4 cuộc điều tra cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đối mặt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ông Trump đang bị điều tra về vụ bạo loạn Đồi Capitol, hoạt động của Trump Organization, cáo buộc gây sức ép quan chức bầu cử và lấy tài liệu mật.

Việc giới chức Mỹ khám xét dinh thự của cựu Tổng thống Donald Trump ngày 8/8 đã thu hút sự chú ý đến các cuộc điều tra liên quan tới ông. Các công tố viên và nghị sĩ Mỹ đang xem xét một loạt câu hỏi, từ vai trò của ông Trump trong vụ bạo loạn Đồi Capitol đến hoạt động kinh doanh của công ty gia đình ông.

Bạo loạn Đồi Capitol

Ủy ban Điều tra Bạo loạn 6/1 của Hạ viện Mỹ gần đây tổ chức loạt cuộc điều trần và đưa ra lộ trình có khả năng truy tố cựu Tổng thống Trump.

Các nghị sĩ chủ trì những phiên điều trần trình bày rằng, ông Trump nhận thức được rằng, ông đã thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, song vẫn đưa ra cáo buộc gian lận bầu cử, dẫn đến cuộc mít tinh của những người ủng hộ ông tại Thủ đô Washington và vụ bạo loạn sau đó.

Cựu Tổng thống Trump tại New York ngày 10/8. Ảnh: AFP.

Cựu Tổng thống Trump tại New York ngày 10/8. Ảnh: AFP.

Hàng nghìn người ủng hộ ông Trump ngày 6/1/2021 tràn vào tòa nhà quốc hội, tấn công cảnh sát, làm gián đoạn quy trình kiểm phiếu đại cử tri để công nhận ông Biden đắc cử. 5 người thiệt mạng, gồm 1 cảnh sát và 4 người biểu tình, khoảng 140 cảnh sát bị thương. Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố hơn 700 người liên quan đến vụ tấn công.

Cuộc điều tra của Hạ viện Mỹ không liên quan đến hoạt động của Bộ Tư pháp. Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland chưa thông báo liệu các công tố viên dưới quyền có đang điều tra ông Trump hay không.

Tìm phiếu bầu

Cựu Tổng thống Trump còn đối mặt với cuộc điều tra liên quan đến hành vi gây sức ép buộc các quan chức bầu cử tại bang Georgia "tìm kiếm" số phiếu bầu mà ông cần để giành chiến thắng. Công tố viên quận Fulton Fani Willis đã thiết lập một đại bồi thẩm đoàn đặc biệt (nhóm người nghe công tố viên trình bày nghi vấn và quyết định sự kiện hình sự đó có đủ bằng chứng để khởi tố hay không) và các điều tra viên đã chất vấn hàng chục nhân chứng.

Giới chức Georgia đang tập trung vào bản ghi âm cuộc gọi của ông Trump với các quan chức bầu cử bang, cũng như áp lực công khai lẫn riêng tư được cho là của cựu Tổng thống Mỹ đối với các cơ quan và quan chức Georgia, trong đó có thống đốc bang, tổng chưởng lý và điều tra viên trưởng dưới quyền tổng thư ký bang (quan chức phụ trách giám sát bầu cử).

Trong cuộc mít tinh ở bang Texas hồi tháng 1, ông Trump cáo buộc hoạt động điều tra của giới chức Georgia là "hành vi sai trái của cơ quan công tố" . Cựu tổng thống cũng kêu gọi biểu tình chống lại "các công tố viên xấu xa, phân biệt chủng tộc", khiến công tố viên quận Willis phải yêu cầu Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tăng cường bảo vệ mình.

Hoạt động của Trump Organization

Giới chức bang New York đang điều tra hoạt động của Trump Organization, trong đó có cáo buộc doanh nghiệp này đánh lừa bên cho vay và cơ quan thuế về giá trị bất động sản mà họ sở hữu.

Công tố viên quận Manhattan Cyrus Vance đã mở cuộc điều tra hình sự nhằm xem xét liệu ông Trump có định giá quá cao một số tài sản để đảm bảo vay tiền, sau đó định giá chúng thấp để giảm thuế hay không. Hồi tháng 3, Alvin Bragg, người kế nhiệm của Vance, quyết định không xúc tiến nỗ lực khởi tố ông Trump.

Trong khi đó, Tổng chưởng lý bang New York Letitia James cũng thúc đẩy một cuộc điều tra dân sự về hoạt động của công ty gia đình ông Trump trong định giá tài sản và báo cáo thuế. Bà James cho rằng, căn hộ của tỷ phú tại Tháp Trump từng được khai khống diện tích gấp 3 lần thực tế nhằm nâng giá trị thêm khoảng 200 triệu USD. Trong khi đó, gia đình ông Trump cáo buộc nỗ lực điều tra là "cuộc săn phù thủy mang động cơ chính trị", vì Tổng chưởng lý New York là thành viên đảng Dân chủ.

Điều tra dân sự có nhiều hạn chế về thu thập thông tin hơn điều tra hình sự nhưng tiêu chuẩn để kết luận người bị điều tra có hành vi sai trái thấp hơn điều tra hình sự. Bản án hình sự có thể là án tù, quản chế và giải thể một công ty. Trong khi đó, với án dân sự, hình thức trừng phạt có thể là phạt tiền hoặc bị tòa cấm tham gia một số hoạt động trong tương lai.

Ông Trump ngày 11/8 trình diện tại Văn phòng Tổng chưởng lý New York theo lệnh của tòa án. Tuy nhiên, ông từ chối trả lời các câu hỏi, viện dẫn Tu chính án thứ năm của Hiến pháp Mỹ. Tu chính án này quy định người được triệu tập có thể từ chối trả lời những câu hỏi mà câu trả lời có thể được sử dụng để buộc tội họ.

Đặc vụ Mỹ đứng canh tại cổng vào Mar-a-Lago, Palm Beach, bang Florida ngày 8/8. Ảnh: Reuters.

Đặc vụ Mỹ đứng canh tại cổng vào Mar-a-Lago, Palm Beach, bang Florida ngày 8/8. Ảnh: Reuters.

Xử lý tài liệu mật

Đặc vụ FBI ngày 8/8 khám xét dinh thự Mar-a-Lago ở bang Florida, nơi ở của ông Trump, hoạt động được cho là liên quan đến nghi vấn cựu Tổng thống Mỹ giữ trái phép các tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng. Quan chức Bộ Tư pháp Mỹ từ chối cung cấp lý do cho động thái chưa từng có với một cựu tổng thống.

Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ hồi tháng 2 cho biết, họ đã thu hồi 15 thùng tài liệu từ Mar-a-Lago và yêu cầu Bộ Tư pháp xem xét cách ông Trump xử lý thông tin mật. Việc thu hồi số tài liệu này đặt ra câu hỏi liệu ông Trump có tuân thủ Đạo luật Tài liệu của Tổng thống (PRA) hay không. FBI được cho là đã đem 10 thùng giấy tờ khỏi dinh thự Mar-a-Lago sau cuộc đột kích.

PRA được ban hành năm 1978 sau bê bối Watergate, yêu cầu các tài liệu của Nhà Trắng phải được bảo quản như tài sản của Chính phủ Mỹ. Đạo luật này yêu cầu lưu trữ các tài liệu như email, tin nhắn, nhật ký điện thoại trong kho lưu trữ quốc gia. Tuy nhiên, trong lịch sử Mỹ, chưa cựu tổng thống nào bị trừng phạt vì vi phạm PRA và đạo luật cũng không quy định chế tài thực thi cụ thể.

Ông Trump chỉ trích cuộc đột kích là "không phù hợp, không cần thiết". "Đây là hành động sai trái về mặt tố tụng, vũ khí hóa hệ thống tư pháp và là đòn tấn công của những người cực tả thuộc phe Dân chủ nhằm ngăn tôi tranh cử tổng thống năm 2024", cựu Tổng thống Mỹ cho biết. Ông còn bày tỏ nghi ngờ FBI "gài bằng chứng" để đổ tội cho ông.

Tin mới