200 hồ đập Nghệ An cạn trơ đáy sau 1 tháng nắng nóng kịch điểm

(Baonghean.vn) - Đợt nắng nóng gay gắt tại Nghệ An nói riêng và khu vực Bắc Trung Bộ bắt đầu từ ngày 4/6 đến hôm nay 27/6, vừa tròn 23 ngày. Dự kiến còn sẽ kéo dài đến hết tháng.
Hồ, đập trơ đáy

Hồ Vực Mấu là một trong những đập thủy lợi lớn nhất của tỉnh Nghệ An với dung tích hơn 75 triệu khối nước, cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt cho cả một vùng dân cư trù phú của Thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu. Sau 1 tháng nắng hạn, vùng thượng nguồn hồ ở các xã Quỳnh Thắng, Tân Thắng đã cạn trơ đáy, nứt nẻ. Mực nước hồ giảm xuống cả mấy mét. 

Thượng nguồn hồ Vực Mấu trơ đáy, nứt nẻ. Ảnh: Nhật Thanh
Thượng nguồn hồ Vực Mấu trơ đáy, nứt nẻ. Ảnh: Nhật Thanh
Ông Mai Trường Phớt, trưởng thôn 10, xã Quỳnh Trang, sống cạnh thân đập hồ Vực Mấu cho biết: Suốt mười mấy năm qua, đây là lần đầu tiên thấy nước hồ Vực Mấu bị cạn như vậy.
Tại huyện Nghi Lộc, tình cảnh khô hạn cũng không kém phần gay gắt. Các hồ, đập nhỏ thuộc diện quản ký của xã đều đã ở mực nước kiệt. Nguy hại hơn, nước ở sông Kẻ Gai và Sông Cấm xuống thấp, bị nước mặn xâm thực nên cả 5 máy bơm thủy lợi trên 2 tuyến sông này đều bị treo.
Đập Mai Tân tại xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ cạn nước. Ảnh: Cẩm Tú
Đập Mai Tân tại xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ cạn nước. Ảnh: Cẩm Tú
Ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho hay: hiện tại, một số hồ lớn như Vực Mấu (TX. Hoàng Mai), Khe Đá (Nghĩa Đàn), hồ chứa ở Nghi Văn (Nghi Lộc)...  mực nước đang giảm mạnh, một số vùng đã trơ đáy, lượng nước chỉ khoảng 40-50% dung tích; nếu không có nước bổ sung thì rất gay. Ngoài ra, theo báo cáo sơ bộ của các địa phương đến ngày 26/6, có khoảng 200 hồ đập nhỏ do các địa phương quản lý đã ở trong tình trạng cạn kiệt không còn nước để bơm. 
Một đoạn sông Cấm qua xã Nghi Thuận sắp cạn trơ đáy. Mặc dù lượng nước còn nhưng do tỷ lệ mặn cao nên người dân không dám bơm tưới.Ảnh: Nguyễn Hải
Một đoạn sông Cấm qua xã Nghi Thuận sắp cạn trơ đáy. Mặc dù lượng nước còn nhưng do tỷ lệ mặn cao nên người dân không dám bơm tưới. Ảnh: Nguyễn Hải
Bên cạnh đó, năm nay do không có mưa tiểu mãn nên lượng nước bổ sung về vào các hồ đập bị thiếu nghiêm trọng. Đã vậy, đợt nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao, kết hợp với gió phơn Tây Nam khô nóng từ Lào sang, cộng với hiệu ứng của biến đối khí hậu và đô thị hóa nên lượng nước trong các hồ đập bốc hơi rất nhanh, cây trồng thiếu nước nghiêm trọng.
Hồ lớn nhất ở Nghệ An hiện nay là thủy điện Bản Vẽ. So với các năm trước, nước từ thượng nguồn về thủy điện Bản Vẽ cũng giảm mạnh, chỉ đạt 12 - 50m3/s so với mực nước về Thủy điện Bản Vẽ hàng năm cùng thời điểm là 70 - 100m3/s. Trữ lượng nước của hồ Bản Vẽ chỉ là 87 triệu mchỉ bằng 5% so với dung tích thiết kế là 1,8 tỷ m3 nên mực nước đã gần với mức nước chết.
Các giải pháp ứng phó, xử lý giảm nhẹ thiệt hại
Theo ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết thêm: Mặc dù lượng nước bổ sung về hồ thủy điện Bản Vẽ giảm mạnh nhưng để cứu lúa, tỉnh vẫn yêu cầu thủy điện Bản Vẽ duy trì mức xả 120m3/s để nước về hạ nguồn. Dù vậy, việc bơm nước cứu lúa từ sông Lam cũng gặp nhiều khó khăn. Do mực nước xuống thấp và chỉ tranh thủ lúc thủy triều xuống (nước mặn không xâm thực), nước ngọt từ hạ nguồn mới xuống thì cống Mụ Bà (Đô Lương) và cống Nam Đàn mới mở được để các địa phương thay nhau bơm luân phiên để tưới.
Đắp đề quai ngăn mặn từ sông Cấm lên tại đoạn cầu N5, xã Nghi Thuận, Nghi Lộc. Ảnh: Nguyễn Hải
Đắp đề quai ngăn mặn từ sông Cấm lên tại đoạn cầu N5, xã Nghi Thuận (Nghi Lộc). Ảnh: Nguyễn Hải
Từ ngày 21/6, UBND tỉnh đã có Công điện khẩn yêu cầu các địa phương và Thủy điện Bản Vẽ đảm bảo xả 120 m3/s để phía hạ nguồn có nước bơm tưới. Đồng thời, giao các công ty thủy nông và các địa phương khơi kênh mương, dùng máy bơm dầu lưu động, tranh thủ thủy điện xả nước, mở cống để bơm đưa nước luân phiên lên đồng nhằm giữ ẩm, cứu các diện tích lúa có thể và trông chờ thời tiết tốt hơn. 
Đập Điện Lực của xã Kỳ Sơn là một trong 80 hồ đập trên địa bàn huyện Tân Kỳ hiện đã cạn kiệt nước do nắng nóng. Ảnh: Xuân Hoàng
Đập Điện Lực của xã Kỳ Sơn là 1 trong 80 hồ đập trên địa bàn huyện Tân Kỳ hiện đã cạn kiệt nước do nắng nóng. Ảnh: Xuân Hoàng
Song song với chỉ đạo lấy nước bơm lên đồng để giữ ẩm cứu lúa, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương ngăn nước mặn xâm thực, thường xuyên quan trắc để khuyến cáo các địa phương bơm tưới. Đại diện Chi cục Thủy lợi thừa nhận: nếu nắng nóng kéo dài khoảng 10 ngày nữa thì thiệt hại đối với nông nghiệp Nghệ An sẽ rất nặng nề. Trường hợp xấu nhất và đủ điều kiện theo quy định, tỉnh sẽ làm quy trình công bố thiệt hại do thiên tai nắng hạn.

Rủi ro thiên tai do nắng nóng gồm 3 cấp độ: Cấp độ 1 là đợt nắng nóng với nhiệt độ cao nhất trong ngày lên đến 39°C, 40°C, kéo dài từ trên 5 ngày đến 10 ngày. Cấp độ 2 gồm các trường hợp đợt nắng nóng với nhiệt độ cao nhất trong ngày lên đến 39°C, 40°C, kéo dài trên 10 ngày hoặc đợt nắng nóng với nhiệt độ cao nhất trong ngày vượt qua 40°C, kéo dài từ trên 5 ngày đến 10 ngày. Cấp độ 3 xảy ra khi đợt nắng nóng với nhiệt độ cao nhất trong ngày vượt qua 40°C, kéo dài trên 10 ngày.

(Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ)

Tin mới