5 vùng quy hoạch mới hai bên bờ sông Vinh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Theo quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, tổ chức không gian ven sông Vinh có nhiều điểm mới. Theo đó có 5 vùng quy hoạch thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhân dân và các nhà đầu tư.

Sông Vinh là con sông không lớn, chảy qua địa bàn thành phố Vinh, nhưng có vai trò rất quan trọng của thành phố Vinh cả trong lịch sử lẫn hiện tại.

Trong lịch sử phát triển của thành phố, sông Vinh cùng với chợ Vinh “trên bến dưới thuyền”, cùng với núi Dũng Quyết hào hùng làm nên một đô thị Vinh nhộn nhịp và anh dũng. Không chỉ thế, sông Vinh còn là hào giao thông đi lại, cung cấp nước, thuỷ lợi tưới tiêu, phòng chống thiên tai khác.

Sông Vinh đoạn chảy qua núi Dũng Quyết. Ảnh: Thành Cường

Sông Vinh đoạn chảy qua núi Dũng Quyết. Ảnh: Thành Cường

Với sự phát triển của đô thị loại 1, định hướng phát triển thành phố biển, thành phố Vinh đang mở mang hạ tầng giao thông đô thị, không gian mở rộng hơn và việc cải tạo, nâng cấp sông Vinh trở thành một nhiệm vụ quan trọng, góp phần làm cho đô thị Vinh xanh đẹp hơn, hấp dẫn hơn, mở ra nhiều quỹ đất, là cơ hội đầu tư mới cho giới kinh doanh.

Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An” gồm có 4 hợp phần. Trong đó hợp phần 3 là Nâng cấp, cải tạo sông Vinh và không gian công cộng. Đây là con sông đầu tiên được Ngân hàng Thế giới (World Bank) tài trợ với tổng kinh phí 178 triệu USD (tương đương 4.450 tỷ đồng). Đến tháng 6/2022, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 1525/QĐ về phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 hai bên bờ sông Vinh. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quy hoạch, triển khai quy hoạch ven sông Vinh theo đồ án đã được duyệt.

Ngay sau đó, UBND thành phố Vinh đã lập quy hoạch chi tiết hai bờ sông Vinh bao gồm một phần diện tích đất quy hoạch tại các phường, xã: Vinh Tân, Trung Đô, Hồng Sơn, Cửa Nam, Hưng Chính (thành phố Vinh) và Hưng Lợi (Hưng Nguyên).

Phạm vi quy hoạch tổng chiều dài 7,3km, điểm đầu tại cầu Đước (Hưng Chính, TP. Vinh), điểm cuối tại ngã ba sông Vinh và sông Lam. Chiều rộng tính từ tim sông Vinh ra hai bên mỗi bên trung bình 100m và mở rộng thêm tại phường Cửa Nam, thành phố Vinh. Tổng khu đất quy hoạch là 102 ha.

Theo đồ án được phê duyệt, quy hoạch ven sông Vinh gồm 5 phân khu mới

5 phân khu này dọc theo hai bên bờ sông Vinh, gồm các phân khu: Khu làng sinh thái, khu di sản, khu chợ nổi, khu nút giao Lê Mao và khu du lịch tâm linh. Mỗi phân khu được thiết kế những hạng mục xây dựng độc đáo và riêng biệt, hòa quyện với bản sắc vốn có của từng địa điểm, hứa hẹn khai thác tối đa khả năng thu hút du lịch, phát triển kinh tế và gìn giữ nét đẹp văn hóa của dòng sông.

Phối cảnh tuyến phố đi bộ và công viên sinh thái ven sông Vinh. Ảnh: T.C

Phối cảnh tuyến phố đi bộ và công viên sinh thái ven sông Vinh. Ảnh: T.C

* Phân khu làng sinh thái: Vị trí từ ngã ba sông Vinh đến cầu đường sắt. Nơi đây xây dựng mô hình công viên nông nghiệp, làng sinh thái với các hạng mục chính: Công viên nông nghiệp - đây là địa điểm check-in, trải nghiệm dịch vụ khai thác và khám phá nông nghiệp cho khách du lịch; Công viên chủ đề hoa - chủ đề về các loài hoa màu sắc theo mùa, kết hợp trình diễn nghệ thuật đương đại; Cầu đi dạo trên cao - tạo tuyến đi bộ cao hẳn so với mặt đất, kết nối các khu chức năng trong công viên nông nghiệp; Bến thuyền kayak - bố trí điểm dừng chân kết hợp điểm cho thuê thuyền kayak.

* Phân khu di sản: Vị trí từ cầu đường sắt đến cầu cửa Tiền. Tạo tuyến đi bộ kết nối không gian giữa nhà thờ giáo, công viên Cửa Nam, điểm kết thúc của tuyến đường là quảng trường nhỏ và công trình biểu tượng.

Khu này cải tạo khu vực xung quanh hồ Cửa Nam, cung cấp các dịch vụ công cộng, tiện ích bổ sung; Cải tạo khu vực bờ sông phía trước công viên cửa Nam thành công viên nhỏ, có các lối tiếp cận xuống nước dưới hình thức sàn nổi (float stations; Cải tạo không gian 2 bên cầu Cửa Tiền; Cải tạo chỉnh trang khu dân cư hiện trạng nhằm đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ cảnh quan của khu vực. Xây dựng tuyến phố đi bộ kết hợp phố ẩm thực đêm dọc sông, nâng cao khả năng tiếp cận bờ sông.

* Phân khu chợ nổi: Từ cầu cửa Tiền đến cầu Cao Xuân Huy. Khu này khai thác vị trí lợi thế bên cạnh chợ Vinh - ngôi chợ có lịch sử lâu đời, xây dựng điểm dừng chân thứ 3 với mục đích tái hiện hình ảnh chợ nổi bên bờ sông nước; Xây dựng công trình dịch vụ du lịch, cầu kính (gỗ) vãn cảnh.

Khu vực phía Nam bờ sông Vinh: Xây dựng công viên ngập nước, lối đi dạo, quảng trường, cầu gỗ tiếp cận bờ sông. Khu vực sử dụng kè đá riprap.

* Phân khu thứ 4 là khu nút giao Lê Mao: Chạy từ cầu Cao Xuân Huy đến cầu Đen. Đây là nút giao quan trọng đóng vai trò kết nối chặt chẽ hai bờ thành phố cũ và mới. Theo quy hoạch, đây là điểm dừng chân để du khách nghỉ ngơi thư giãn, ngắm cảnh, đồng thời thưởng thức và mua sắm các sản vật địa phương, góp phần lan tỏa văn hóa ẩm thực, truyền thống thành Vinh trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế. Khu vực phía Bắc bờ sông Vinh: Xây dựng quảng trường, lối đi bộ, các tiện ích công cộng dọc bờ sông. Khu vực phía Nam bờ sông Vinh: Xây dựng công viên ngập nước, bãi đỗ xe, lối đi dạo, quảng trường, cầu gỗ tiếp cận bờ sông.

Thành phố xây dựng cầu cảnh quan điểm nhấn - cầu Lê Mao, với hình thức kiến trúc hiện đại và bắt mắt, tương đồng với cầu Cửa Tiền.

Phối cảnh điểm nhấn – cầu Lê Mao, với hình thức kiến trúc hiện đại và bắt mắt, tương đồng với cầu Cửa Tiền. Ảnh: T.C

Phối cảnh điểm nhấn – cầu Lê Mao, với hình thức kiến trúc hiện đại và bắt mắt, tương đồng với cầu Cửa Tiền. Ảnh: T.C

* Đối với khu du lịch tâm linh (phân khu 5): Từ cầu Đen đến cầu Bến Thủy, dự kiến sẽ xây dựng khu công viên du lịch tâm linh núi Quyết - nơi có đền thờ Hoàng đế Quang Trung từng được Vua Quang Trung chọn làm Kinh đô nước Việt vào thế kỷ 17.

Quy hoạch giúp du khách tham gia vãn cảnh, có tầm nhìn thông thoáng và bao quát đến các khu vực xung quanh, đồng thời góp phần đưa nơi đây trở thành một trong những điểm “nhất định phải đến” khi ghé thăm thành phố Vinh. Phía bên bờ Nam, cải tạo mở rộng không gian mặt nước trở thành khu công viên ngập nước, xây dựng quảng trường, cổng công viên, các công trình tiện ích đồng bộ, giữ nguyên các công trình thủy lợi hiện trạng.

Phối cảnh phân khu 5 - khu công viên du lịch tâm linh núi Quyết. Ảnh: T.C

Phối cảnh phân khu 5 - khu công viên du lịch tâm linh núi Quyết. Ảnh: T.C

Trên sông Vinh quy hoạch có cầu đường bộ bắc qua sông bao gồm 11 cầu, chiều dài từ 38m - 45m; 1 cầu vượt đường sắt có chiều dài 30m.

Ngoài 5 phân khu nói trên, quy hoạch cũng chú trọng đến vấn đề thoát nước mưa, điều hoà khí hậu.

Đối với các khu vực xây dựng mới ven sông, sẽ san nền đảm bảo cao độ thoát nước mưa tự chảy ra sông Vinh. Đối với khu vực dân cư hiện trạng thoát nước theo hai hướng chính. Khi mực nước sông Vinh thấp hơn cao độ nền khu vực dân cư hiện trạng, nước mưa sẽ tự chảy ra sông thông qua các cửa xả, cửa phai. Khi mực nước sông Vinh lên cao hơn cao độ nền hiện trạng nước mưa không thể tự chảy ra sông các cửa xả, cửa phai xả ra sông sẽ được đóng lại. Nước mưa sẽ được vận chuyển về khu vực trạm bơm và được bơm ra sông.

Hiện nay thành phố đang tổ chức triển khai quy hoạch, bảo vệ quy hoạch và lựa chọn thu hút đầu tư để có khai thác tài nguyên đất đai hợp lý, hiệu quả.

Tin mới