5 quyền lợi mới về BHXH của người lao động có hiệu lực từ ngày 1/9

Từ ngày 1/9, Thông tư 06/2021 của Bộ LĐ-TB&XH sẽ có hiệu lực. Thông tư 06/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 59/2015, hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về BHXH bắt buộc.

Chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc những điểm mới quan trọng được quy định tại Thông tư 06/2021 về chế độ BHXH đối với lao động, lao động nữ mang thai.

Thêm trường hợp chồng được hưởng trợ cấp khi vợ sinh con

Theo Thông tư 59/2015, người chồng được nhận trợ cấp một lần khi vợ sinh con nếu thuộc một trong hai trường hợp sau: 1) Chỉ có cha tham gia BHXH thì cha phải đóng từ đủ sáu tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con; 2) Người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ phải đóng BHXH từ đủ sáu tháng trở lên trong 12 tháng tính đến thời điểm nhận con.

Liên quan đến chế độ thai sản dành cho lao động nam khi vợ sinh con, Thông tư 06/2021 đã bổ sung một quy định quan trọng làm rõ trường hợp lao động nào được hưởng loại trợ cấp này.

Lãnh đạo LĐLĐ huyện Thanh Chương phát biểu trong một chương trình chăm sóc sức khỏe cho đoàn viên, người lao động. Ảnh tư liệu: CTV
Lãnh đạo LĐLĐ huyện Thanh Chương phát biểu trong một chương trình chăm sóc sức khỏe cho đoàn viên, người lao động. Ảnh tư liệu: CTV

Theo đó, người mẹ tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con, mà người cha đã đóng BHXH từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì người cha được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con theo mức trợ cấp một lần = hai tháng lương cơ sở/con.

Như vậy, trường hợp cả hai vợ chồng cùng tham gia BHXH mà người vợ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì người chồng đóng BHXH đủ sáu tháng trong 12 tháng trước khi sinh con sẽ được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con bằng hai tháng lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

Ngoài ra, Thông tư 06/2021 cũng bổ sung quy định về thời gian nghỉ thai sản đối với lao động nam khi vợ sinh con. Theo đó, nếu nghỉ nhiều lần thì thời gian bắt đầu nghỉ việc của lần cuối cùng vẫn phải trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con và tổng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không quá thời gian quy định.

Chế độ thai sản khi sinh đôi trở lên

Khoản 6, Điều 1, Thông tư 06/2021 quy định trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên mà khi sinh nếu có con bị chết hoặc chết lưu thì thời gian hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con và trợ cấp một lần khi sinh con được tính theo số con được sinh ra, bao gồm cả con bị chết hoặc chết lưu.

Như vậy, chế độ thai sản được tính theo số lượng con mà lao động nữ đã sinh ra, không kể còn sống hay đã chết.

Đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh tặng quà cho người lao động Ngành Giáo dục tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu: Đức Anh
Đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh tặng quà cho người lao động Ngành Giáo dục tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu: Đức Anh

Hiện nay, theo Khoản 3, Điều 10, Thông tư 59/2015 thì lao động mang thai đôi trở lên mà khi sinh nếu có thai bị chết hoặc chết lưu thì chế độ thai sản chỉ giải quyết đối với con còn sống nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ vẫn được tính theo số con được sinh ra.

Điều kiện hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh

Theo Khoản 1, Điều 41, Luật BHXH năm 2014, lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 5-10 ngày.

Theo Khoản 8,Điều 1, Thông tư 06/2021, khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc được xác định tính từ ngày hết thời hạn được hưởng chế độ thai sản mà sức khỏe của người lao động chưa phục hồi.

Hiện Thông tư 59/2015 không hướng dẫn về cách tính đối với khoảng thời gian này.

Thay đổi về tiền lương tính hưởng chế độ ốm đau

Căn cứ Khoản 3,Điều 1, Thông tư 06/2021, người lao động tham gia BHXH bắt buộc khi bị ốm đau, tai nạn (không phải tai nạn lao động), nghỉ việc chăm con dưới 7 tuổi bệnh từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng (bao gồm cả trường hợp nghỉ việc không hưởng tiền lương) thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên cơ sở mức lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Thậm chí, nếu các tháng liền kề tiếp theo người lao động vẫn tiếp tục bệnh và phải nghỉ việc thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Hiện nay, mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của chính tháng người lao động nghỉ bệnh.

Tin mới