200 cử nhân cử tuyển thất nghiệp - đâu là nguyên nhân

(Baonghean.vn) - Không có chỉ tiêu biên chế là lý do chính được các huyện đưa ra khi nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh viên hệ cử tuyển thất nghiệp. 7 năm qua, 200/439 sinh viên cử tuyển vẫn chưa có việc sau khi tốt nghiệp như cam kết ban đầu.

Tấm bằng đại học và câu trả lời: Không có chỉ tiêu!

Ra trường tốt nghiệp với  tấm bằng loại khá, mang hồ sơ xin việc khắp nơi nhưng câu trả lời mà Hờ Bá Ca nhận được luôn là “không có chỉ tiêu”
Ra trường tốt nghiệp với tấm bằng loại khá, mang hồ sơ xin việc khắp nơi nhưng câu trả lời mà Hờ Bá Ca nhận được luôn là “không có chỉ tiêu”

Cách đây 7 năm, Hờ Bá Ca đã trở thành niềm hy vọng của gia đình khi vượt qua rất nhiều ứng viên để trở thành sinh viên thuộc diện cử tuyển. Đó là năm 2010, thời điểm mà dân tộc Mông có rất ít học sinh học lên cấp 3 chứ chưa nói đến việc thi đỗ đại học. Chính vì thế, việc chàng trai là người dân tộc Mông ở bản Hợp Thành, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương trở thành sinh viên của Học viện Hành chính quốc gia đã trở thành niềm vui của cả gia đình, dòng họ.

Dù có công văn của Ủy ban Dân tộc Trung ương đề nghị UBND huyện Tương Dương quan tâm xét trường hợp Hờ Bá Ca, nhưng 5 năm qua sinh viên cử tuyển này
Dù có công văn của Ủy ban Dân tộc Trung ương đề nghị UBND huyện Tương Dương quan tâm xét trường hợp Hờ Bá Ca, nhưng vẫn không thể 

Sau 5 năm dùi mài kinh sử, ra trường tốt nghiệp với tấm bằng loại khá, mang hồ sơ xin việc khắp nơi nhưng câu trả lời mà Ca nhận được luôn là “không có chỉ tiêu”. Em thấy tấm bằng của em quá lãng phí, em mong muốn sẽ được thực hiện ước mơ của mình, được tuyển dụng đi làm đúng ngành nghề mình đã được đào tạo, không được đi làm lãng phí bao nhiêu tiền của của gia đình mình cũng như Nhà nước đã bỏ ra - Hờ Bá Ca chia sẻ.

Nỗi niềm của Hờ Bá Ca cũng là nỗi niềm chung của các cử nhân cử tuyển bị thất nghiệp. Vi Văn Hợi ở bản Ang - xã Xá Lượng - huyện Tương Dương, dù đã tốt nghiệp khoa Toán trường ĐHSP Huế hơn 4 năm nay, nhưng đành phải ở nhà phụ giúp mẹ làm nghề xay xát, kiếm thêm tiền chi tiêu trang trải trong nhà. Đầu tư cho con hết hàng trăm triệu đồng, được đồng nào dồn hết nuôi con ăn học, mà bây giờ ra trường đưa đơn đi xin việc khắp nơi cứ nói là không có chỉ tiêu. "Chúng tôi chỉ mong cấp trên quan tâm tạo việc làm cho con em miền núi khi học ra trường" -  Bà Vi Thị Vinh, mẹ Hợi nghẹn ngào nói.

Trường hợp của Vi Thị Nhàn lại khá đặc biệt. Năm 2006, khi gia đình đang cư trú tại vùng di dân thủy điện bản Vẽ, Nhàn được huyện Tương Dương cử đi học hệ chính quy Đại học Kinh tế quốc dân. Tốt nghiệp ra trường năm 2010, lúc này, gia đình em đã di dân về bản Muộng - xã Ngọc Lâm - huyện Thanh Chương. Do các địa phương đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, đến nay, sau 6 năm ra trường, Nhàn vẫn chưa được tiếp nhận. Nhàn tâm sự: "Bây giờ em chẳng biết làm thế nào, chỉ biết chờ đợi. Bao nhiêu tiền của, phải bán trâu, bán bò để lấy tiền ăn học, em mong các cơ quan chức năng quan tâm đến trường hợp của em, bố trí cho em có một việc làm để ổn định cuộc sống".

Chán nản vì đợi việc, Nhàn lấy chồng, mở hiệu tạp hóa buôn bán kiếm kế sinh nhai, bỏ phí tấm bằng 4 năm ăn học.
Sau 4 năm ăn học, tốt nghiệp không có việc làm, chán nản vì đợi việc, Vi Thị Nhàn lấy chồng, mở hiệu tạp hóa buôn bán kiếm kế sinh nhai.

Sau nhiều lần gửi đơn kiến nghị, huyện Tương Dương đã có công văn trả lời: Việc địa phương không tuyển dụng là do Vi Thị Nhàn không còn hộ khẩu ở đây nữa. Về phía huyện Thanh Chương khẳng định, Nghị định 134 của Chính phủ đã quy định rất rõ địa phương nào cử đi thì địa phương đó phải có trách nhiệm bố trí việc làm. Ông Nguyễn Văn Quế - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương khẳng định: Trên địa bàn huyện Thanh Chương những năm qua không có học sinh cử tuyển vì không có nhu cầu, nhưng khi di dân tái định cư về thì do huyện Tương Dương cử một số em đi học cử tuyển, vì vậy khi đi học về thì trách nhiệm thuộc về huyện Tương Dương phải bố trí, vì địa phương nào cử đi thì địa phương đó có trách nhiệm phải bố trí việc làm. Còn về phía huyện Thanh Chương, nếu thiếu vị trí việc làm nếu xét thấy phù hợp chúng tôi sẽ tuyển dụng.

Hằng ngày sau giờ lên rẫy, Hờ Bá Ca chỉ biết làm bạn với chiếc khèn, giấc mơ được trở thành công chức Nhà nước  đang dần lụi tắt.
Hằng ngày sau giờ lên rẫy, Hờ Bá Ca chỉ biết làm bạn với chiếc khèn, giấc mơ được trở thành công chức Nhà nước  đang dần lụi tắt.

Còn ông Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương lại lý giải: Chúng tôi có muốn bố trí cũng chịu bởi vì không có biên chế. Trường hợp em Vi Thị Nhàn, không phải chúng tôi không muốn tuyển dụng mà vì ngành kế toán mà cô Nhàn theo học huyện Tương Dương không có nhu cầu.. "Hơn nữa, học sinh cử tuyển chất lượng làm sao bằng các em tự thi tuyển, Luật Công chức lại bắt buộc phải thi tuyển, kể cả khi mình ưu tiên rồi mà không bằng người ta thì phải chịu chứ biết làm sao được" - ông Lô Thanh Nhất  nói đồng thời thừa nhận, đây là những vấn đề tồn tại thuộc về lịch sử, mặc dù không có vị trí việc làm nhưng vẫn chạy theo phong trào nên hầu hết các ngành học như: nông, lâm nghiệp, sư phạm và ngành luật được học sinh theo học rất đông và khi ra trường rất khó tuyển dụng vì không có nhu cầu.

Hơn 200 sinh viên cử tuyển thất nghiệp

Cử nhân ĐHSP Vi Văn Hợi về quê làm nghề xay xát, kiếm thêm tiền chi tiêu phụ giúp cha mẹ.
Không xin được việc là cử nhân Đại học sư phạm Huế Vi Văn Hợi ở bản Ang, xã Xá Lượng (Tương Dương) về quê làm nghề xay xát, kiếm thêm tiền chi tiêu phụ giúp cha mẹ.

Không có chỉ tiêu biên chế là lý do chính được các huyện đưa ra khi nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Theo thống kê, từ năm 2005 đến 2014, toàn tỉnh có 884 sinh viên được cử tuyển, trong đó có 602 theo hệ đại học, 147 cao đẳng và 135 trung cấp. Và 7 năm qua, trong số 439 SV cử tuyển sau khi tốt nghiệp ra trường, toàn tỉnh hiện vẫn còn hơn 200 sinh viên cử tuyển vẫn chưa có việc làm theo như cam kết ban đầu. Điều này không chỉ làm lãng phí nguồn nhân lực mà còn gây lãng phí đối với nguồn ngân sách Nhà nước. Bình quân, trong 4 năm học, tỉnh Nghệ An phải chi tới 100 triệu đồng cho 1 sinh viên cử tuyển, bao gồm các khoản: học bổng, học phí, tiền mua sắm sách vở... 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho rằng: Sinh viên cử tuyển đi học mất 4 năm, lúc đầu những vị trí đó cũng thiếu thật. T"uy nhiên, trong quá trình các cháu đi học thì những vị trí này đòi hỏi phải có cán bộ làm việc, bắt buộc mình phải đưa người khác vào thay thế. Nhưng khi các cháu về mình không thể đuổi họ ra được, khó là vì thế" - Bà Mai phân bua.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Các địa phương cũng thừa nhận để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm phần lớn thuộc cấp thực thi chính sách. Cộng thêm việc thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ từ năm 2008 lại nay, con em dân tộc thiểu số thuộc vùng 30a được đăng ký cử tuyển trực tiếp tại các trường CĐ, ĐH. Trong khi đó, hình thức cử tuyển dễ dãi, ngành giáo dục chỉ xét tuyển dựa trên cơ sở điểm, học bạ. Vì vậy, trách nhiệm cũng thuộc về cả các cơ sở đào tạo.

Trong khi đó, về phía Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho rằng, ngoài nguyên nhân do các huyện xây dựng chỉ tiêu cử tuyển chưa sát, chưa nghiêm túc thì còn do sự phối hợp giữa các cấp, các ngành với các địa phương chưa chặt chẽ. Thêm vào đó, kết quả học tập của sinh viên cử tuyển còn kém, việc tuyển dụng giữa Nghị định 134 và Luật Công chức không đồng nhất. Ông Thái Huy Vinh - Phó GĐ Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định rằng: Ngành giáo dục đã hết trách nhiệm, việc bố trí việc làm trách nhiệm thuộc về các huyện cử học sinh đi học và Sở Nội vụ.

Ông Lương Thanh Hải - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cũng khẳng định: Thông tư liên tịch số 02 ban hành ngày 21/9/2014 giữa Ủy ban Dân tộc và Bộ Nội vụ đã quy định rất rõ: Tất cả học sinh người dân tộc thiểu số học đại học, cao đẳng theo chế độ cử tuyển khi ra trường sẽ được địa phương bố trí việc làm. Sinh viên cử tuyền sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng không qua thi công chức, viên chức. Hàng năm, UBND các tỉnh trình HĐND tỉnh số lượng biên chế dự phòng làm cơ sở tuyển dụng, bố trí vào công chức viên chức đảm bảo tỷ lệ hợp lý. Ông Hải cho rằng, trách nhiệm thuộc về các ngành cấp tỉnh, đó là chưa tham mưu tốt với UBND tỉnh, HĐND tỉnh thực hiện đúng theo Thông tư liên tịch số 02.

Chính sách cử tuyển đã lỗi thời.

Do việc xác định đăng ký chỉ tiêu cử tuyển hàng năm của các huyện không bám sát theo nhu cầu tuyển dụng thực tế dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu. Cùng với đó, những năm gần đây do biên chế không được giao tăng, các ngành, địa phương lại đang thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế nên việc bố trí việc làm cho sinh viên cử tuyển gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, sinh viên cử tuyển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế nên càng khó kiếm được việc làm.

"Theo quan điểm của tôi, nên bỏ hình thức cử tuyển từ thực tế nói trên, nên chăng chỉ cử tuyển với một số dân tộc ít người như Ơ đu, Choăng... bởi vì những dân tộc này có dân số dưới 10 ngàn người"-  bà Kha Thị Tím - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông chia sẻ quan điểm.

Bên cạnh đó, bản thân các em sinh viên cử tuyển cũng cần phải nhận thấy rằng, việc mình được nhà nước tạo điều kiện tối đa để đi học ở những trường đại học hàng đầu đã là một sự ưu đãi, sau khi ra trường, thay vì ngồi chờ nhà nước thì các em hoàn toàn có thể tự đi tìm kiếm các cơ hội việc làm khác.

Dù với nguyên nhân nào đi nữa thì việc sinh viên cử tuyển thất nghiệp như hiện nay đang gây lãng phí rất lớn. Hơn nữa, để xảy ra tình trạng này cũng khiến cho một chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước mất đi ý nghĩa vốn có. Trước thực trạng đó, những năm gần đây, việc xây dựng chỉ tiêu cử học sinh đi học cử tuyển đã được tỉnh Nghệ An điều chỉnh giảm dần, và trong 2 năm qua, cả tỉnh không cử trường hợp nào.

Đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ và các ngành, huyện có liên quan thực hiện việc ưu tiên tiếp nhận, tuyển dụng người dân tộc thiểu số, người học theo chế độ cử tuyển; Giảm số lượng cử tuyển, nâng cao chất lượng đối tượng được cử đi học cử tuyển. UBND tỉnh sẽ giao Sở Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Dân tộc và các ngành liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Thực hiện Quyết định số 402 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, sẽ xác định tỷ lệ, cơ cấu hợp lý người dân tộc thiểu số trong các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập để làm cơ sở tuyển dụng người dân tộc thiểu số, người học theo chế độ cử tuyển. Giao Sở Nội vụ rà soát chất lượng học tập của SVCT tại các cơ sở giáo dục.

Hiến Chương

TIN LIÊN QUAN

Tin mới