6 món ẩm thực, sản vật đặc sắc nhất của miền quê Nam Đàn

(Baonghean.vn) - Về với Nam Đàn, du khách không chỉ hiểu hơn vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, “sơn thủy hữu tình”, mà còn có thể thưởng thức những món ngon mang đậm phong vị quê hương xứ Nghệ,… Nhưng đặc sản đó, ai "lỡ" nếm thử một lần cũng vương vấn mãi không thôi.

Hến sông Lam

Sông Lam đoạn chảy qua huyện Nam Đàn. Ảnh: Đình Tuyên
Sông Lam đoạn chảy qua huyện Nam Đàn. Ảnh: Đình Tuyên

Ở miền quê xứ Nghệ hầu hết dòng sông, ao, hồ nào cũng có con hến, con trai… Thế nhưng, loại hến ngon nhất phải bắt ở vùng hạ lưu sông Lam chảy qua khu vực huyện Nam Đàn. Nghề làm hến ở Nam Đàn được duy trì quanh năm, nhưng chính vụ là vào mùa Hè khi mà nước sông Lam vào hạ xuống thấp. Thời tiết oi bức mùa cũng chính là điều kiện lý tưởng để thưởng thức món hến “lộc trời” có tác dụng hoạt tràng, thông khí, mát gan, thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu này.

Hến sông Lam có vị ngọt mặn, tính hàn, không độc. Đặc biệt, con hến ở khu vực sông Lam chảy qua huyện Nam Đàn không có mùi bùn nên rất được thực khách ưa chuộng. Hến sông Lam có thể được chế biến thành nhiều món ăn ngon, mát, bổ dưỡng như: Xào xúc bánh đa, nấu lẩu, hến nấu canh rau vặt, cháo hến, cơm hến, súp hến ăn cùng bánh đúc.

Hến Sông Lam - Món ngon dân dã nhớ lâu. Ảnh: Đình Tuyên
Hến sông Lam - món ngon dân dã nhớ lâu. Ảnh: Đình Tuyên

Hến sông Lam vốn là món ăn dân dã… nhưng vì là món ngon nên ngày càng được nhiều người biết đến và dần trở thành đặc sản ít thiếu vắng trên các bàn tiệc đãi khách của người dân Nam Đàn. Du khách đến với Nam Đàn nên thử chút phong vị hến sông Lam…

Thịt me (bê) – thịt nghé (trâu tơ)

Trẻ chăn trâu bên dòng Lam. Ảnh tư liệu: Quốc Đàn
Trẻ chăn trâu bên dòng Lam. Ảnh tư liệu: Quốc Đàn

Trên mảnh đất Nghệ An có rất nhiều quán đặc sản thịt me, thịt nghé nhưng ngon và nổi tiếng nhất phải kể đến vùng đất Nam Đàn. Nam Đàn là huyện đồng bằng (một vài xã bán sơn địa). Con me, nghé ở đây được chăn thả tự nhiên trên đồi núi, đồng ruộng và bãi bồi ven sông Lam nên thịt rất thơm.

Thịt me, thịt nghé Nam Đàn xưa nay đã là một loại thực phẩm bổ dưỡng, vừa ngon vừa dễ ăn, giúp mọi người bồi bổ sức khỏe và tái tạo sức lao động. “Me Nam Đàn”, “Nghé Nam Đàn” đã trở thành thương hiệu, “tên tuổi” lớn bay xa trong cả nước.

Thịt me, nghé Nam Đàn có vị ngọt, vị dai dai, vị giòn sần sật từ lớp da và mùi thơm hương đồng cỏ nội độc đáo. Ảnh: Đình Tuyên
Thịt me, thịt nghé Nam Đàn có vị ngọt, dai dai, giòn sần sật từ lớp da và mùi thơm hương đồng cỏ nội độc đáo. Ảnh: Đình Tuyên

Với người sành sõi trong ẩm thực thì thịt me, thịt nghé có thể chế biến được hàng trăm món ăn độc đáo khác nhau. Nhưng khi về với Nam Đàn, du khách nên thưởng thức món me thui, nghé thui đặc biệt nơi đây. Thịt có vị ngọt, dai dai, giòn sần sật từ lớp da và mùi thơm hương đồng cỏ nội độc đáo không thế trộn lẫn với bất kỳ vùng, miền nào. Quá trình chế biến món me thui, nghé thui là một câu chuyện dài…

Tương Sa Nam (Nam Đàn)

Nghệ nhân làm tương ở Nam Đàn. Ảnh: Thành Cường
Nghệ nhân làm tương ở Nam Đàn. Ảnh: Quang Dũng

Tương là một trong những sản phẩm truyền thống của người dân Nam Đàn. Cũng như các loại tương khác, tương Nam Đàn cũng được chế biến từ những nguyên liệu quen thuộc với đời sống như đỗ tương, đậu nành, nếp, muối... Song, để hình thành nên “Tương Nam Đàn” lại là một quy trình riêng, rất kỳ công.

Theo các nghệ nhân làm tương: Tương Nam Đàn thơm ngon là do được làm từ những hạt đậu tương nhỏ, dài, do người dân địa phương trồng. Loạt hạt này khi làm tương không nát, chua… Tương Nam Đàn đạt chuẩn phải có màu vàng ươm hoặc màu cánh gián. Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận được vị mát lành của hương phù sa trong từng hạt đậu.

Tương Nam Đàn đã trở thành đặc sản trong các nhà hàng sang trọng khắp cả nước. Ảnh: Đình Tuyên
Tương Nam Đàn đã trở thành đặc sản trong các nhà hàng sang trọng khắp cả nước. Ảnh: Đình Tuyên

Tương Nam Đàn càng để lâu càng ngon, tương thường được dùng làm nước chấm rau, thịt, chan cơm ăn, kho cá đồng, đậu phụ hấp tương, nghêu xào tương, canh tương hạt, rau, củ trộn tương, cá kho tương… là món ăn không thể thiếu đối với người dân xứ Nghệ. Từ một món ăn dân dã, hiện nay tương Nam Đàn đã trở thành đặc sản trong các nhà hàng sang trọng khắp cả nước.

Sen Kim Liên

Sen hồng Kim Liên. Ảnh: Đình Tuyên
Sen hồng Kim Liên. Ảnh: Đình Tuyên

Ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, sen được trồng từ rất lâu đời. Đặc biệt, ở quê nội, quê ngoại của Bác Hồ có những hồ sen rất lớn được người dân gìn giữ rất cẩn thận… Những năm gần đây, diện tích ao, hồ trồng sen ở xã ngày càng được mở rộng. Bên cạnh loại sen hồng truyền thống, nhiều giống sen quý khác cũng được đem về trồng tạo nên nhiều cảnh quan đẹp cho quê Bác.

Từ giá trị mang lại cảnh quan, sen đã được người dân Kim Liên chế biến thành sản phẩm mới có giá trị mang lại sức khỏe cho du khách khi đến với quê chung. Có thể kể đến như: bánh cà hạt sen, hạt sen sấy, mứt sen, rượu sen, trà bạch liên, trà củ sen, trà lá sen, trà liên tu, trà tâm sen, trà ướp hoa sen...

Nhiều sản phẩm từ Sen Kim Liên. Ảnh: Đình Tuyên
Nhiều sản phẩm từ sen Kim Liên. Ảnh: Đình Tuyên

Những sản phẩm từ sen đều được xem như vị thuốc. Hạt sen có nhiều chất dinh dưỡng: Tinh bột, đường, protein, canxi, sắt…; có tác dụng dưỡng tâm, ích thận, kiện tỳ, giảm stress, giải tỏa căng thẳng, góp phần an thần, trị mất ngủ, hay quên, suy dinh dưỡng. Củ sen có tác dụng làm mát máu, mát gan, điều hòa kinh mạch, lưu thông khí huyết. Lá sen có tác dụng an thần, dễ ngủ, chống co thắt cơ trơn, chống choáng phản vệ, ức chế hiện tượng loạn nhịp tim, giảm cân, giảm cholesterol, ổn định huyết áp…

Bột sắn dây Đại Huệ (Nam Đàn)

Nam Đàn là địa phương có tập quán và phong trào trồng cây sắn dây nhiều nhất ở Nghệ An hiện nay với diện tích lên đến 300 - 400 ha, tập trung ở các xã có đất đồi vệ dưới chân núi Đại Huệ... Cây sắn dây Nam Đàn có nhiều đặc tính vượt trội để khi chế biến thành tinh bột sẽ cho ra sản phẩm: Thơm, trắng, mịn. Chất lượng hơn hẳn so với loại sắn dây được trồng ở vùng khác.

Các sản phẩm bột sắn dây Nam Đàn. Ảnh: Đình Tuyên
Các sản phẩm bột sắn dây Nam Đàn. Ảnh: Đình Tuyên

Tinh bột sắn dây (Đông y gọi là cát căn làm thuốc chữa bệnh) được dùng rất phổ biến làm nước giải khát trong ngày nắng nóng. Đây là thức uống có tác dụng giải nhiệt rất tốt trong mùa Hè và cũng là vị thuốc chữa cảm nắng, sốt cao rất công hiệu.

Thời gian qua, huyện Nam Đàn đã phối hợp với Tổ chức JICA của Nhật Bản xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ bột sắn dây nhằm nâng cao thu nhập cây trồng. Bột sắn dây đã là sản phẩm phục vụ cho phát triển du lịch của địa phương…Vào mùa Hè, du khách khi đến Nam Đàn cũng nên uống một cốc nước sắn dây. Nước bột sắn dây rất ngon, thơm và mát.

Chanh Thiên Nhẫn 

Chanh Thiên Nhẫn mọng nước, có mùi thơm khó có loại chanh nào sánh bằng. Ảnh tư liệu: Nguyên Châu
Chanh Thiên Nhẫn mọng nước, có mùi thơm khó có loại chanh nào sánh bằng. Ảnh tư liệu: Nguyên Châu

Núi Thiên Nhẫn là một thắng cảnh ở huyện Nam Đàn. Nơi đây từng được vua Lê Lợi chọn để xây dựng Thành Lục Niên làm bàn đạp để đánh tan quân Minh xâm lược; La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp chọn làm nơi để ẩn cư và dạy học… Trên vùng đất núi cằn cỗi Thiên Nhẫn có một loài cây đặc sản, đó là cây chanh.

Chanh ở đây thuộc dòng chanh giấy, vỏ khá mỏng, có hạt, màu xanh, quả tròn nhìn rất đẹp mắt; Chanh mọng nước, có mùi thơm khó có loại chanh nào sánh bằng, ai thưởng thức hương vị một lần thôi cũng sẽ không thể quên được. Đặc biệt nhất là trời phú cho chanh Thiên Nhẫn ra trái vụ tự nhiên mà không cần đến tác động từ con người và chất kích thích.

2 sản phẩm từ Chanh Thiên Nhẫn. Ảnh: Đình Tuyên
2 sản phẩm từ chanh Thiên Nhẫn. Ảnh: Đình Tuyên

Ngày nay, ngoài sản phẩm quả chanh tươi, chanh đã được người dân chiết xuất thành nhiều sản phẩm phục vụ người tiêu dùng trong nước và định hướng xuất khẩu: Tinh dầu chanh, tinh dầu lá chanh, tinh dầu sả chanh, nước cốt chanh nguyên chất, nước cốt chanh mật ong, rượu vang chanh, nước ngâm giải độc, dầu gội đầu, nước lau sàn, nước rửa chén bát, chanh mật ong, chanh gừng mật ong, siro sả chanh, bột chanh…/.

Tin mới