5 tên lửa có thể được phiến quân Syria dùng để bắn rơi Su-25 Nga

Các nhóm phiến quân Hồi giáo ở Syria sở hữu nhiều loại tên lửa phòng không vác vai có khả năng bắn hạ cường kích Su-25 Nga.
Một cường kích Su-25 của Nga bị bắn rơi khi đang chiến đấu trên bầu trời tỉnh Idlib, tây bắc Syria hôm 3/2. Phi công kịp nhảy dù thoát hiểm, nhưng hy sinh sau cuộc đấu súng trên mặt đất với phiến quân, RT đưa tin.

Quân đội Nga và Syria đang tìm cách xác định loại tên lửa phòng không vác vai (MANPAD) được phiến quân dùng để bắn hạ chiếc cường kích. Các lực lượng phiến quân Syria đang sở hữu nhiều loại MANPAD có nguồn gốc từ Nga, Mỹ và Trung Quốc, chủ yếu là chiếm được từ kho vũ khí của quân đội chính phủ Syria hoặc dân quân người Kurd được Mỹ hỗ trợ.

9K38 Igla

Tên lửa phòng không vác vai 9K38 Igla được Cục thiết kế (OKB) Kolomna phát triển từ năm 1972 và đưa vào biên chế quân đội Liên Xô năm 1983. Tổ hợp tên lửa này có thể được tích hợp hệ thống nhận diện địch - ta (IFF) để tránh bắn vào máy bay đồng minh, cùng hệ thống tự động dẫn hướng bắn để đơn giản hóa việc khai hỏa.

Mỗi tổ hợp Igla nặng 18 kg, trong đó tên lửa nặng 10,8 kg và được trang bị đầu đạn 1,17 kg. Quả đạn được trang bị đầu dò với hai cảm biến, trong đó cảm biến chính làm từ vật liệu bán dẫn Indium antimonide (InSb) làm lạnh bằng Nitơ lỏng, dùng để phát hiện và bám bắt luồng khí nóng từ động cơ máy bay. Cảm biến phụ làm từ chì sulfua (PbS) không được làm lạnh, có chức năng phân biệt giữa mục tiêu thực sự và mồi bẩy nhiệt.

Tên lửa có thể thực hiện động tác cơ động ngay trước khi đánh trúng mục tiêu, nhằm phá hủy khung thân máy bay thay vì chỉ đánh vào ống xả động cơ. Ngoài ra, quả đạn còn được lắp một liều nổ 20 g để đốt cháy lượng nhiên liệu còn lại, tăng tối đa sát thương với mục tiêu. Ngoài đầu nổ chạm, Igla cũng sử dụng ngòi nổ cận đích, dùng trong trường hợp bắn sượt qua mục tiêu.

Igla có thể bắn hạ mục tiêu đạt tốc độ 1.300 km/h, tầm bắn tối đa 5,2 km và trần bắn 3,5 km. Tỷ lệ hạ mục tiêu với tiêm kích thông thường là 30-48%. Khi đối mặt với máy bay được trang bị các biện pháp phòng vệ, con số này chỉ tụt xuống mức 24-30%, cho thấy khả năng kháng nhiễu cao của tổ hợp.

9K338 Igla-S

Vào đầu những năm 2000, Nga bắt đầu phát triển biến thể Igla tối tân mang tên 9K338 Igla-S, trước khi đưa vào biên chế năm 2004. Quá trình sản xuất hàng loạt được tiến hành ở nhà máy Degtyarev, thành phố Kovrov.

Tổ hợp Igla-S có kích thước lớn hơn các phiên bản trước đó, được trang bị đầu nổ nặng tới 2,5 kg. Tương tự mẫu tiền nhiệm, Igla-S sử dụng đầu nổ mảnh định hướng, tạo ra một chùm mảnh văng hình nón để tăng khả năng phá hủy mục tiêu. Moscow không tiết lộ chi tiết về đầu dò của Igla-S, nhưng nó được cho là có độ nhạy và khả năng kháng nhiễu vượt trội so với bản 9K38 Igla.

Quả đạn được trang bị động cơ mới và tăng nhiên liệu mang theo, giúp tăng tầm bắn lên 6 km trong khi trần bắn vẫn ở mức 3,5 km. Igla-S có thể bắn hạ phi cơ có tốc độ tới 1.440 km/h.

FIM-92 Stinger

Stinger là dòng MANPAD được Mỹ phát triển vào cuối thập niên 1970, đưa vào biên chế năm 1981 và liên tục nâng cấp cho tới nay. FIM-92 được thiết kế chuyên để bắn hạ các phi cơ yểm trợ mặt đất có tốc độ cao, đặc biệt nguy hiểm với trực thăng và máy bay vận tải.

Stinger được coi là bước tiến lớn so với dòng FIM-43 Redeye trước đó. Tên lửa được tăng tầm bắn, khả năng đánh chặn mục tiêu bay nhanh và trang bị hệ thống IFF. Mẫu FIM-92 cơ bản có tầm bắn 4,5 km, trong khi các biến thể hiện đại nhất của quân đội Mỹ có thể đánh chặn mục tiêu từ khoảng cách 8 km.

5 tên lửa có thể được phiến quân Syria dùng để bắn rơi Su-25 Nga ảnh 1

Tên lửa Stinger trong biên chế quân đội Mỹ. Ảnh: Pinterest.

Tổ hợp Stinger chỉ cần một xạ thủ vận hành, nhưng nguyên tắc sử dụng thường yêu cầu thêm một binh sĩ làm nhiệm vụ cảnh giới, phát hiện mục tiêu tốc độ cao. Khẩu đội hai người của quân đội Mỹ có thể mang theo 6 quả đạn và di chuyển bằng xe Humvee.

Mỗi quả đạn của tổ hợp Stinger được trang bị đầu nổ nặng 3 kg, có thể tạo ra vòng tròn mảnh văng gây sát thương cho máy bay. Tuy nhiên, các mẫu Stinger cơ bản chỉ được trang bị ngòi nổ chạm, đòi hỏi chúng phải đâm vào mục tiêu để kích hoạt.

Mỹ phủ nhận việc chuyển giao tên lửa Stinger cho lực lượng đối lập tại Syria. Tuy nhiên, Nga cuối năm 2017 cho rằng Mỹ đã bí mật viện trợ loại tên lửa phòng không này cho lực lượng dân quân người Kurd ở Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng là quốc gia có khả năng sản xuất tên lửa Stinger. Một số chuyên gia quân sự không loại trừ khả năng lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA) được Thổ Nhĩ Kỳ viện trợ loại vũ khí này. Tên lửa sau đó có thể bị tuồn ra thị trường chợ đen hoặc bị đánh cắp, bị cướp và cuối cùng lọt vào tay phiến quân Hồi giáo cực đoan.

FN-6

FN-6 là tên lửa vác vai thế hệ ba do Trung Quốc phát triển, cũng là loại MANPAD hiện đại nhất được Bắc Kinh xuất khẩu. Dòng tên lửa này được thiết kế chuyên để bắn hạ mục tiêu bay thấp và cực thấp, đạt tầm bắn 6 km và trần bắn 3,5 km.

Giới phân tích cho rằng FN-6 được trang bị đầu dò hồng ngoại điện tử, có khả năng kháng nhiễu cao và khó bị mồi bẫy đánh lừa. Tổ hợp này cũng được trang bị hệ thống IFF, có vẻ ngoài tương tự mẫu AN/PPX-1 trên tên lửa Stinger Mỹ, để tránh bắn nhầm phi cơ đồng minh. FN-6 có tỷ lệ diệt mục tiêu khoảng 70%.

5 tên lửa có thể được phiến quân Syria dùng để bắn rơi Su-25 Nga ảnh 2

Tên lửa FN-6 trong tay phiến quân Syria. Ảnh: Twitter.

Tổ hợp FN-6 hoàn chỉnh nặng 16 kg, trong khi khối lượng tên lửa và đầu nổ không được Bắc Kinh công bố. Loại vũ khí này xuất hiện lần đầu tại Syria vào năm 2013 trong tay lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA). Phiến quân từng sử dụng FN-6 để bắn hạ trực thăng vận tải Mi-8 và tiêm kích MiG-21 của quân đội chính phủ Syria.

9K34 Strela-3

Tổ hợp Strela-3 được Liên Xô nghiên cứu nhằm thay thế cho dòng Strela-2, vốn có hiệu quả chiến đấu kém. Việc sử dụng nền tảng tên lửa Strela-2 giúp đẩy nhanh quá trình phát triển. Loại tên lửa này được đưa vào biên chế quân đội Liên Xô hồi đầu năm 1974.

Strela-3 sử dụng đầu dò hồng ngoại kiểu mới, hoạt động dựa trên nguyên lý điều chế tần số (FM), tương tự các mẫu MANPAD hiện đại như Igla và Stinger. Phương pháp này giúp đầu dò ít bị ảnh hưởng bởi nhiễu hay mồi nhiệt so với đầu dò dùng nguyên lý điều chế biên độ (AM) của Strela-2. Tên lửa cũng được lắp hệ thống làm lạnh đầu dẫn đường hồng ngoại, tăng khả năng phân biệt nguồn nhiệt từ mục tiêu với mồi bẫy, đồng thời giúp Strela-3 đối phó với mục tiêu có tính cơ động cao.

Tổ hợp Strela-3 có tầm bắn 4,1 km và trần bắn 2,3 km. Quân đội chính phủ Syria sở hữu số lượng không xác định tên lửa Strela-3, nhiều khả năng loại MANPAD này đã rơi vào tay lực lượng phiến quân sau các trận đánh trong giai đoạn đầu của nội chiến Syria.

Tin mới