8X Nghệ An tiếc nuối từ chối đơn hàng xuất khẩu rơm tiền tỷ

8X Nghệ An tiếc nuối từ chối đơn hàng xuất khẩu rơm tiền tỷ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Mặc dù có nhiều đơn hàng xuất khẩu rơm sang Hàn Quốc, Nhật Bản song 8X Nghệ An đành từ chối vì chưa đáp ứng đủ sản lượng…
Vụ xuân này, đội thu gom rơm gồm 4 tổ, 22 người của Hoàng Văn Anh cuộn rơm khắp đồng ruộng Nghệ An và các tỉnh phía Bắc. Ảnh: T.P

Vụ xuân này, đội thu gom rơm gồm 4 tổ, 22 người của Hoàng Văn Anh cuộn rơm khắp đồng ruộng Nghệ An và các tỉnh phía Bắc. Ảnh: T.P

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở xóm Khoa Đà (xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên), từ nhỏ, Hoàng Văn Anh đã sớm lăn lộn với việc đồng áng. Lập gia đình, tìm kế sinh nhai khác để “ly nông”, anh Anh đã làm đủ nghề để mưu sinh. Đến năm 2011, thấy người dân quê, sau mỗi vụ gặt, rơm khô lại đốt thành tro để “dọn đồng” cho vụ gieo cấy khác. Việc “đốt đồng” khiến đất chai cứng, thoái hoá, ô nhiễm môi trường, nhiều trang trại chăn nuôi thiếu thức ăn cho gia súc, phải mua rơm giá đắt ở tận các tỉnh miền Nam.

Từ đó, anh Anh nảy ra ý tưởng gom rơm để bán. “Ban đầu, hai vợ chồng hai chiếc cào sắt, đi gom từng xe bò lốp về phơi khô, xây thành từng cây rơm, đến mùa Đông, đem bán cho những hộ chăn nuôi ở Nghi Đức, Nghi Ân. Xong vụ thu gom đầu tiên ấy, tiền bán rơm, em mua được một chiếc xe máy. Những mùa vụ sau, mỗi vụ bỏ túi vài chục triệu đồng”, anh Anh nhớ lại.

Rơm được gom thành từng cuộn và bán cho các trang trại chăn nuôi. Ảnh: T.P

Rơm được gom thành từng cuộn và bán cho các trang trại chăn nuôi. Ảnh: T.P

Nhận thấy đây là nghề làm ăn có thể gắn bó lâu dài, năm 2013, anh Anh khăn gói vào các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long xem cách họ gom rơm, trữ rơm, bán rơm. Sau hơn nửa tháng “nằm vùng” học lỏm kinh nghiệm, anh Anh dốc toàn bộ số tiền tích trữ được mua một máy cuộn rơm với giá hơn 100 triệu đồng và hành nghề gom rơm. Ban đầu chỉ là những cánh đồng làng, sau đi gom ở ruộng các huyện trong tỉnh, mỗi vụ trừ chi phí cũng có thu nhập cả trăm triệu đồng.

“Năm 2016, tôi dồn tiền mua xe tải lớn, xe tải nhỏ, mua thêm máy cuộn rơm, dây chuyền sấy để tăng năng suất, mở rộng quy mô, đáp ứng nhu cầu thị trường. Vụ xuân 2023 này, 4 máy cuộn rơm và 22 công nhân của tôi làm liên tục từ đầu tháng Tư đến nay. Hết đồng miền Trung Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Ngãi về Nghệ An. Sang tháng, chúng tôi sẽ di chuyển ra Ninh Bình, Hải Dương… ở đâu có ruộng, có rơm thì chúng tôi thu gom ở đó. Xoay vòng, hết vụ mùa sang vụ hè thu, mỗi năm công việc thu gom rơm kéo dài từ 6-7 tháng”, anh Hoàng Văn Anh cho biết.

Mỗi lao động làm nghề thu gom rơm được trả công từ 700.000 đồng - 1,5 triệu đồng/ngày (tuỳ công việc). Ảnh: T.P

Mỗi lao động làm nghề thu gom rơm được trả công từ 700.000 đồng - 1,5 triệu đồng/ngày (tuỳ công việc). Ảnh: T.P

Theo tính toán, mỗi vụ thu hoạch, đội thu gom rơm của anh Anh thu về hàng nghìn tấn rơm. Công nhân được trả với mức lương từ 700.000-1,5 triệu đồng/ngày (tuỳ công việc), trừ chi phí nhân công, xăng xe, hao mòn máy móc, anh Anh cũng thu về từ 400-500 triệu đồng/vụ.

“Mỗi bó rơm nặng từ 18 - 20kg, giá bán ngay từ 20.000 - 25.000 đồng, sấy khô có giá từ 40.000 đồng/cuộn. Rơm sau khi phơi sấy, đóng thành từng khối sẽ xuất đi các trang trại chăn nuôi trong tỉnh Nghệ An hoặc vận chuyển ra một số tỉnh phía Bắc như: Hải Dương, Mộc Châu (Sơn La)... Thị trường thức ăn chăn nuôi rộng, nhu cầu sử dụng rơm để chăn nuôi, trồng nấm, làm phân hữu cơ, tấp tủ cho cây trồng lớn nên gom bao nhiêu xuất đi bấy nhiêu, không bao giờ ế hàng.

Kho rơm sau khi đã sấy khô của anh Hoàng Văn Anh. Ảnh: T.P

Kho rơm sau khi đã sấy khô của anh Hoàng Văn Anh. Ảnh: T.P

Hiện tại, đã có nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu rơm sang các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand với số lượng lên đến hàng trăm nghìn tấn với giá trị lên đến hàng tỷ đồng song do nguồn rơm hiện tại không nhiều, không đủ cung ứng cho thị trường trong nước nên đành phải từ chối”, anh Hoàng Văn Anh chia sẻ.

Hiện tại, anh Anh đang đầu tư máy ép đóng rơm để dự trữ rơm khô, nâng giá thành và giá trị sản phẩm. Theo anh Anh, vào rộ mùa, giá rơm rẻ hơn nhưng vào thời điểm mùa Đông giá rét, nhu cầu thức ăn gia súc tăng cao, trong khi thức ăn xanh khan hiếm nên giá rơm tăng vượt bậc. Mỗi cuộn có khi lên đến 60.000-70.000 đồng. Do đó, sấy khô, ép rơm thành khối dự trữ trong các nhà kho sẽ là phương án nhằm nâng cao giá trị của rơm.

Rơm sau khi sấy, nén được bán cho các trang trại chăn nuôi, trồng trọt. Ảnh: T.P

Rơm sau khi sấy, nén được bán cho các trang trại chăn nuôi, trồng trọt. Ảnh: T.P

Khi hỏi về vấn đề đưa rơm thành sản phẩm xuất khẩu, 8X Hoàng Văn Anh cho biết: “Đó là hướng đi mà tôi đang hướng tới. Tuy nhiên, phải đầu tư thêm máy móc, liên hệ, kết nối với các vùng đồng để tạo nguồn nguyên liệu ổn định thì mới đảm bảo sản lượng để xuất khẩu. Giờ đây, rơm không còn là phụ phẩm, phế phẩm nữa mà là hàng hoá có giá trị nếu biết khai thác tốt từ thị trường”.

Quy trình thu gom và cuộn rơm. Clip: Thanh Phúc

Tin mới