7 quan niệm sai lầm về tự kỷ ở trẻ

Những nhận thức sai lầm về chứng tự kỉ có thể gây nên những tác hại lớn không chỉ cho trẻ mà còn cho cả gia đình, xã hội. Hiểu rõ về Phổ tự kỉ sẽ giúp tìm ra những phương pháp thích hợp cho việc điều trị và chăm sóc trẻ.

Quan niệm 1: Tự kỷ là bệnh

 

Sự thật: 

Tự kỷ là một hội chứng, không phải là bệnh, không lây lan từ người này sang người khác. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn có rất nhiều người gọi tự kỷ là bệnh. Cách hiểu này dẫn đến những sai lệch về quan niệm, cách điều trị cho trẻ tự kỷ. 

Khi gọi tự kỷ là bệnh, mọi người sẽ ngầm hiểu rằng đã là bệnh thì sẽ có thuốc chữa và trẻ có thể bình phục hoàn toàn. Vì thế, nhiều bậc phụ huynh đã đưa con đi tìm thầy thuốc chạy chữa khắp nơi, cho con uống các loại “thuốc bổ quý hiếm” mà không quan tâm đến các phương pháp can thiệp hiệu quả đã được khoa học chứng minh. Điều này dẫn đến tình trạng tự kỷ ở trẻ ngày một nặng hơn.

Quan niệm 2: Tự kỷ có thể chữa được

 

Sự thật:

Hiện nay, chưa có thuốc chữa hội chứng tự kỷ. Tuy nhiên, nếu trẻ tự kỷ ở mức độ nhẹ được phát hiện và can thiệp sớm thì vẫn có thể phát triển tương đối bình thường, hòa nhập được với cộng đồng. Với trường hợp nặng hơn, các biện pháp can thiệp chỉ có thể giúp trẻ ổn định và biết cách giao tiếp hơn.

Quan niệm 3: Tự kỷ xuất hiện do trẻ thiếu sự quan tâm từ cha mẹ

 

Sự thật:

Có nhiều bậc phụ huynh khi biết con mình mắc chứng tự kỷ đã vô cùng đau khổ. Họ thường có xu hướng đổ lỗi cho bản thân vì không biết cách chăm sóc, nuôi dưỡng, thiếu quan tâm đến con, dẫn đến việc con bị tự kỷ.

Tuy nhiên, các chuyên gia đã chứng minh rằng chứng tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển bẩm sinh. Điều này có nghĩa là, từ khi sinh ra, trẻ đã có những biểu hiện của hội chứng này, hoặc trẻ có tiềm ẩn chứng tự kỷ từ bên trong, đến độ tuổi nào đó (thường từ 2 đến 3 tuổi) mới bắt đầu biểu hiện ra.

Do vậy, quan niệm trẻ tự kỷ do cha mẹ ít quan tâm, gần gũi, không nói chuyện với trẻ là hoàn toàn sai lầm. Thực chất, đây chỉ là những yếu tố có thể làm cho tình trạng tự kỷ trở nên nặng hơn.

Quan niệm 4: Trẻ tự kỷ thường lầm lì, không thích kết bạn

 

Sự thật:

Trẻ em mắc chứng tự kỷ không chơi và tương tác, giao tiếp với những đứa trẻ khác không phải vì chúng "không muốn", mà vì chúng "không biết làm thế nào để chơi cùng". Chúng chỉ hiểu trò chơi với mô hình cố định và các chuyển động lặp đi lặp lại. Những đứa trẻ khác phải mời đứa trẻ mắc chứng tự kỷ chơi cùng và hiểu thiếu sót của chúng, chứ không thể kỳ vọng vào sự thay đổi và tiếp thu từ ngày này qua ngày khác.

Quan niệm 5: Mọi đứa trẻ tự kỷ đều có biểu hiện giống nhau

 

Sự thật: Một trẻ bị mắc rối loạn tự kỷ thường gặp khó khăn trong kỹ năng xã hội, giao tiếp, hành vi và sở thích bất thường. Có thể coi tự kỷ là một dạng khuyết tật về giao tiếp. Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Nha Trang chuyên ngành giáo dục đặc biệt quản lý dự án Phát hiện sớm trẻ tự kỷ (Đại sứ quán Hoa Kỳ tài trợ), toàn bộ trẻ tự kỷ đều gặp ba vấn đề chính trên. Nhưng, các triệu chứng xuất hiện khác nhau với tính chất nghiêm trọng khác nhau ở từng đứa trẻ riêng biệt. Không có hai đứa trẻ tự kỷ nào biểu hiện giống hệt nhau.

Quan niệm 6: Mọi đứa trẻ tự kỷ đều có trí tuệ kém

 

Sự thật:

Theo thống kê, có khoảng 70-80% trẻ em tự kỷ có chỉ số IQ dưới trung bình. Nhiều trẻ bị thiểu năng trí tuệ. Số còn lại có chỉ số IQ từ trung bình trở lên. 

Tuy nhiên, vẫn có những trẻ tự kỉ thiên tài (có khả năng nổi bật về một lĩnh vực nào đó) chiếm từ 1 đến 2%. Nhà vật lý Isaac Newton (Anh), nhà vật lý Albert Einstein (Mỹ), nhà soạn nhạc Ludwig van Beethoven (Đức), nhà văn George Orwell (Anh), thiên tài âm nhạc Mozart (Áo), nhà văn Hans Christian Andersen (Đan Mạch) là những tài năng có một số biểu hiện của chứng tự kỉ.

Quan niệm 7: Trẻ tự kỉ không nói, không giao tiếp bằng mắt được

 

Sự thật:

Khoảng từ 40 đến 50% trẻ em tự kỷ hầu như không hoặc không có ngôn ngữ; trường hợp này thường là thiểu năng trí tuệ nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu trẻ tự kỷ được phát hiện sớm và được trị liệu ngôn ngữ tập trung, thì có đến 3/4 trẻ tự kỷ sẽ nói được.

Rất nhiều trẻ tự kỷ có giao tiếp mắt. Có thể là ít hơn hoặc khác so với những đứa trẻ bình thường, nhưng chúng có nhìn vào mắt những người đối diện, cười, và thể hiện rất nhiều những giao tiếp không lời khác.

Theo PNVN

TIN LIÊN QUAN
 

Tin mới