4 giải pháp căn cơ dập dịch sâu keo trên hành hoa ở 'vựa rau' Nghệ An

(Baonghean.vn) - Chưa từng có sâu keo, sâu xanh phát triển thành dịch trên cây hành hoa ở vùng bãi ngang huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) như năm nay. Cơ quan chuyên môn khuyến cáo, về lâu dài cần áp dụng 4 giải pháp căn cơ để diệt trừ loại sâu này.
Bà con nông dân vùng bãi ngang Quỳnh Lưu thời gian qua áp dụng giải pháp dùng vợt bắt sâu trên diện tích hành bị nhiễm sâu. Ảnh: Việt Hùng
Bà con nông dân vùng bãi ngang Quỳnh Lưu thời gian qua áp dụng giải pháp dùng vợt bắt sâu trên diện tích hành bị nhiễm sâu. Ảnh: Việt Hùng

Chưa năm nào sâu keo phát triển dịch trên diện tích hành hoa ở vùng bãi ngang của huyện Quỳnh Lưu như năm nay. Đã nhiều tháng vào cuộc của cơ quan chuyên môn và người nông dân, nhưng dịch sâu keo trên hành hoa vẫn chưa phòng trừ được.

Gia đình ông Thái Bá Hoàn ở thôn Học Văn, xã Quỳnh Bảng trồng 6 sào hành hoa trong vụ hè thu này. Hồi đầu tháng 7/2021, tình trạng sâu bệnh xuất hiện nhiều đã gây hại toàn bộ diện tích hành hoa của gia đình. Theo ông Hoàn, chưa năm nào sâu bệnh gây hại trên cây hành hoa với diện tích lớn như năm nay. Mặc dù, gia đình đã sử dụng các loại thuốc hóa học và thuốc vi sinh để phun trừ nhưng vẫn không hiệu quả, sâu bệnh vẫn sinh trưởng.
“Toàn bộ 6 sào hành đều bị sâu bệnh gây hại, mỗi sào như vậy gia đình trước đó đã đầu tư 3 – 4 triệu đồng/sào. Vụ này gia đình thiệt hại hàng chục triệu đồng tiền đầu tư, đồng thời mất cả nguồn thu nhập từ cây hành”, ông Hoàn nói.
Loại sâu keo, sâu xanh này sinh sống trong ống lá hành nên rất khó phòng trừ, nên diện tích hành nào đã nhiễm là khô lụi lá. Ảnh: Xuân Hoàng
Loại sâu keo, sâu xanh này sinh sống trong ống lá hành nên rất khó phòng trừ, nên diện tích hành nào đã nhiễm là khô lụi lá. Ảnh: Xuân Hoàng

Trong vụ hè thu năm nay, các xã bãi ngang Quỳnh Lưu cơ cấu 90% tổng diện tích là cây hành hoa, tương đương khoảng 600 ha. Do nạn sâu xanh, sâu keo gây hại đã khiến hàng trăm ha diện tích hành bị hư hỏng, khó phục hồi. 

Ông Nguyễn Văn Tuệ - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương cho biết: “Thời gian qua, việc thử nghiệm đặt một số bẫy bả diệt sâu gây hại trên hành hoa đã có dấu hiệu giảm, tuy nhiên về lâu dài thì cần có giải pháp phù hợp hơn. Hiện nay địa phương còn khoảng 50 ha diện tích đang thời kỳ sinh trưởng. Xã tuyên truyền bà con tập trung chăm sóc, bảo vệ cây hành trước nạn sâu bệnh; đồng thời khuyến cáo bà con chuyển sang một số cây rau màu khác để canh tác.
Theo ông Nguyễn Anh Hùng - Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho rằng, trước đây trên diện tích hành hoa của vùng bãi đã xuất hiện sâu keo, sâu xanh, nhưng tỷ lệ ít, nên phòng trừ được. Năm nay loại sâu này phát triển thành dịch là lần đầu tiên, nên công tác diệt trừ sâu bệnh bằng giải pháp bẫy, bả là chưa mang lại hiệu quả. 
Hiện nay trên vùng bãi ngang Quỳnh Lưu vẫn còn 345 ha hành hoa bị nhiễm sâu nặng. Ảnh: Việt Hùng
Hiện nay trên vùng bãi ngang Quỳnh Lưu vẫn còn 345 ha hành hoa bị nhiễm sâu nặng. Ảnh: Việt Hùng

Về lâu dài, bà con nông dân cần áp dụng 4 giải pháp căn cơ, đó là: Thứ nhất, phải luân canh cây trồng. Bà con lâu nay trồng hành liên tục trong nhiều tháng liền, khiến loại sâu này phát triển mạnh một cách đồng loạt.

Thứ hai, lâu nay bà con tự để giống hành ngay tại ruộng để tái sản xuất, có thể đây là nguồn sâu bệnh lây nhiễm từ cây giống bố mẹ sang, do vậy cần có nguồn giống mới sạch bệnh.
Thứ ba, cần xử lý mầm bệnh trong đất bằng cách sử dụng vôi bột rắc lẫn trong đất.
Thứ tư, có thể sâu bệnh lây lan từ các khu vực khác sang, như bờ bụi. Do vậy, bà con nông dân cần phát dọn bờ bụi trong khu vực đồng ruộng; đồng thời thu dọn vệ sinh bờ ruộng để diệt trừ mầm bệnh lưu cửu tại đó. 
Cơ quan chuyên môn sử dụng bẫy để bắt sâu, nhưng về lâu dài là cần áp dụng những giải pháp hiệu quả hơn để sâu không trở thành dịch như hiện nay. Ảnh: Việt Hùng
Cơ quan chuyên môn sử dụng bẫy để bắt sâu, nhưng về lâu dài là cần áp dụng những giải pháp hiệu quả hơn để sâu không trở thành dịch như hiện nay. Ảnh: Việt Hùng

"Hiện nay trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu có khoảng 345 ha hành hoa, hầu hết là nhiễm sâu bệnh mức độ nặng. Loại sâu này thường sinh sống trong ống lá hành, nên khó khăn trong công tác phòng trừ diệt sâu, những diện tích bị nhiễm sâu thường bị khô lụi hết phần lá", ông Nguyễn Anh Hùng cho hay./.

Tin mới