3 định hướng phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - TS Lê xuân Sang - Viện phó Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng Nghệ An có nhiều bất lợi để phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn. Tuy nhiên, tỉnh vẫn có những lợi thế, tiềm năng và dư địa chính sách để hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp này.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thu Huyền
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thu Huyền

Sáng 17/5, UBND tỉnh Nghệ An và Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học công nghiệp Nghệ An đến năm 2030. Hội thảo thu hút nhiều tham luận của các học giả đến từ các cục, viện nghiên cứu.

Trên quan điểm ai là người làm công nghiệp hỗ trợ cho Nghệ An?; tỉnh cần chính sách nào cho hiệu quả?  - TS Lê Xuân Sang, Viện phó Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng Nghệ An có nhiều bất lợi về địa kinh tế khiến phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn nói riêng càng khó khăn.

Tuy nhiên, tỉnh vẫn có những lợi thế, tiềm năng và dư địa chính sách để hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp này trên địa bàn.

Theo TS Lê Xuân Sang, cho đến nay, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn còn rất non yếu, với số lượng doanh nghiệp chỉ chiếm xấp xỷ 0,3% vào cuối năm 2017. Qua 3 thập niên bảo hộ, hầu hết các ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn phát triển rất chậm, một số ngành có thể nói là đã thất bại.

TS Lê xuân Sang – Viện phó Viện Kinh tế Việt Nam đặt vấn đề: Nghệ An nên hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn như thế nào?
TS Lê Xuân Sang - Viện phó Viện Kinh tế Việt Nam đặt vấn đề: Nghệ An nên hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn như thế nào?

Công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Nghệ An lại càng yếu hơn so với mức trung bình của cả nước. Thời gian qua, tỉnh đã thu hút được một số doanh nghiệp, điển hình là ngành công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin có 2 doanh nghiệp là Công ty BSE và Công ty EM -TECH sản xuất linh kiện điện thoại.  Hay Nhà máy Sản xuất vỏ lon bia hai mảnh và bao bì carton cho nhà máy bia trong hệ thống Tập đoàn Sabeco; Công ty CP bao bì và kinh doanh tổng hợp Nghệ An sản xuất bao bì xi măng và bao bì nông sản; Công ty TNHH Strongplus Elevator Việt - Hàn sản xuất và phân phối các sản phẩm cơ khí bulong, ốc vít, các thiết bị phụ trợ chủ yếu cho sản xuất thang máy và xuất sang Hàn Quốc… Còn lại các lĩnh vực khác như dệt may, da giày, ngành sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao đều còn rất yếu.

Nhìn chung, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Nghệ An còn quá nhỏ lẻ, manh mún, chưa đáp ứng yêu cầu các nhà đầu tư, các dự án đang xây dựng trong tỉnh. Đặc biệt, công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may - một trong những ngành trọng điểm của Nghệ An thì hầu như chưa có gì.

Cho đến nay, hầu hết các thiết bị phục vụ sản xuất dệt may như kim, cúc, chỉ, khuy bấm, dây khóa, kéo kim loại… đều phải nhập từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Dây chuyền may xuất khẩu tại Công ty may Haivina Kim Liên, Nam Đàn. Ảnh: Thu Huyền
 Dây chuyền may xuất khẩu tại Công ty may Haivina Kim Liên, Nam Đàn. Ảnh: Thu Huyền

Trên cơ sở phân tích những hạn chế cũng như yêu cầu phát triển, TS. Lê Xuân Sang gợi ý 3 định hướng mang tính chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Nghệ An.

Một là, định hướng ưu tiên cả trong ngắn hạn và dài hạn là cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện mạnh mẽ mối trường đầu tư kinh doanh - cạnh tranh trong tỉnh để thúc đẩy mạnh hơn đầu tư từ nguồn vốn trên địa bàn và thu hút đầu tư từ bên ngoài, qua đó, phát triển lực lượng doanh nghiệp nói chung, và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn nói riêng.

Hai là, định hướng lâu dài để phát triển kinh tế - xã hội dài hạn của Nghệ An là phát triển thành trung tâm CNTT và trung tâm khoa học, giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung bộ. Do vậy, tăng cường nguồn lực, điều chỉnh chiến lược phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo trên địa bàn.

Ba là, để đạt được các chiến lược nói trên và phát triển vững chắc các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn, cần nâng cấp, đổi mới hệ thống các tổ chức giáo dục đại học, dạy nghề trong tỉnh theo hướng tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học công nghệ, phát triển ngành, tổ chức liên kết ngành tinh vi, quản trị kinh tế quản trị công nghệ...

“Do bất lợi về địa kinh tế, Nghệ An nên tập trung phát triển những ngành mà bất lợi về khoảng cách xa trung tâm kinh tế lớn ít ảnh hưởng tới giá thành sản xuất, dựa nhiều hơn vào các lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của mình thông qua việc tận dụng triệt để các lợi ích mà cách mạng công nghệ thông tin - truyền thông (nhất là Internet, điện thoại di động, số hóa) cũng như các quy chế mà FTA mang lại (về quy mô thị trường và xuất xứ đầu vào, chuyển giao công nghệ).
Ngoài ra, tỉnh cần rà soát, nghiên cứu chuyên sâu và lựa chọn những ngành công nghiệp hỗ trợ phù hợp nhất với tỉnh trong tổng 6 nhóm ngành hàng được Chính phủ quy định hỗ trợ”- TS Lê xuân Sang chia sẻ.

Tin mới