5 địa chỉ đỏ ở Nghệ An không thể bỏ qua dịp 2/9

(Baonghean.vn) - Ngày Tết độc lập 2/9, những địa danh huyền thoại là địa chỉ đỏ cho thế hệ trẻ ghi nhớ về cội nguồn dựng nước và giữ nước của dân tộc.

1. Đền Cuông

Đền Cuông. Ảnh tư liệu
Đền Cuông. Ảnh tư liệu

Đền Cuông gắn với một huyền thoại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Thục Phán - sau khi được Hùng Vương thứ 18 nhường ngôi đã đoàn kết sức mạnh toàn quân, đại phá quân Tần và lên ngôi vua, lấy hiệu là Thục An Dương Vương. Sau khi lên ngôi, An Dương Vương đổi tên nước Văn Lang thành Âu Lạc, dời đô từ Phong Châu về Cổ Loa, trị vì đất nước trong 50 năm (từ năm 257 đến năm 208 trước công nguyên).

Đền Cuông thờ An Dương Vương huyền thoại, tọa lạc trên núi Mộ Dạ, phía sau có biển Diễn Châu, phía Bắc là cửa Tư Hiền là nơi có ngôi mộ công chúa Mỵ Châu, phía Tây là núi Mụa có dáng voi chầu về Đền.

2. Đền thờ Hoàng đế Quang Trung 

Đền thờ của Hoàng đế Quang Trung. Ảnh tư liệu
Đền thờ của Hoàng đế Quang Trung. Ảnh tư liệu

Với mục đích lưu giữ lại những mốc lịch sử có ý nghĩa to lớn về Hoàng đế Quang Trung, ngày 28/4/1962, quần thể di tích danh thắng núi Dũng Quyết và Phượng Hoàng Trung Đô đã được Bộ VH & TT công nhận là Di tích danh thắng cấp Quốc gia.

Đi lên theo 1 km đường núi quanh co uốn lượn, du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên, đất trời. Nằm trọn trong rừng thông thơ mộng với độ cao 97 m so với mực nước biển, Đền thờ Hoàng đế Quang Trung tọa lạc ở núi Dũng Quyết, phường Trung Đô, thành phố Vinh là địa điểm không thể thiếu trong sổ tay du lịch tâm linh của du khách khi về với Nghệ An. 

3. Quảng trường Hồ Chí Minh

Quảng trường Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu
Quảng trường Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Quảng trường Hồ Chí Minh là một công trình văn hóa có tầm cỡ quốc gia, một tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, thể hiện tấm lòng kính yêu của nhân dân tỉnh Nghệ An và nhân dân cả nước đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Quảng trường Hồ Chí Minh với nhiều hạng mục như: lễ đài, cột cờ, đường diễu hành, sân hành lễ, hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh, hệ thống đài phun nước tạo cảnh, núi Chung mô phỏng theo núi Chung ở Làng Sen quê Bác.

Trên 1.650 loài cây tiêu biểu của mọi miền Tổ quốc đã được đem về trồng, trên đỉnh có vườn cây lưu niệm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bạn bè quốc tế trồng trong những dịp đến thăm.

4. Khu di tích Kim Liên 

Làng Sen. Ảnh tư liệu
Làng Sen thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Ảnh tư liệu

Khu di tích lịch sử Kim Liên nằm cách thành phố Vinh khoảng 15km theo tỉnh lộ 46. Đây là một trong bốn di tích quan trọng bậc nhất tại Việt Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nơi lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật, không gian văn hóa - lịch sử về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình Bác Hồ. Khu di tích Kim Liên bao gồm 2 cụm di tích chính, với hàng chục di tích thành phần.

Cụm di tích tại quê nội - làng Sen, xã Kim Liên gồm các di tích: Nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm, Nhà thờ họ Nguyễn Sinh, Nhà cụ cử nhân Vương Thúc Quý, Lò rèn cố Điền, Giếng Cốc, Núi Chung, Sân vận động làng Sen, Đền làng Sen...

Cụm di tích tại quê ngoại - làng Hoàng Trù, xã Kim Liên gồm các di tích: Nhà của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Chùa, Nhà cụ Hoàng Xuân Đường (ông ngoại của Bác), Nhà thờ chi họ Hoàng Xuân...

Ngoài 2 cụm di tích trên, Khu di tích quốc gia đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có di tích Mộ bà Hoàng Thị Loan và Mộ cụ Hà Thị Hy, thuộc xã Nam Giang, huyện Nam Đàn.

Khu di tích Kim Liên - Nam Đàn. Ảnh tư liệu
Khu di tích Kim Liên - Nam Đàn. Ảnh tư liệu

Cho đến nay, quê nội và quê ngoại của Bác Hồ vẫn còn lưu giữ được những hiện vật gắn với cuộc sống, sinh hoạt bình dị của Người thời thơ ấu. Đặc biệt, ngôi nhà tranh đơn sơ của gia đình Bác khiến du khách đến thăm luôn có cảm giác gần gũi, và thân thương. 

5. Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn

Quang cảnh Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn. Ảnh tư liệu
Quang cảnh Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn. Ảnh tư liệu

Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn hôm nay trở thành biểu tượng lịch sử của Thanh niên xung phong Việt Nam, “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Nơi đây, chứng tích hào hùng, ghi dấu những chiến công và sự hy sinh oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc trong thế kỷ 20.

Năm 2010, khu di tích Truông Bồn được bảo tồn, tôn tạo với quy mô Khu di tích lịch sử Quốc gia, trên diện tích 217.3272. Khu mộ tập thể và Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong cũng được xây dựng trong khuôn viên Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn./.

Hoa Lê

(Tổng hợp) 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới