4 khuyến cáo và 3 tồn tại trong phòng, chống dịch cúm gia cầm

(Baonghean) - Dịch cúm gia cầm đang diễn biến khó lường, nhưng đáng lưu ý trong lúc các cơ quan chức năng thực sự lo lắng thì người dân các địa phương vẫn rất chủ quan trong công tác phòng tránh dịch bệnh cho vật nuôi.

Ông Đặng Văn Minh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An đưa ra những khuyến cáo và cảnh báo những tồn tại đáng quan tâm.

* Bốn khuyến cáo:

Quan trọng nhất trong phòng, chống dịch cúm gia cầm hiện nay là:

Ông Đặng Văn Minh - Phó chi cục trưởng chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Nghệ An. Ảnh Phú Hương
Ông Đặng Văn Minh - Phó chi cục trưởng chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Nghệ An. Ảnh Phú Hương

1. Mua gia cầm giống về nuôi phải rõ nguồn gốc, có giấy chứng nhận kiểm dịch của Cơ quan thú y cấp.

2. Khi đưa gia cầm về nuôi, nuôi mới, hoặc tái đàn phải tiêm phòng đầy đủ vắc xin cúm gia cầm theo quy định. Vi rút cúm gia cầm thường xuyên biến đổi gen, do đó để tiêm phòng vắc-xin cúm hiệu quả cho đàn gia cầm nuôi, người chăn nuôi cần chấp hành tiêm phòng vắc xin cúm theo khuyến cáo của Cơ quan thú y cấp tỉnh. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, hiện nay đang sử dụng hai loại vắc xin cúm gia cầm là: chủng vắc xin H5N1-Re6 do Trung Quốc sản xuất và loại vắc xin nhược độc Navet-vifluvac do Công ty Navetco của Việt Nam sản xuất để phòng các chủng virut cúm A/H5N1 và cúm A/H5N6 gây bệnh trên gia cầm.

3. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, dùng các loại thuốc sát trùng, vôi bột để xử lý môi trường, tiêu diệt mầm bệnh.

4. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng tốt, sử dụng thức ăn, nước uống phải đảm bảo vệ sinh thú y.

 * Ba tồn tại

Cán bộ thú y xã Diễn Trung (Diễn Châu) chuẩn bị vắc-xin phòng cúm để tiêm cho gia cầm. Ảnh: Phú Hương
Cán bộ thú y xã Diễn Trung (Diễn Châu) chuẩn bị vắc-xin phòng cúm để tiêm cho gia cầm. Ảnh: Phú Hương

Những tồn tại trong phòng, chống dịch cúm gia cầm hiện nay cần nhanh chóng khắc phục gồm:

1. Nhiều chính quyền địa phương cấp xã chưa quan tâm chỉ đạo rà soát quản lý các trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm trên địa bàn, chưa chỉ đạo quyết liệt công tác tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm theo quy định của Luật Thú y. Chưa thường xuyên thông tin tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của xã về các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm, sự nguy hiểm của dịch cúm gia cầm có thể lây sang người, lợi ích của tiêm phòng vắc xin cúm, cũng như các chính sách cho người chăn nuôi gia cầm biết và tự giác thực hiện.

2. Ý thức của người chăn nuôi gia cầm đang còn hạn chế, đặc biệt là các chủ gia trại chăn nuôi gia cầm… hầu hết không chấp hành tiêm phòng vắc xin cúm cho đàn gia cầm nuôi; vệ sinh môi trường chuồng trại chưa thực hiện thường xuyên, nên mầm bệnh luôn lưu cữu trong môi trường chuồng nuôi; vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm diễn ra nhỏ lẻ tại nhiều nơi… nên khó kiểm soát sự lây lan dịch cúm gia cầm.

3. Đa số người tiêu dùng đang thích mua gia cầm sống tại chợ, sau đó thuê giết mổ hoặc đưa về nhà tự giết mổ; chưa quan tâm nhiều đến nguồn gốc gia cầm… nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như nguy cơ nhiễm các chủng vi rút cúm có thể lây sang người rất cao, đặc biệt là chủng vi rút cúm A/H7N9 không gây bệnh trên gia cầm, nhưng khi con người tiếp xúc với gia cầm mang vi rút cúm A/H7N9 thì dễ bị mắc bệnh, nguy hiểm đến tính mạng.

 » Nguyễn Đình Thục – 'ngựa đã quen đường cũ'

 » Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân
 

Phú Hương - Nguyên Sơn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới