4 chìa khóa quan trọng giúp giảm mỡ máu xấu, bạn đã biết để chủ động phòng bệnh?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Để dự phòng và điều trị các rối loạn mỡ máu thì chế độ ăn uống có một vai trò quyết định. Bạn cần biết 4 bước thay đổi lối sống giúp giảm mỡ máu, chủ động phòng các bệnh tim mạch.

1. Tăng mỡ máu dẫn đến nhiều hệ lụy sức khỏe

Hiện nay, cùng với lối sống hiện đại, tình trạng tăng mỡ máu hay mỡ máu cao là một bệnh khá thường gặp ở người trưởng thành. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ mắc bệnh mỡ máu của người Việt Nam đang ngày tăng nhanh và có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

BS. Vũ Ngọc Hà, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: Tăng mỡ máu hay còn gọi là rối loạn lipid máu là tình trạng bệnh lý khi có một hoặc nhiều thông số lipid bị rối loạn như tăng cholesterol hoặc tăng triglyceride, hoặc tăng LDL-C (cholessterol xấu), hoặc giảm HDL-C (cholessterol tốt)...

Tăng mỡ máu tuy không phải bệnh cấp tính nhưng các rối loạn mỡ máu (lipid máu, tăng cholesterol trong máu) có thể gây nhiều hệ lụy, sẽ phát sinh nhiều bệnh lý khác, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe. Mỡ máu cao là nguy cơ gây bệnh gan nhiễm mỡ, có thể dẫn tới suy giảm chức năng gan và thậm chí là ung thư gan.

Mỡ máu cao khiến lòng mạch bị hẹp do các mảng xơ vữa, cản trở lưu thông máu.

Mỡ máu cao khiến lòng mạch bị hẹp do các mảng xơ vữa, cản trở lưu thông máu.

Do diễn biến bệnh âm thầm, nhiều người thường chủ quan, trong khi đó rối loạn mỡ máu là một trong những nguyên nhân chính gây xơ vữa động mạch, dẫn tới tăng huyết áp và các bệnh tim mạch... Lượng mỡ xấu trong máu tăng cao là nguyên nhân của xơ vữa mạch máu, làm hẹp các động mạch cung cấp máu cho tim và các cơ quan khác của cơ thể. Khi động mạch vành bị hẹp sẽ làm giảm dòng máu tới nuôi tim gây cơn đau thắt ngực, thậm chí nhồi máu cơ tim có thể dẫn tới đột tử.

Nguyên nhân của rối loạn mỡ máu chủ yếu là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, cung cấp năng lượng dư thừa cho cơ thể trong một thời gian dài. Mỡ máu cao chủ yếu do ăn thức ăn có quá nhiều chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa kết hợp với lối sống thụ động, lười vận động, hút thuốc lá,… gây tích tụ quá nhiều chất béo xấu gây bệnh.

2. Bốn bước thay đổi lối sống để giảm mỡ máu

Khi phát hiện có rối loạn mỡ máu, tùy tình trạng nặng hay nhẹ mà bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Khi bị tăng mỡ máu nhẹ, chế độ ăn uống hợp lý và tập luyện thường xuyên có thể cải thiện tình trạng bệnh mà không cần dùng thuốc. Nếu thực hiện điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống sau 3 tháng không hiệu quả thì phải dùng thuốc hạ mỡ máu theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

TS.BS Nguyễn Mạnh Quân - Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Bước tiếp cận đầu tiên để đạt mục tiêu hạ mỡ máu đó là thay đổi lối sống trước khi điều trị bằng thuốc cho bệnh nhân. Thay đổi lối sống bao gồm 4 việc:

Kiểm soát chế độ ăn: Kiểm soát lượng mỡ trong mỗi bữa ăn, ăn nhiều rau, củ, quả, cá giàu axit béo, giảm lượng muối ăn vào mỗi ngày thấp hơn 6g.

Kiểm soát cân nặng: Nên duy trì BMI cơ thể dưới 25. Với những người thừa cân, béo phì, mục tiêu giảm cân là giảm 10% trọng lượng cơ thể hiện tại.

Tập thể dục: Tập thể dục luôn luôn là cần thiết cho sức khỏe và chúng ta nên duy trì cường độ khoảng 30-60 phút tập luyện hàng ngày và ít nhất 5 ngày mỗi tuần. Việc tập luyện như thế nào còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và thể trạng từng người.

Kiểm soát được yếu tố nguy cơ như bỏ hút thuốc lá, hạn chế các chất kích thích, đồ uống có cồn như rượu, bia.

3. Lưu ý khi thực hiện chế độ ăn giảm mỡ máu

Ăn một chế độ ăn uống có lợi cho tim với thực phẩm tươi sống, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc trong khi tránh các loại thực phẩm được chế biến nhiều và giàu chất béo chuyển hóa có thể cải thiện mức cholesterol và chất béo trung tính và thậm chí có thể giúp bạn giải quyết các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim, chẳng hạn như thừa cân.

Nên chọn thực phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt như lúa mỳ nguyên hạt, yến mạch, bắp, gạo lứt. Ăn nhiều rau, củ, quả, hạn chế các thực phẩm qua chế biến, đóng gói sẵn.

Trong chế độ ăn để giảm cholesterol, có nhiều loại thực phẩm bạn có thể muốn tránh hoặc hạn chế như thực phẩm có nhiều chất béo, đường và calo. Hạn chế những đồ ăn thức uống có lượng đường cao như nước ngọt đóng chai, bánh kẹo ngọt.

Cần tránh các loại thức ăn nhanh, thức ăn chiên rán, xào chứa nhiều dầu mỡ. Hạn chế hoặc tránh những thực phẩm này có thể có lợi cho sức khỏe ngoài việc kiểm soát cholesterol, chẳng hạn như kiểm soát lượng đường trong máu hoặc giảm huyết áp của bạn.

Một số loại thực phẩm giúp giảm mỡ máu.

Một số loại thực phẩm giúp giảm mỡ máu.

Hầu hết lượng cholesterol toàn phần trong máu tạo ra LDL-C là loại cholesterol có hại. Chỉ có một lượng nhỏ cholesterol tạo ra HDL-C là loại cholesterol có ích, có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh vữa xơ động mạch. Nghiên cứu cho thấy rằng những người ăn nhiều hơn vào ban đêm có thể có mức cholesterol LDL cao hơn những người ăn hầu hết thức ăn của họ vào ban ngày.

Trong một nghiên cứu năm 2019 cho thấy, những người tiêu thụ lượng calo vào cuối ngày sớm hơn có mức cholesterol thấp hơn.

Một nhóm các nhà nghiên cứu khác đã xem xét liệu việc bỏ bữa có ảnh hưởng đến mức cholesterol hay không. Nghiên cứu cho thấy những người bỏ bữa sáng có cholesterol LDL cao hơn và những người bỏ bữa tối có nhiều chất béo trung tính hơn và tỷ lệ cholesterol toàn phần và HDL cao hơn./.

Tin mới