7 cách dùng thời gian rỗi hiệu quả trên smartphone

Thay vì lướt xem một loạt những thông tin vô bổ, bạn có rất nhiều cách để “chi dùng” hiệu quả với điện thoại trong những khoảng thời gian rảnh rỗi.

Ứng dụng học ngoại ngữ của Duolingo. Ảnh: DUOLINGO
Ứng dụng học ngoại ngữ của Duolingo. Ảnh: DUOLINGO

Theo trang Gizmodo, bạn có ít nhất 7 cách sử dụng thời gian rảnh rỗi hiệu quả với smartphone như sau:

1. Học cái gì đó mới mẻ

Các ứng dụng như Duolingo và Memrise sẽ giúp bạn có sẵn cả một "mớ" những công cụ để học một ngoại ngữ trong túi. Mặc dù hiện có nhiều ứng dụng học ngôn ngữ khác nhau, nhưng đây được đánh giá là hai ứng dụng được yêu thích hơn cả về cách thiết kế bài học thú vị và hiệu quả.

Ngoài ngoại ngữ, bạn cũng có thể đọc gì đó trên web, xem một video trên Youtube để mài giũa thêm kiến thức, kỹ năng nào đó bạn đã biết, chẳng hạn như xem một video mới về lập trình hay học hỏi một bí kíp nấu ăn nào đó.

2. Đóng góp vì mục đích thiện nguyện

Bạn cũng có thể dùng thời gian rảnh rỗi để giúp đỡ người khác. Chẳng hạn, với trang Donate a Photo, bạn có thể quyên tặng mỗi ngày một hình ảnh (bất cứ ảnh nào do bạn chụp).

Với mỗi bức ảnh bạn quyên góp, hãng Johnson & Johnson sẽ dành 1 USD đóng góp vào ngân sách cho một tổ chức phi lợi nhuận nhằm giải quyết một vấn đề nào đó của xã hội mà bạn chọn lựa.

Cũng như thế là ứng dụng Charity Miles cho phép bạn quyên góp tiền từ thiện bằng chính những dặm đường di chuyển của bạn.

Charity Miles sẽ góp 10 cent cho mỗi dặm đạp xe và 25 cent cho mỗi dặm đi bộ và chạy của bạn sau khi bạn đăng ký tham gia chương trình thiện nguyện này, thực hiện và đăng tải kết quả lên mạng xã hội.

3. Hỗ trợ khoa học

Giới khoa học luôn trông cậy người dùng hỗ trợ họ ở nhiều dự án nghiên cứu giải quyết các vấn đề phức tạp, đặc biệt những vấn đề cần tới sự thu thập dữ liệu trên quy mô lớn.

Trong số đó có thể kể tới như dự án Folding@Home của hãng Sony và đại học Stanford đang thu thập thông tin từ người dùng để nghiên cứu về các dịch bệnh lớn như Ebola hay Alzheimer.

Tương tự như vậy là trang Secchidisk với ứng dụng giúp chiếc smartphone của bạn trở thành công cụ đo lường lượng sinh vật phù du, từ đó giúp nhóm nghiên cứu theo dõi những thay đổi trong chuỗi thức ăn trên biển.

Hay như trang MyShake do đại học UC Berkeley phát triển sử dụng chiếc smartphone của bạn như một công cụ đo lường địa chấn ở khắp nơi trên trái đất, từ đó tạo lập cơ sở dữ liệu toàn cầu, việc công tác cảnh báo, phát hiện động đất hiệu quả hơn.

Ứng dụng thiền định của Headspace. Ảnh: HEADSPACE
Ứng dụng thiền định của Headspace. Ảnh: HEADSPACE

4. Cải thiện đời sống tinh thần

Có những ứng dụng trên smartphone giúp bạn có cơ hội thiền định trong chốc lát như Headspace và Calm.

Bằng cách thực hiện theo những bài tập được hướng dẫn tại đây, bạn có thể thả tâm trí mình trong một không gian thư thái thiền định trước khi quay trở về với thực tại ồn ã, xô bồ.

5. Mở rộng chân trời kiến thức

Việc này cũng gần giống với việc học thêm điều gì đó mới mẻ đã nêu, tuy nhiên nghiêng nhiều hơn theo hướng mở rộng kiến thức của bạn nói chung.

Thay vì mất thời gian với những trò chơi vô bổ, bạn có thể đọc bài viết nổi bật trong ngày trên trang Wikpedia tại đây, hoặc có thể học một từ mới trong ngày trên ứng dụng của Dictionary.com, và đọc những nội dung tóm tắt của một cuốn sách thể loại hư cấu/phi hư cấu của trang Blinkist.

Giao diện ứng dụng Instapaper. Ảnh: INSTAPAPER
Giao diện ứng dụng Instapaper. Ảnh: INSTAPAPER

6. Đọc tiếp những nội dung dang dở

Gần như mọi người đều không có đủ thời gian để đọc tất cả những nội dung muốn đọc, do đó một ứng dụng có khả năng "nhớ giúp" họ những điều cần đọc để có thể xem tiếp vào lúc khác là điều rất hữu dụng.

Một cách đánh dấu đơn giản nhất là bạn lựa chọn tính năng bookmark với các bài báo trên trình duyệt máy tính, cài đặt ứng dụng trình duyệt tương tự trên di động và rồi đồng bộ hóa dữ liệu trên hai phiên bản trình duyệt đó để có thể đọc tiếp những nội dung đã đánh dấu trên web.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tận dụng các công cụ như Pocket và Instapaper cài đặt trên điện thoại để có thể lưu lại các nội dung trên web để có thể đọc/xem tại bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.

Sáng tạo với SketchBook - Ảnh: SKETCHBOOK
Sáng tạo với SketchBook. Ảnh: SKETCHBOOK

7. Sáng tạo

Cuối cùng, một trong những cách "tiêu" thời gian hữu ích nữa là bạn có thể chọn một hoạt động sáng tạo để tận hưởng trong lúc rảnh rỗi. Đó có thể là viết lách, vẽ, viết nhạc, chụp ảnh hoặc bất cứ một hoạt động nào tương tự.

Hãy lựa chọn một ứng dụng tương ứng hỗ trợ bạn trong hoạt động sáng tạo này. Có rất nhiều những ứng dụng như vậy, hãy tìm kiếm theo các từ khóa trong kho ứng dụng trên máy.

Gợi ý cho những người thích viết như ứng dụng Ulysses và cho những người thích vẽ như SketchBook.

Theo TTO

TIN LIÊN QUAN

Tin mới