30 công dân Nghệ An nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc được trao trả ở biên giới Lạng Sơn

(Baonghean.vn) - Đó là thông tin UBND tỉnh Lạng Sơn thông báo với UBND tỉnh Nghệ An về tình hình gia tăng việc xuất nhập cảnh trái phép của công dân Nghệ An sang Trung Quốc lao động, làm thuê, tham gia vận chuyển hàng hóa qua đường mòn biên giới.
Nhiều lao động Nghệ An nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc được trao trả tại khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Googe Maps
Nhiều lao động Nghệ An nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc được trao trả tại khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Googe Maps
Theo công văn số 69/UBND-NC ngày 4/4/2019 của UBND tỉnh Lạng Sơn thì chỉ tính riêng năm 2018 và quý I năm 2019, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện, tuyên truyền, giải thích, yêu cầu 165 công dân Nghệ An có ý định xuất cảnh trái phép quay lại; đồng thời tiếp nhận 30 công dân Nghệ An nhập cảnh trái phép qua Trung Quốc do Công an Trung Quốc trao trả.

Tình hình xuất nhập cảnh trái phép nói trên gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới. Bên cạnh đó, người xuất nhập cảnh trái phép cũng gặp những rủi ro khi cư trú trái phép, lao động, làm thuê tại Trung Quốc do không có giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định của luật pháp và thông lệ quốc tế, gây khó khăn cho việc bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Ông Cụt Phò May kiểm điểm trước nười dân bản Noọng Dẻ ( Xã nậm Cắn, Kỳ Sơn) về hành vi vượt biên trái phép. Ảnh: tư liệu
Buổi kiểm điểm người vượt biên trái phép ở bản Noọng Dẻ (xã Nậm Cắn, Kỳ Sơn). Ảnh tư liệu
Để phòng ngừa và ngăn chặn từ xa tình trạng công dân Nghệ An xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, ngày 24/4/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn số 2726/UBND.VX yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành, thị tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục người dân trên địa bàn chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về cư trú, xuất cảnh, nhập cảnh và cảnh báo những rủi ro, nguy hiểm tiềm ẩn khi xuất nhập cảnh trái phép.
Trên thực tế, tại Nghệ An những năm qua, mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng tình hình lao động di cư tự do sang làm việc và cư trú bất hợp pháp tại các nước Lào, Thái Lan, Trung Quốc... vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, chủ yếu là địa bàn có người Mông sinh sống. Theo thông tin đưa ra tại Hội thảo “Văn phòng thông tin di cư: Các thực tiễn tốt và xu hướng di cư mới” do Tổ chức di cư Quốc tế (IOM), Cục Quản lý lao động Ngoài nước (thuộc Bộ LĐTB&XH) phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An tổ chức vào sáng 7/5/2019 thì hiện vẫn còn 12.435 lao động Nghệ An đang làm việc ở vùng biên giới không có hợp đồng lao động theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó còn 1.014 lao động làm việc ở vùng biên giới và XKLĐ không có hợp đồng theo quy định, tập trung chủ yếu ở các nước Lào, Trung Quốc, Thái Lan.

Tin mới