5 dấu hiệu sớm giúp nhận biết trẻ bị điếc

Trẻ nghe kém sẽ chậm phát triển ngôn ngữ, trí tuệ và gặp khó khăn trong cuộc sống. Trầm trọng hơn, nếu không được phát hiện điều trị kịp thời, trẻ sẽ tàn tật vĩnh viễn.
Ảnh minh họa: Internet
Theo các chuyên gia Tai Mũi Họng, nghe kém là hiện tượng giảm một phần hoặc toàn bộ khả năng cảm nhận về âm thanh. Nghe kém có thể gặp ở mọi lứa tuổi và có thể do nhiều nguyên nhân gây ra.
Ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, có khoảng 5% dân số, tương đương với 360 triệu người trên thế giới bị nghe kém, trong đó có 32 triệu trẻ em bị vấn đề này. Phần lớn số người này sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Ảnh hưởng của nghe kém phụ thuộc rất lớn vào lứa tuổi mắc bệnh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân nghe kém sẽ không giao tiếp được, không học được từ những âm thanh xung quanh, đặc biệt là ở lứa tuổi trẻ em, trẻ sẽ chậm phát triển ngôn ngữ, trí tuệ và gặp khó khăn trong cuộc sống.
Trầm trọng hơn, trẻ sẽ trở thành tàn tật vĩnh viễn. Do đó, việc phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ mang lại cho bệnh nhân cơ hội lớn trong việc phục hồi khả năng nghe, phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, hòa nhập cộng đồng và giảm gánh nặng cho bản thân trẻ, gia đình và xã hội.

Những người chăm sóc trẻ cần lưu ý quan sát trẻ ngay từ những tháng đầu đời, bởi ngay từ khi mới sinh ra trẻ đã bắt đầu có tuổi nghe, vì nếu không nghe được trẻ sẽ không nói được.
Để phát hiện sớm trẻ nghe kém hay bị điếc bẩm sinh, cha mẹ cần theo dõi những phản ứng của trẻ. Ví dụ như trẻ 5-6 tháng đang ngủ mà gây tiếng động mạnh trẻ không có đáp ứng gì hoặc trẻ 7-8 tháng gọi mà không phản ứng, người lớn cần đưa trẻ đi khám ngay.

Cha mẹ có thể căn cứ vào các dấu hiệu sau để nhận biết bệnh khiếm thính ở trẻ nhỏ:

- Trẻ sơ sinh: Dựa trên phản xạ nghe - cử động của trẻ. Bình thường trẻ chớp mắt, cử động chân tay, khóc, hoặc giật mình khi có tiếng động. Trẻ bị khiếm thính sẽ không có các đáp ứng trên.

- Trẻ vài tháng đến 1 tuổi: Biết chú ý, nhìn, quay đầu theo hướng phát âm của các dụng cụ như lục lạc, chuông. Khi nghe các âm quá to như tiếng sấm, còi ô tô... sẽ giật mình, thức giấc hoặc khóc. Trẻ khiếm thính sẽ không có các phản xạ này.

- Trẻ từ 1-3 tuổi: Đã biết nói theo, nói được các từ thông thường như bà, mẹ, ăn.... Nếu khiếm thính trẻ biểu hiện chậm nói, nói ngọng, hay không nói được. Trẻ không phản ứng khi người lớn hỏi, gọi hoặc chỉ đáp ứng trước các âm thanh có cường độ lớn.

- Trẻ trên 3 tuổi: Các dấu hiệu như trên ngày càng rõ rệt như nói quá ngọng, chỉ nói được một số phụ âm hay nguyên âm nào đó.

- Trẻ ở lứa tuổi học đường: Trẻ nghe kém, tiếp thu bài chậm, học kém so với các bạn cùng lớp, không tập trung, dễ cáu, không muốn tiếp xúc, trò chuyện, không muốn tham gia các hoạt động tập thể ...

Tin mới