5 ngày, trên xứ sở hoa anh đào…

Đầu tháng 4/2019, chúng tôi có chuyến tham quan, học tập với thời gian 5 ngày tại Nhật Bản. 5 ngày, là khoảng thời gian thật ít ỏi, nhưng ai cũng cảm nhận đủ đầy những điều hay đến kỳ lạ và đáng phải suy ngẫm từ xứ sở này…

Theo lịch trình của đơn vị lữ hành, ngay sau khi đáp xuống sân bay Kansai, thành phố Nara (6 giờ 30 phút ngày 5/4), đoàn sẽ đến thăm những địa danh nổi tiếng của cố đô Nara, cố đô Kyoto, thăm núi Phú Sỹ, rồi kết thúc chuyến đi tại Tokyo – thủ đô Nhật Bản.

Nhưng từ sân bay Nội Bài, chúng tôi đã đặt vấn đề với hướng dẫn viên, đề nghị sắp xếp cho được đi đến nơi Chí sỹ Phan Bội Châu đặt bia Báo ân Bác sỹ Asaba. Rằng bởi nếu không đến được nơi này, chuyến đi Nhật Bản sẽ giảm mất nhiều ý nghĩa. Hướng dẫn viên Đăng Cường là người gốc huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) trao đổi rất thẳng việc điều chuyển lịch ở Nhật Bản rất khó, vì mọi thứ do công ty đối tác sắp đặt, từ nơi ăn, nghỉ đến phương tiện di chuyển… Đăng Cường chỉ dám hứa: “Em sẽ trao đổi thật cụ thể với công ty về nguyện vọng của đoàn để họ liên hệ, nhờ đối tác Nhật Bản giúp đỡ. Sẽ là rất khó nhưng hy vọng sẽ đáp ứng nguyện vọng của đoàn…”.

Những tưởng ý nguyện của chúng tôi sẽ khó thành hiện thực nhưng rồi sau hơn một ngày Cường vui mừng báo tin, đối tác Nhật Bản khi nghe công ty của anh trao đổi thì đã rất sẵn sàng giúp đỡ đoàn thực hiện ý nguyện. Không chỉ vậy, để chuyến đi thăm nơi Cụ Phan dựng bia Báo ân được trọn vẹn, đối tác Nhật Bản đã liên hệ với Chủ tịch Hiệp hội Asaba Việt Nam là ông Yuko Anma để ông này dành một khoảng thời gian đón tiếp đoàn…

Chùa của làng Higashi Asaba và nơi Cụ Phan Bội Châu đặt bia Báo ân Bác sỹ Asaba.
Chùa của làng Higashi Asaba và nơi Cụ Phan Bội Châu đặt bia Báo ân Bác sỹ Asaba.

Nơi Cụ Phan Bội Châu đặt tấm bia tưởng niệm Bác sỹ Asaba là tại ngôi chùa của làng Higashi Asaba, thành phố Fukuroi, tỉnh Umeyama. Tiếng là làng nhưng nơi đây như là một thị tứ xinh đẹp, ngăn nắp và rất sạch sẽ. Tại chùa, ông Yuko Anma đã đến từ rất sớm, và tự tạo ra một gian trưng bày trước sân vườn những hiện vật, tranh ảnh với nội dung gắn chặt về mối quan hệ của Chí sỹ Phan Bội Châu với Bác sỹ Asaba; cùng những hoạt động của Hiệp hội Asaba trên đất Nhật Bản và Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Asaba sống cách chùa chừng 1 km, năm nay đã 75 tuổi. Vậy nhưng ông rất tinh anh, hoạt bát và có hiểu biết sâu rộng về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Chí sỹ Phan Bội Châu cùng mối quan hệ giữa Cụ Phan và Bác sỹ Asaba. Với phong thái cởi mở, chân tình Yuko Anma kể rằng vào năm 1908, khi Thực dân Pháp đã gây sức ép buộc chính quyền Nhật Bản phải trục xuất những người hoạt động trong phong trào Đông Du về nước, Cụ Phan và các đồng chí của người hết sức khó khăn. Do tình thế quá khốn quẫn, Cụ Phan đã viết thư gửi Bác sỹ Asaba với hy vọng được giúp đỡ. Khi nhận được thư, ngay lập tức Bác sỹ Asaba đã giúp cho Cụ Phan 1.700 yên (khi đó tiền lương tháng của một vị Hiệu trưởng ở Higashi chỉ là 18 yên).

Các hoạt động của đoàn CB,PV,NV Báo Nghệ An tại nơi cụ Phan Bội Châu đặt bia Báo ân Bác sỹ Asaba.
Các hoạt động của đoàn CB,PV,NV Báo Nghệ An tại nơi cụ Phan Bội Châu đặt bia Báo ân Bác sỹ Asaba.

Vào năm 1910, Bác sỹ Asaba qua đời. Đến năm 1918, Cụ Phan Bội Châu quay trở lại Nhật Bản và về làng Higashi để cảm ơn Bác sỹ Asaba. Vậy nhưng ý nguyện của Cụ đã không thành bởi người bạn chí nghĩa, chí tình đã không còn nữa. Tiếc thương và nhớ ơn, Cụ Phan quyết định lập bia Báo ân tưởng niệm người bạn Nhật Bản. Khi đó để lập được bia, cần phải có 200 yên, nhưng Cụ Phan chỉ có 100 yên. Vì vậy, vị Trưởng làng Higashi đã vận động dân làng quyên góp đủ tiền, và còn góp cả công để Cụ hoàn thành tâm nguyện…

Yuko Anma cũng chia sẻ rằng, ông đã đến Nghệ An 10 lần. Qua 10 lần xuôi ngược ấy, ông có một phần hiểu về vùng đất và con người xứ Nghệ. Yuko Anma đã giới thiệu với chúng tôi bài diễn văn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hồi năm 2014 tại Quốc yến của Nhà vua Nhật Bản Akihito, trong đó có đoạn nhắc đến tình bạn cao đẹp giữa Chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu và Bác sỹ Asaba; những bức ảnh có những người đã giúp đỡ Hiệp hội Asaba đạt được những thành công trong công việc như các ông Phan Đình Trạc, Nguyễn Xuân Thắng… Và cả những tấm ảnh chụp lại những bài viết về những hoạt động của Hiệp hội Asaba mà Báo Nghệ An đã đăng tải.

Chủ tịch Hiệp hội Asaba, ông Yuko Anma.
Chủ tịch Hiệp hội Asaba, ông Yuko Anma.

Ông Yuko Anma nói rằng, Cụ Phan Bội Châu là một nhà cách mạng, là biểu tượng của lòng yêu nước. Tinh thần ái quốc của Cụ Phan không chỉ được biết đến ở đất nước Việt Nam mà còn cả tại Nhật Bản. Chính vì vậy, cuối năm 2018, Thiên Hoàng của Nhật Bản đã cùng Hoàng hậu đến thăm di tích đặc biệt này. Yuko Anma cũng cho biết cá nhân ông, từ những hoạt động tích cực của Hiệp hội Asaba Việt Nam, đã nhận được những tấm chân tình từ phía Việt Nam. Đưa ra chiếc Bằng khen của Bộ Ngoại giao Việt Nam khen tặng vì đã có những đóng góp tích cực và hiệu quả trong việc củng cố và phát triển quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản, Yuko Anma rưng rưng: “Tôi đã rất bất ngờ khi người ta đọc cho nghe nội dung trên tấm Bằng khen này…”.

Cùng thăm bia Báo ân mà Cụ Phan Bội Châu đã dựng lên, Yuko Anma đã không quên dẫn chúng tôi đến mộ phần của Bác sỹ Asaba, cách đó chỉ dăm chục mét. Ở những nơi này, Yuko Anma bày tỏ mong muốn lan tỏa hơn nữa những giá trị của Chí sỹ Phan Bội Châu và các di tích liên quan. Cũng tại đây, đoàn CB, PV, NV Báo Nghệ An đã tặng Yuko Anma một số ấn phẩm báo in, và mỗi thành viên đã góp một ngày lương ủng hộ Quỹ Asaba Việt Nam. Số tiền chúng tôi góp được thật ít ỏi nhưng Chủ tịch Hiệp hội Asaba rất xúc động. Ông cho biết, Quỹ Asaba Việt Nam được lập ra nhằm để giúp trẻ em vùng cao còn khó khăn ở Việt Nam, nhất là ở Nghệ An. Vì vậy, món tiền mà chúng tôi ủng hộ cũng sẽ dành để cho hoạt động ý nghĩa này…

Chùa Thanh Thủy - Kiyomizu Dera ở cố đô Kyoto.
Chùa Thanh Thủy - Kiyomizu Dera ở cố đô Kyoto.

Rời Higashi Asaba, những ngày ở xứ sở mặt trời mọc, chúng tôi được thăm ngôi chùa gỗ cổ Todaji lớn nhất thế giới, Công viên Deer Park, Lâu đài Osaka của cố đô Nara. Lên đồi Higashiyama để đến chùa Thanh Thủy – Kiyomizu Dera, tham quan rừng trúc Sagano ở cố đô Kyoto. Xuôi về tỉnh Shizuoka để tận thấy biểu tượng của đất nước Nhật Bản – núi Phú Sỹ cao tới 3776m với 5 hồ nước lớn bao quanh. Đến trái tim Nhật Bản – Thủ đô Tokyo để thăm Cung điện Hoàng gia, là nơi ở và làm việc của gia đình Hoàng gia Nhật Bản; ngắm Tháp truyền hình Sky tree Tower, tham quan Công viên Koganei, một trong những công viên hoa nổi tiếng nhất Tokyo…

Tất cả những nơi chúng tôi đã dừng chân, đều thực sự ấn tượng. Nhưng chùa cổ Toadaji và rừng trúc Sagano là hai điểm để lại nhiều dấu ấn hơn cả. Chùa Toadaji được xây dựng từ năm 743, có phong cảnh tuyệt đẹp với những bãi cỏ mịn màng, những hồ nước xanh trong, những hàng cây anh đào đang kỳ bung hoa rực rỡ. Trong chùa, có những pho tượng Phật, Hộ pháp được làm từ những chất liệu đồng và gỗ, cao từ 8 – 16m, mang trong mình giá trị văn hóa – lịch sử nghìn năm.

Chùa cổ Todaji, nơi có huyền tích nghìn năm về một cao tăng Việt Nam.
Chùa cổ Todaji, nơi có huyền tích nghìn năm về một cao tăng Việt Nam.

Không chỉ vậy, chúng tôi còn rất tự hào khi tại đây được nghe kể vào năm 752, thời điểm diễn ra lễ khánh thành chùa Todaji, có một vị cao tăng Việt Nam đã được mời đến dự, và làm lễ khai nhãn cho tượng Phật. Vị cao tăng người Việt Nam đó có tên hiệu là Phật Triết. Vào thế kỷ thứ VIII, năm 752, khi chùa Todaji được xây dựng hoàn thành, Vua Nhật Bản thời bấy giờ là Thánh Vũ Thiên Hoàng đã mời Phật Triết cùng người thầy của ông là cao tăng Bồ Đề Tiên Na đến làm lễ khai nhãn cúng dường tôn tượng Tỳ Lô Giá Na Phật cũng như khánh thành chùa Todaji…

Còn với rừng trúc Sagano, chỉ cách trung tâm cố đô Kyoto chừng vài chục phút đi ô tô. Tháng 4 ở đây tuyệt đẹp với những ngôi nhà cổ kính nép dưới những tán hoa anh đào. Nhưng dấu ấn lưu lại trong mỗi chúng tôi là bởi khi đến nơi này ai cũng nhớ về quê hương và đã có những giây phút chạnh lòng. Nhớ quê hương vì ai cũng nhận thấy loại trúc xanh trong rừng trúc Sagano rất giống với các loại cây tre, mét, lùng thường mọc nhiều tại các huyện núi cao xứ Nghệ. Còn chạnh lòng bởi cái sự giỏi giang đến tinh tế của người Nhật Bản trong sắp đặt, chăm bẵm để rừng trúc trở thành điểm du lịch sinh thái đẹp như trong tranh. Những cây trúc xanh Sagano có thân đều, vươn cao thẳng tắp và mọc ngay hàng thẳng lối. Dưới các gốc cây, được thu dọn sạch sẽ.

Phong cảnh tuyệt đẹp ở rừng trúc Sagano.
Phong cảnh tuyệt đẹp ở rừng trúc Sagano.

Rừng trúc có một con đường dài chừng 400m dành cho du khách đi bộ. Rừng và đường được ngăn cách bởi một hàng rào được làm từ các cành trúc nhỏ. Đi trên tuyến đường này, khách tham quan sẽ được nghe những âm hưởng du dương phát ra từ những tán lá của các cây trúc do tác động của gió. Xuyên giữa rừng trúc, người ta bố trí đan xen các tuyến đường dành phục vụ riêng cho khách du lịch đi xe kéo tay. Sát với rừng trúc, được sắp đặt một số cửa hàng chuyên bán đồ lưu niệm được sản xuất từ cây trúc, rất hấp dẫn du khách tham quan. Và để tăng thêm sức hấp dẫn cho rừng trúc, người dân Sagano rất sáng tạo, họ bố trí các tiểu cảnh là các bức tượng trang trí trên đường đi; giữ gìn nét cổ kính của các ngôi nhà, và luôn chăm sóc khuôn viên, cổng, đường vào sân nhà rất đẹp và sạch sẽ…

Lâu đài Osaka ở cố đô Nara.
Lâu đài Osaka ở cố đô Nara.

Thực ra, những gì đẹp và hay của đất nước Nhật Bản đã được sách báo, phim ảnh nói đến nhiều và cũng đã từ rất lâu. Dẫu vậy, có không ít những điều thấy được khiến chúng tôi không thể không sửng sốt để có những so sánh và suy ngẫm.

Như việc ở xứ sở này, không chỉ các đô thị lớn, chùa chiền, công viên, khách sạn… là những điểm du lịch có đông du khách, mà ngay cả những vùng nông thôn, vùng núi cao đều vô cùng sạch sẽ. Sạch sẽ đến mức mà chúng tôi đã cùng nhau căng mắt tìm rác thải, nhưng kể cả ở các bãi đậu đỗ xe, những cánh đồng đã qua mùa thu hoạch, những khu rừng, và cả bờ bãi các con sông… là những nơi mà lẽ ra sự hiện diện của rác là một sự đương nhiên, vậy nhưng tuyệt nhiên không có rác.

Hoàng cung Nhật Bản ở thủ đô Tokyo.
Hoàng cung Nhật Bản ở thủ đô Tokyo.

Hay như việc tham gia giao thông trên các tuyến đường, người Nhật Bản lái xe với vận tốc rất đều, đi đúng làn, không có tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu hoặc quá chậm chạp khiến người đi sau ảnh hưởng. Như ở đường lên núi Phú Sỹ rất quanh co và đông đúc phương tiện giao thông là vậy, nhưng không hề phải lắp đặt gương cầu lồi, và cũng không hề có bóng dáng của cảnh sát giao thông. Lý do vì bởi các lái xe luôn chấp hành nghiêm ngặt quy định của Luật Giao thông, đi đúng tốc độ, chỉnh tay lái theo đúng làn xe thì có bao giờ xảy ra va chạm được…

Ai cũng hiểu ở mỗi quốc gia, để đạt được những thành công trong phát triển kinh tế – xã hội, mà cụ thể như để làm tốt những công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn giao thông,… thì luật  pháp phải được quy chuẩn và phải được mọi tầng lớp trong xã hội tuyệt đối tuân thủ. Đây là điều tối quan trọng. Nhưng đạt được đến sự chuẩn mực như ở Nhật Bản, thì rõ ràng đã vượt lên trên cả điều tối quan trọng này. Chỉ có thể nói rằng, ở xứ sở hoa anh đào, tôn trọng và chấp hành các quy định pháp luật đã trở thành văn hóa truyền đời, ăn sâu vào trí não của mỗi một công dân, và các thế hệ cứ thế tiếp nối. Trở thành một thứ văn hóa riêng có – Văn hóa Nhật Bản. Để mỗi khi hành động, từ người trẻ đến người già, từ những công chức tham gia quản trị đất nước, các doanh nghiệp doanh nhân, hay các tầng lớp công nhân, nông dân… đều ý thức đặt quyền lợi cộng đồng, quyền lợi quốc gia lên trên hết!