6 nguyên nhân khiến xe ô tô chạy không bốc, ì máy

(Baonghean.vn) - Hiện tượng ô tô có những dấu hiệu không còn “khỏe mạnh” như những ngày đầu xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Cốt lõi đến từ việc bảo dưỡng không định kỳ, lái xe thiếu kỹ năng... Theo các chuyên gia ô tô, xe chạy không bốc, ì máy có thể do những nguyên nhân sau.

1. Lọc gió bẩn, cung cấp gió không đều

Việc thường xuyên phải chạy xe không thể tránh khỏi những tác động lớn đến việc tắc nghẽn của lọc gió. Nhiều chủ xe thường không chú ý vào việc này nên khi để quá lâu sẽ khiến  lượng không khí nạp vào không đủ để tạo thành một hỗn hợp hòa khí chuẩn gây ảnh hưởng rất lớn đến động cơ.

Theo các chuyên gia, đối với tất cả những loại lọc gió ô tô, nên có thời gian vệ sinh định kỳ là khoảng 5.000km và thời gian thay thế của chúng không quá 20.000 km/ lần.

2. Bơm xăng mòn, bộ điều chỉnh áp suất bị rò rỉ

Khi bơm nhiên liệu bị mòn hay bộ điều chỉnh áp suất nhiên liệu có dấu hiệu bị rò rỉ, điều này sẽ khiến cho áp suất nhiên liệu đưa vào từ đường ống nạp đến buồng đốt thấp làm cho khả năng sinh công không còn hiệu quả dẫn đến công suất động cơ giảm rõ rệt, xe trở nên yếu đi.

3. Lọc nhiên liệu bị tắc

Nếu như hệ thống lọc nhiên liệu gặp vấn đề lại gây ra những hư hỏng lớn hơn nhiều so với lọc gió... Khi lọc nhiên liệu bị tắc sẽ ảnh hưởng đến hệ thống phun nhiên liệu, thậm chí gây kích nổ trong xi lanh và chết máy dọc đường.

Thông thường lọc nhiên liệu ô tô sẽ được thay thế và bảo dưỡng 40.000 km/ lần; nhưng việc nhiên liệu không được sạch tuyệt đối thì thời gian thay thế 25.000 km là an toàn nhất.

4. Do áp xăng

Áp xăng có nhiệm vụ giữ cho sự chênh lệch áp suất của xăng trong ống phân phối và của không khí bên trong cổ hút luôn ở một giá trị không đổi. Khi đó ECU điều khiển kim phun mở ở một thời gian nào đó sẽ phun ra một lượng xăng giống như ECU "tính toán". Nếu sự chênh lệch áp suất khác đi (do van điều áp hỏng) thì khi mở kim cũng ở thời gian đó nhưng lượng xăng phun ra sẽ khác với tính toán.

Điều này sẽ gây ra thừa hoặc thiếu xăng, khiến động cơ hoạt động không ổn định,dẫn đến xe chạy không bốc, ì máy.

5. Bugi bị ăn mòn (đối với động cơ xăng )

Trước khi cháy, có nghĩa là ở thời điểm cuối kỳ nén, nhiên liệu được nén lên đỉnh điểm và bugi bắt đầu đánh lửa để sinh công. Lúc này nhiên liệu cần được đốt cháy phải nhận được nguồn năng lượng lớn từ khe hở điện cực của bugi để chúng hoạt động hết công suất.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, khe hở giữa 2 điện cực này cũng bị ăn mòn khiến cho tia lửa điện không còn hiệu suất cao làm giảm công suất quá trình cháy.

6. Đánh lửa không đúng thời điểm

Khi động cơ hoạt động mà có hiện tượng kích nổ khi ga lớn, chế độ không tải nổ không ổn định, xe chạy hao xăng, máy nhanh nóng, lâu lâu có hiện tượng như nổ ngược. Đó chính là dấu hiệu cho thấy bộ phận đánh lửa quá sớm.

Khi hệ thống đánh lửa tạo tia lửa điện quá muộn so với thời điểm động cơ cần, thường thì sẽ gây các hiện tượng như nhiệt độ động cơ tăng cao, có tiếng nổ trong ống xả do xăng không được đốt hết và tiếp tục cháy khi ra đường xả, gây tiêu hao nhiên liệu, động cơ bị "ngợp" xăng do không được đốt cháy kịp thời làm xe không tăng tốc được. Ngoài ra động cơ còn khó khởi động.

Tin mới