5 căn cứ quân sự bí mật nhất hành tinh

Các cường quốc trên thế giới duy trì nhiều căn cứ quân sự bí mật với chức năng, nhiệm vụ không được công khai.

5-can-cu-quan-su-bi-mat-nhat-hanh-tinh

Tàu ngầm hạt nhân đóng quân tại cảng Du Lâm. Ảnh: SCMP.

Các cường quốc đều duy trì những căn cứ quân sự bí mật để phát triển vũ khí tối tân, cũng như che giấu lực lượng và gây bất ngờ cho đối phương khi chiến tranh nổ ra. Trên thế giới hiện có 5 căn cứ với mức độ bảo mật cao, không có thông tin được công khai ra bên ngoài, theo War History.

Du Lâm, Trung Quốc

Nằm ở phía nam đảo Hải Nam, căn cứ hải quân Du Lâm là nơi neo đậu tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc. Công chúng lần đầu biết đến sự hiện diện của căn cứ này qua ảnh chụp vệ tinh chụp năm 2008.

Đây được coi là căn cứ có vị trí chiến lược, nằm gần các tuyến đường biển quan trọng như eo biển Malacca, Sunda và Lombok, giúp Trung Quốc kiểm soát được tuyến thương mại đường biển và các tàu thuyền qua lại khu vực Đông Nam Á.

Các hang ngầm ở Du Lâm có khả năng chứa tới 20 tàu ngầm hạt nhân chiến lược, trong khi khu vực cầu cảng đủ lớn để tiếp nhận tàu sân bay. Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính Trung Quốc triển khai 5 tàu ngầm lớp Type-094 tại Du Lâm, mỗi chiếc có thể mang 12 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa JL-2. Hai cầu tàu dài 950 m và ba cầu tàu nhỏ hơn có thể phục vụ hai nhóm tác chiến tàu sân bay hoặc tàu đổ bộ cùng lúc.

Khu vực 51, Mỹ

Nằm cách thành phố Las Vegas khoảng 130 km về phía tây bắc, Khu vực 51 (Area 51) là một trong những địa danh bí ẩn nhất trên thế giới. Nhiều người cho rằng nơi này đang cất giấu mảnh vỡ của một đĩa bay rơi xuống Mỹ năm 1947. Khu vực 51 không có mặt trên bất cứ bản đồ địa chính nào của Mỹ, không ai biết tới sự tồn tại của nó trong hàng thập kỷ.

5-can-cu-quan-su-bi-mat-nhat-hanh-tinh-1

Sân bay trung tâm của Khu vực 51. Ảnh: Popsci.

Sự tồn tại của Khu vực 51 là chủ đề của nhiều cuộc nghiên cứu. Một số người cho rằng nơi đây là địa điểm hạ cánh của người ngoài hành tinh, cỗ máy thời gian hoặc căn cứ chế tạo đĩa bay sử dụng năng lượng phi vật chất cho quân đội Mỹ. Tuy nhiên, thực tế tại Khu vực 51 lại đơn giản hơn nhiều.

Vào năm 1955, Khu vực 51 được lựa chọn làm nơi thử nghiệm chương trình máy bay trinh sát U-2 sau khảo sát trên không của CIA và không quân Mỹ. Hàng loạt mẫu máy bay bí mật của Mỹ như U-2 và A-12 đều được bay thử tại đây. Hình dáng kỳ lạ của chúng là nguồn gốc cho các tin đồn về người ngoài hành tinh. Tên chính thức của Khu vực 51 là Bãi huấn luyện và Thử nghiệm Nevada ở Groom Lake.

Pine Gap, Australia

Cơ sở nằm ở miền trung Australia được cho là nơi thực hiện chương trình do thám, tình báo tín hiệu có tên mã ECHELON. Dự án này ra đời cuối thập niên 1960, là kết quả hợp tác giữa Mỹ, Australia, Canada, New Zealand và Anh. Mục đích của ECHELON là theo dõi liên lạc quân sự và ngoại giao giữa Liên Xô với các đồng minh khối Warsaw trong Chiến tranh Lạnh.

Về danh nghĩa, căn cứ Pine Gap là trạm vệ tinh mặt đất do Australia, Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) và các cơ quan khác điều hành. Nó còn có tên là Cơ sở nghiên cứu phòng thủ không gian liên hợp hoặc Căn cứ phòng thủ liên hợp Pine Gap.

Kasputin Yar, Nga

Kapustin Yar là căn cứ quân sự bí mật nhất trên thế giới, thậm chí bí ẩn hơn của Khu vực 51 của Mỹ. Căn cứ này được thành lập ngày 13/5/1946 để phục vụ chương trình không gian cũng như tên lửa đạn đạo của Liên Xô. Căn cứ nằm cách Moscow hơn 804 km về phía nam, sâu trong lãnh thổ Liên Xô.

5-can-cu-quan-su-bi-mat-nhat-hanh-tinh-2

Bãi phóng thử tên lửa tại Kasputin Yar. Ảnh: Global Security.

Đây là nơi nghiên cứu của các nhà khoa học Đức được Liên Xô thu nhận sau Thế chiến II. Họ có nhiệm vụ phát triển và thử nghiệm tên lửa, phục vụ chương trình thám hiểm không gian, giúp Moscow đi trước Washington trong cuộc chạy đua lên vũ trụ. Bên cạnh đó, Kasputin Yar còn là địa điểm thử nghiệm nhiều loại máy bay và hệ thống vũ khí mới.

Porton Down, Anh

"Công viên khoa học quân sự" này nằm rất gần căn cứ không quân Boscombe Down của Bộ Quốc phòng Anh, bao quanh bởi những khu vực được đánh dấu nguy hiểm trên bản đồ. Boscombe là nơi đặt trụ sở của QinetiQ, nhà thầu quân sự trực thuộc Cơ quan Nghiên cứu và Đánh giá Quốc phòng Anh.

Khu vực rộng 2.873 hecta của căn cứ Porton Down được sử dụng bởi Phòng thí nghiệm Công nghệ và Khoa học Quốc phòng của chính phủ Anh, với mục đích phát triển vũ khí hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Tin mới