3 điểm đóng góp vượt trội trong “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản“

(Baonghean.vn) - So với tư tưởng CNXH trước đó, "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" có đóng góp vượt trội, thể hiện tập trung ở 3 điểm căn cốt.

1. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời là kết quả tất yếu của lịch sử nhân loại, đáp ứng đòi hỏi sự phát triển của phong trào công nhân toàn thế giới. Cùng với sự phát triển của nền đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa, giai cấp công nhân ngày càng trưởng thành, từ những năm 40 thế kỷ XIX, bắt đầu bước lên vũ đài chính trị với tư cách là một lực lượng xã hội độc lập. 

Thực tế đó, đòi hỏi bức thiết có một hệ thống lý luận soi đường, có chính đảng lãnh đạo để giai cấp công nhân thực hiện được sứ mệnh lịch sử của mình. Tuy nhiên, cho đến nửa đầu thế kỷ XIX, CNXH vẫn là không tưởng, vì không phát hiện ra quy luật vận động, phát triển của xã hội loài người; không chỉ ra được lực lượng xã hội tiên phong và đề xuất biện pháp khả thi để lật đổ giai cấp tư sản, xã hội tư bản, xây dựng CNXH và CNCS. Trong bối cảnh đó, thông qua những hoạt động tích cực của C.Mác và Ph.Ăngghen, từng bước làm thay đổi nhận thức và hành động của giai cấp công nhân, cho ra đời Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản tháng 2-1848, đánh dấu hình thành CNXH khoa học.

2. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã “trình bày công khai mục đích, nhiệm vụ, những biện pháp cách mạng, nguyên tắc chiến lược, sách lược của những người cộng sản và giai cấp vô sản nhằm lật đổ giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa cộng sản”; trở thành cương lĩnh chính trị đầu tiên của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Tuyên ngôn là ánh sáng soi đường, thức tỉnh, dẫn dắt, là lời hiệu triệu, là ngọn cờ tập hợp sức chiến đấu của giai cấp công nhân, nhân dân lao động toàn thế giới thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của mình, làm xuất hiện CNXH hiện thực từ hơn 100 năm nay.

 

Đóng góp vượt trội của Tuyên ngôn so với tư tưởng CNXH trước đó, thể hiện tập trung ở 3 điểm căn cốt:

(1) Tuyên ngôn chỉ rõ quy luật vận động, phát triển khách quan của xã hội loài người, khẳng định tất yếu xã hội tư bản sẽ bị thay thế bởi xã hội cộng sản. Từ khi xã hội loài người phân chia giai cấp, thì diễn ra cuộc đấu tranh của các giai cấp đối lập nhau về quyền lợi, địa vị xã hội. Vì “lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp” nên “sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”.

(2) Tuyên ngôn chỉ rõ sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và chính họ là lực lượng nòng cốt đi tiên phong lật đổ giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản, thiết lập xã hội cộng sản, giải phóng giai cấp, rộng hơn là giải phóng xã hội, giải phóng con người, giúp các dân tộc thoát khỏi áp bức, bóc lột, đưa con người tiến đến cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc, công bằng, tiến bộ xã hội. Cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân không tách rời cuộc đấu tranh dân tộc, không chỉ dừng lại trong phạm vi một nhà máy, quốc gia mà phải là phạm vi quốc tế. Đây là một nội dung rất quan trọng chi phối tiến trình cách mạng của các dân tộc từ sau khi Tuyên ngôn ra đời, nhất là trong thế kỷ XX và điều kiện hiện nay.

(3) Tuyên ngôn chỉ ra phương pháp khoa học để giai cấp công nhân hiện thực thắng lợi sứ mệnh lịch sử của mình; trong đó, tất yếu phải có chính đảng cộng sản lãnh đạo, tiến hành bạo lực cách mạng, thực hiện chuyên chính vô sản, xây dựng khối liên minh công nông, tạo dựng đoàn kết vô sản toàn thế giới. Tuyên ngôn chỉ rõ, giai cấp công nhân không thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử nếu không tổ chức thành chính đảng vô sản. Đảng Cộng sản ra đời là tất yếu do yêu cầu tổ chức giáo dục, rèn luyện, tập hợp, tạo ra sức mạnh cho giai cấp công nhân thực hiện sứ mệnh của mình. Trước hết, họ “phải thanh toán xong giai cấp tư sản nước mình”, “phải giành lấy chính quyền”, “xóa bỏ tình trạng người bóc lột người” thì “tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ”.

3. Phát hiện ra vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; chỉ rõ cho giai cấp công nhân phải làm gì và làm bằng cách nào để tự giải phóng mình, giải phóng xã hội, giải phóng nhân loại thoát khỏi áp bức, bóc lột, bất công, xây dựng xã hội tốt đẹp có của cải vật chất dồi dào với tình nhân ái bao la, chính là giá trị có ý nghĩa vô cùng to lớn, là cơ sở tạo nên sức sống trường tồn của Tuyên ngôn.

Trải qua chặng đường 170 năm với bao thăng trầm, biến đổi của tình hình thế giới, luôn vấp phải sự tấn công, xuyên tạc của các thế lực thù địch và tuy có một số điểm của Tuyên ngôn không hẳn hoàn toàn phù hợp với xã hội đương đại, như các tác giả của nó thừa nhận từ năm 1872 rằng “cương lĩnh này có một số điểm đã cũ”, nhưng Tuyên ngôn luôn thể hiện sức sống rất mãnh liệt, cho thấy giá trị khoa học và thực tiễn sâu sắc. Con đường cách mạng và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân mà Tuyên ngôn vạch ra đã đưa hàng tỷ quần chúng lao động, hàng loạt quốc gia, dân tộc thoát khỏi thân phận bị bóc lột, áp bức, nô dịch, vươn tới địa vị làm chủ, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Tuyên ngôn đã, đang và sẽ tiếp tục chứng minh cho nhân loại thấy rằng, chủ nghĩa cộng sản không phải là “một bóng ma ám ảnh châu Âu” như các thế lực đế quốc, phản động từng rêu rao, không chỉ đã thổi bùng lên những cuộc cách mạng vô sản làm rung chuyển thế giới, trở thành một hiện thực khách quan với đầy đủ khuôn hình, đóng góp to lớn vào mục tiêu giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng loài người, thu phục được sự ủng hộ, đồng tình của nhân loại tiến bộ trên thế giới.

Từ đứa con đầu lòng là Công xã Pari năm 1871 đến Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917, rồi ra đời nhà nước Liên Xô năm 1922 trở thành tâm điểm, đầu tàu cho những nước đi theo con đường CNXH hướng về phấn đấu. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945), với thắng lợi của hàng loạt cuộc cách mạng ở châu Âu, châu Á và châu Mỹ Latinh, CNXH trở thành hệ thống thế giới, tạo nên đối trọng đáng gờm, tác động mạnh mẽ đến sự điều chỉnh chính sách của CNTB. Trong điều kiện mới, cho dù chủ nghĩa t­ư bản có điều chỉnh chính sách để thích nghi và phát triển nh­ư thế nào, nhưng bản chất vẫn không thay đổi. Dù có thể tận dụng những thành tựu cách mạng khoa học công nghệ hiện đại để phát triển, nhưng chủ nghĩa t­ư bản không thể thích nghi mãi đ­ược, xã hội tư bản vẫn không triệt tiêu được bóc lột, bất công.

Tuyên ngôn ra đời kéo theo sự xuất hiện CNXH hiện thực, đến nay vẫn vấp phải sự tấn công không ngừng nghỉ của chủ nghĩa tư bản và các thế lực thù đich, nhất là âm mưu “diễn biến hòa bình”. Đặc biệt là khi mô hình CNXH ở Liên Xô, Đông Âu tan rã, sụp đổ vào thập niên cuối thế kỷ XX, thì chủ nghĩa tư bản và nhiều thế lực thù địch, phản động rêu rao Tuyên ngôn Đảng Cộng sản khép lại vai trò, ý nghĩa. Nhưng thực tế lại khác, các nước XHCN còn lại, trong đó đặc biệt là Việt Nam đã kiên định con đường đi lên CNXH, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, càng chứng minh cho sức sống mãnh liệt, tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin được Tuyên ngôn vạch ra từ cách đây 170 năm.

Sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân do C.Mác, Ph.Ăngghen phác thảo, được V.I.Lênin tiếp tục bổ sung và phát triển, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam đang là nội dung chúng ta phấn đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. So với trước đây, giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại có nhiều thay đổi, phát triển về số lượng, chất lượng, cơ cấu, địa vị lịch sử, vai trò trong xã hội, nhưng vai trò lãnh đạo, bản chất cách mạng và tính tiền phong vẫn không hề thay đổi. Như Đảng ta khẳng định tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/1/2008: “Xây dựng giai cấp công nhân nước ta lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và của toàn xã hội… Giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn: Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Tin mới