7 chiêu lừa online có thể qua mặt cả người thông minh

Trên mạng trực tuyến, ranh giới giữa chiêu thức lừa đảo và cơ sở kinh doanh chính đáng không còn được phân định rõ ràng.
Đầu tiên là chiêu lừa báo động giả. Khi bạn đang lướt web, màn hình bỗng hiện lên cảnh báo máy tính bạn đã bị virus xâm nhập. Cảnh báo này khuyến khích bạn dùng chương trình diệt virus cụ thể để rà soát một lượt các file trong máy. Nhưng nếu bạn tải xuống chương trình được giới thiệu, máy tính của bạn sẽ bị cài đặt phần mềm chứa mã độc và có thể lấy được thông tin cá nhân.
Bạn đừng hoảng loạn khi màn hình bất ngờ xuất hiện tin nhắn cảnh báo máy tính bị nhiễm virus. Ảnh: Tdstelecom.
Bạn đừng hoảng loạn khi màn hình bất ngờ xuất hiện tin nhắn cảnh báo máy tính bị nhiễm virus. Ảnh: Tdstelecom.

Cách phòng tránh: Bạn không được nhấn vào đường dẫn trong các cửa sổ quảng cáo bất chợt hiện ra. Đồng thời, bạn có thể cài đặt phần mềm chặn quảng cáo trên trình duyệt để ngăn chặn chiêu lừa đảo dạng này xuất hiện. Nếu cần thiết, bạn hãy mua chương trình diệt virus đáng tin cậy trên máy tính và thường xuyên chạy chương trình.

Lừa đảo ăn theo mạng xã hội

Thủ đoạn: Kẻ gian sẽ gửi email giả có hình thức giống như được gửi từ mạng xã hội mà bạn tham gia. Nội dung email có thể là bạn có thông báo mới cần đọc hoặc tài khoản của bạn đang bị người khác truy cập nên bạn cần đăng nhập để xác thực thông tin.

Khi nhấn vào đường link trong email, bạn sẽ được chuyển tới một website giả mạo. Nếu điền thông tin đăng nhập vào website giả, kẻ gian có thể hack tài khoản mạng xã hội, dùng thông tin cá nhân để tống tiền hoặc gửi tin nhắn quấy rối cho bạn bè và người thân bạn.

Cách phòng tránh: Nếu có thông báo trên mạng xã hội, bạn hãy truy cập trang web đó bằng cách gõ trực tiếp đường dẫn website vào thanh địa chỉ của trình duyệt. Bạn không nên nhấn vào đường link trong email, đồng thời nên thiết lập chế độ bảo mật hai lớp để nhận được thông báo khi tài khoản bị đăng nhập bất thường.

Lời mời kết bạn bất ngờ

Thủ đoạn: Kẻ gian sao chép tài khoản mạng xã hội của nạn nhân rồi gửi lời mời kết bạn với người thân và bạn bè của người đó. Nếu bạn lỡ ấn nút đồng ý, kẻ gian có thể tiếp cận một số thông tin cá nhân như ngày sinh, tên bố mẹ, tên thú cưng. Những thông tin này có thể được dùng để hack tài khoản ngân hàng của bạn (ví dụ như để trả lời câu hỏi bảo mật "tên con chó cưng đầu tiên của bạn là gì?").

Cách phòng tránh: Bạn không nên nhận lời mời kết bạn từ người lạ mặt. Nếu nhận lời mời từ người đã kết bạn từ trước, bạn hãy gặp mặt hoặc gọi trực tiếp người đó để hỏi xem liệu họ có tài khoản mạng xã hội thứ hai hay không. Đồng thời, bạn không nên chia sẻ lên mạng những thông tin cá nhân mà có thể được dùng để trả lời câu hỏi bảo mật của tài khoản ngân hàng.

Nhử mồi bằng file đính kèm

Thủ đoạn: Sau khi hack vào tài khoản email hoặc mạng xã hội, kẻ gian gửi email hoặc tin nhắn giả cho toàn bộ người trong danh bạ của nạn nhân. Email hoặc tin nhắn dạng này thường yêu cầu người nhận tải file đính kèm hoặc file trong đường dẫn tới website chia sẻ file lừa đảo. Nếu lỡ tải xuống, thiết bị của bạn sẽ nhiễm phần mềm chứa mã độc (malware), dữ liệu trong máy sẽ bị khóa lại để yêu cầu tiền chuộc.

Bạn cần cẩn thận với file đính kèm bất thường trong email. Ảnh: Securitymetrics.
Bạn cần cẩn thận với file đính kèm bất thường trong email. Ảnh: Securitymetrics.

Cách phòng tránh: Bạn không nên mở file khi bất ngờ nhận file đính kèm hoặc đường dẫn tới trang web chia sẻ file từ người khác. Thay vào đó, bạn hãy dùng phương thức khác (như gọi điện) để liên hệ trực tiếp với người gửi và xác nhận nguồn gốc file.

Điểm truy cập wi-fi miễn phí

Thủ đoạn: Kẻ gian thiết lập điểm truy cập wi-fi miễn phí tại quán café hoặc sân bay. Nếu bạn sử dụng mạng wi-fi miễn phí này, kẻ gian có thể truy cập máy tính của bạn để khai thác dữ liệu cá nhân hoặc tài chính.

Cách phòng tránh: Trong thiết lập của máy tính và điện thoại, bạn hãy bỏ chọn tính năng "tự động tham gia mạng wi-fi mở" và bật yêu cầu "hỏi trước khi vào mạng wi-fi mới". Nếu sắp tới nơi công cộng như sân bay, bạn hãy tra cứu tên mạng wi-fi của đích đến từ trước khi đi đi. Đặc biệt, không thực hiện giao dịch tài chính khi thiết bị đang vào mạng wi-fi công cộng. Nếu phải thường xuyên di chuyển, bạn hãy đầu tư thiết bị phát sóng wi-fi di động có cài mật mã.

Chiêu lừa tình cảm qua mạng

Thủ đoạn: Kẻ gian bịa thông tin hoặc lấy thông tin của người thật để làm giả tài khoản trên trang web hẹn hò. Dưới vỏ bọc này, chúng gửi tin nhắn, ảnh và gọi điện để dụ dỗ và kết thân với con mồi. Nhưng mỗi lần hẹn gặp, kẻ gian sẽ lấy cớ thoái thác và thường xin bạn giúp đỡ về tiền bạc. Nếu được bạn gửi tiền, đối phương biến mất không dấu vết hoặc tiếp tục xin thêm.

Cách phòng tránh: Nếu bạn bị hủy hẹn gặp mặt liên tục, đối phương có thể chỉ là tài khoản giả mạo do kẻ gian lập nên để lừa tiền. Bạn không bao giờ được gửi tiền cho người quen qua mạng.

Từ thiện giả

Thủ đoạn: Nếu có khả năng nắm bắt xu hướng, kẻ gian có thể dựng trang web quyên tiền hoặc làm từ thiện liên quan tới chủ đề đang nhận được nhiều sự chú ý, ví dụ như khi có thảm họa thiên nhiên hoặc khi báo chí đưa tin về người gặp hoạn nạn cần giúp đỡ. Sau đó, kẻ gian thuyết phục mọi người chia sẻ trên mạng xã hội và gửi email kêu gọi ủng hộ. Nhưng nếu nhấn vào đường dẫn đi kèm và quyên góp tiền bằng thẻ ngân hàng, kẻ gian có thể ăn cắp thông tin ngân hàng và rút hết tiền trong tài khoản, hoặc bán lại thông tin cho kẻ khác.

Đường dẫn vào trang web có độ bảo mật cao hơn thường bắt đầu bằng cụm "https://". Ảnh: Owltree.
Đường dẫn vào trang web có độ bảo mật cao hơn thường bắt đầu bằng cụm "https://". Ảnh: Owltree.

Cách phòng tránh: Bạn không bao giờ được nhấn vào đường link trong email hoặc đường link đáng ngờ trong bài đăng trên mạng xã hội. Nếu muốn quyên góp cho người có hoàn cảnh khó khăn, bạn hãy tìm tổ chức từ thiện và truy cập trực tiếp vào trang chủ của tổ chức đó. Trước khi điền thông tin tài khoản ngân hàng, bạn cần chắc chắn đó là trang web an toàn, thể hiện qua việc đường dẫn bắt đầu bằng cụm "https://".

Tin mới