6 lợi ích tuyệt vời từ việc hiến máu nhân đạo

(Baonghean.vn) - Hiến máu là một nghĩa cử nhân đạo và cao đẹp. Hiến máu không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí còn có nhiều tác dụng tích cực đối với cơ thể của người hiến máu.
1. Kiểm tra sức khỏe miễn phí 

Trước mỗi lần hiến máu, một loạt kiểm tra sức khỏe được thực hiện hoàn toàn miễn phí dành cho bạn. Chẳng hạn như, khi đo huyết áp, bạn sẽ được chẩn đoán sớm về một số bệnh không gây đau đớn ở giai đoạn sớm...

Bên cạnh đó, sau khi hiến tặng, máu của bạn sẽ được sàng lọc và kiểm tra. Vì vậy, bạn sẽ biết sớm hơn nguy cơ mắc các bệnh.

2. Giảm nguy cơ rối loạn do hấp thu quá nhiều sắt

Lợi ích sức khỏe của việc hiến máu bao gồm giảm nguy cơ mắc bệnh hemochromatosis (chứng rối loạn do hấp thu quá nhiều sắt). Đây là tình trạng sức khỏe phát sinh do cơ thể hấp thụ sắt nhiều quá mức. Bệnh cũng có thể do yếu tố di truyền hoặc do uống quá nhiều rượu, bia, chứng thiếu máu hoặc các chứng rối loạn khác gây ra.

Hiến máu thường xuyên có thể giúp giảm tình trạng tích tụ sắt trong cơ thể. Tuy nhiên, người hiến tặng cần đảm bảo rằng họ có thể đáp ứng đủ các tiêu chuẩn hiến máu.

3. Giảm nguy cơ ung thư

Hiến máu cũng có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Bằng cách hiến máu, hàm lượng sắt tích tụ trong cơ thể sẽ được duy trì ở mức lành mạnh có lợi cho sức khỏe. Nguy cơ bị ung thư gan, phổi, dạ dày, ruột già và cổ họng giảm dần khi tần suất hiến máu tăng lên nhờ giảm lượng sắt dự trữ trong cơ thể.

4. Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Hiến máu có tác dụng tích cực trong việc làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và gan do tình trạng cơ thể thừa sắt quá mức gây ra. Một chế độ ăn uống giàu sắt có thể làm tăng nồng độ sắt trong máu.

Tuy nhiên, cơ thể chỉ có thể hấp thu một lượng sắt hạn chế, dẫn đến tình trạng sắt thừa sẽ tích tụ lại trong tim, gan và tuyến tụy. Tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh xơ gan, suy gan, tổn thương tụy và các tình trạng bất thường về tim mạch như nhịp tim không đều.

Trong khi đó, hiến máu có tác dụng giúp duy trì mức sắt đồng thời làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác nhau.

- Bạn chỉ nên hiến máu ở những nơi uy tín như bệnh viện, phòng khám hoặc tại ngân hàng máu, các sự kiện – nơi có sự xuất hiện của các chuyên gia y tế.

- Người hiến máu cần làm kiểm tra để đảm bảo người nhận máu không gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khi tiếp nhận.

5. Tái tạo các tế bào máu mới

Sau khi hiến máu, cơ thể sẽ hoạt động để bổ sung lại lượng máu đã mất. Điều này sẽ kích thích quá trình sản sinh các tế bào máu mới và nhờ đó, các tế bào mới sẽ luân phiên giúp duy trì cơ thể luôn khỏe mạnh.

6. Đốt cháy calo - giảm cân

Mỗi lần hiến máu cơ thể bạn sẽ tiêu tốn khoảng 650 – 700 Kcal.  Cân nặng của bạn có liên quan tới việc hấp thu calo và vì vậy, hiến máu có thể hỗ trợ bạn kiểm soát cân nặng.

Tuy nhiên, thời gian hiến máu an toàn nhất là khoảng hai hoặc ba tháng 1 lần và không được nhiều hơn. Mức độ thường xuyên này còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, nồng độ hemoglobin và sắt trong máu của từng người.

Những người không nên tham gia hiến máu

- Những người mắc các bệnh lý như AIDS hay viêm gan không nên tham gia hiến máu.

- Những người đã tiêm chích vắc xin hay từng trải qua phẫu thuật, hoặc đang bị ung thư, tiểu đường, cảm lạnh hay cảm cúm nên thảo luận với chuyên gia y tế trước khi hiến máu.

- Phụ nữ đang có thai nên có được sự đồng ý của bác sĩ để tránh những rủi ro nguy hiểm có thể xảy ra.

Tin mới