ mới thực hiện cho vay 2 chương trình tín dụng, đến nay đơn vị đang thực hiện cho vay 13 chương trình tín dụng, tăng thêm 11 chương trình sau khi nhận bàn giao. Nhiều chủ trương, chính sách lớn của Chính phủ cho mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội được triển khai thực hiện rộng khắp trên toàn huyện. Tín dụng chính sách xã hội đã là “bà đỡ” hỗ trợ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách thoát khỏi nghèo đói, từng bước vươn lên làm giàu. Tính đến ngày 31/5/2022, tổng dư nợ cho vay đạt hơn 751 tỷ đồng, như vậy, sau 20 năm dư nợ tăng lên gần 30 lần, hiện còn 17.222 hộ đang còn dư nợ, chiếm gần 22% số hộ dân trên địa bàn toàn huyện.

Cơ sở mầm non ngoài công lập Viet Sing IQ tại xã xã Đô Thành là một trong những đơn vị bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 được giải ngân cho vay nguồn vốn ưu đãi. Ảnh: Thu Huyền
Cơ sở mầm non ngoài công lập Viet Sing IQ tại xã xã Đô Thành là một trong những đơn vị bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 được giải ngân cho vay nguồn vốn ưu đãi. Ảnh: Thu Huyền

Ông Phan Hữu Trang – Giám đốc NHCSXH chi nhánh Yên Thành cho biết: “Nhờ làm tốt công tác thu hồi vốn đã góp phần quan trọng trong việc tạo lập nguồn vốn để cho vay quay vòng các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các đối tượng, giảm áp lực đáng kể trong việc cấp vốn từ Trung ương. Đặc biệt, Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên tăng trưởng rất lớn, từ chỗ dư nợ đạt hơn 340 tỷ đồng, chiếm một tỷ trọng rất lớn trên 50% tổng dư nợ cho vay của giai đoạn 2011 - 2015, những năm gần đây, các em ra trường có việc làm đã trả chỉ còn dư nợ hơn 35 tỷ đồng, giảm 10 lần (chiếm 4,8%). Điều này thể hiện tính hiệu quả trong đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao của tín dụng chính sách”.

Tín dụng chính sách luôn bám vào các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà, ngoài việc chuyển tải nguồn vốn, NHCSXH còn tham mưu, phối hợp với các cấp, các ngành hướng dẫn người dân đầu tư vào các sản phẩm mang tính thị trường, ứng dụng các quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn và gắn với sản phẩm lợi thế của từng địa phương. Nguồn vốn đã phát huy hiệu quả trên nhiều sản phẩm như cây cam ở các xã Minh Thành, Đồng Thành; nấm ở xã Sơn Thành, gà đồi của hợp tác xã Tây Thành; ốc bươu đen ở xã Đức Thành, lươn ở xã Long Thành; tăng tỷ lệ che phủ rừng tại các xã Đồng Thành, Tây Thành, Đại Thành…

NHCSXH Yên Thành giải ngân cho doanh nghiệp vay vốn phục hồi sản xuất. Ảnh: Thu Huyền
NHCSXH Yên Thành giải ngân cho doanh nghiệp vay vốn phục hồi sản xuất. Ảnh: Thu Huyền

Với vai trò thực hiện các mục tiêu phục hồi của Chính phủ trong và sau đại dịch Covid-19, vốn tín dụng chính sách lại đồng hành cùng các doanh nghiệp, cơ sở mầm non có thêm nguồn lực để phục hồi và tái sản xuất, học sinh, sinh viên không đến trường do dịch bệnh khó khăn được vay vốn để mua máy tính và các thiết bị học trực tuyến...

Ông Nguyễn Thanh Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH huyện cho biết, thời gian tới tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tham mưu Hội đồng nhân dân huyện quan tâm bố trí ngân sách ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác; nhất là việc thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo nhanh, bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Chúng tôi gắn việc triển khai tín dụng chính sách với chủ trương, định hướng của từng địa phương về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp, nông thôn, cũng như quan tâm đầu tư vốn tín dụng chính sách cho các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thu hút nhiều lao động, phát triển làng nghề, sản phẩm dịch vụ OCOP, hợp tác xã... trên địa bàn

Ông Nguyễn Thanh Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH huyện Yên Thành

Tin mới