9 điều phụ huynh nên làm để giúp trẻ kiên cường hơn trong năm mới

Thay vì kiểm soát, phụ huynh nên lùi lại một chút, hỗ trợ trẻ khi cần, dạy trẻ tự khích lệ bản thân và đồng cảm với chúng.

Có một suy nghĩ phổ biến ở phụ huynh là thất bại sẽ xây dựng khả năng phục hồi. Nhưng khi trẻ thất bại hết lần này đến lần khác và không có sự hỗ trợ để tiếp tục cố gắng thì những gì chúng học được chỉ là thất bại. Để con kiên cường vượt qua, bạn có thể làm theo những gợi ý dưới đây từ chuyên gia của Motherly.

1. Dừng kiểm soát và bắt đầu hỗ trợ

Là bố mẹ, bạn cần hỗ trợ để trẻ có thể phát triển các kỹ năng. Làm mọi thứ cho con đồng nghĩa với việc bạn đã cướp của chúng cơ hội trở thành người có năng lực. Thay vào đó, hãy dần từ bỏ nhu cầu kiểm soát và bắt đầu hỗ trợ, làm cùng con khi cần để giúp chúng xây dựng sự tự tin.

2. Hãy nhớ rằng sự hoàn hảo không phải là mục tiêu

Đừng bắt con phải hoàn hảo mà hãy nhìn vào những điểm chưa tốt của chúng để hỗ trợ cải thiện. Việc bạn can thiệp và bắt ép con phải hoàn hảo sẽ làm suy yếu sự tự tin của chúng.

9 điều phụ huynh nên làm để giúp trẻ kiên cường hơn trong năm mới ảnh 1

Ảnh: Mum Central

3. Hãy lùi lại một chút và để con tự làm điều gì đó từ khi còn nhỏ

Không phải lúc nào bạn cũng đứng cạnh con để giúp đỡ mà đôi khi phải biết lùi lại một chút. Việc lo lắng cho con khi chúng trèo lên một thứ gì đó ở sân chơi có thể khiến bạn cảm thấy tốt hơn và giúp gây ấn tượng với các bậc cha mẹ khác vì sự chu đáo của bạn, nhưng nó sẽ không giúp gì cho con. Thực tế, việc làm của bạn đang giới hạn chúng.

Thay vào đó, hãy quan sát cách con cố gắng giữ an toàn, đứng sau và nở nụ cười tự hào. Khi chúng gặp khó khăn nhưng bạn cảm thấy vẫn có thể vượt qua, hãy động viên chúng bằng những lời nói như "Mẹ biết con có thể làm được". Nếu chẳng may trẻ ngã, hãy chạy tới và đỡ lên để chúng vẫn cảm nhận được sự yêu thương và quan tâm.

4. Đừng chủ động đẩy con đến gần sự thất bại

Việc ngăn cản con tham gia vào một thử thách nào đó là ngăn chúng học những bài học quan trọng. Nhưng khi trẻ nhìn thấy bố mẹ đứng bên cạnh và để chúng thất bại thì chúng có thể cảm thấy không được yêu thương. Vì vậy, nếu chắc chắn thử thách là quá sức nhiều lần so với con, hãy cân nhắc kỹ.

5. Khuyến khích và dạy trẻ tự khích lệ bản thân

Việc khuyến khích trẻ sẽ giúp chúng cảm thấy tích cực và có động lực hơn, từ đó biết tự khích lệ bản thân. Bạn cũng thể cho con một số "câu thần chú" để chúng có thể tự nhắc mình mỗi khi gặp khó khăn, như: "Thực hành giúp tiến bộ" và "Nếu không thành công, hãy thử lại", hay "Mình nghĩ rằng mình có thể, mình có thể".

6. Hãy mô tả và đồng cảm thay vì đánh giá chung chung

Bạn thường dành lời khen "Làm tốt lắm" khi đánh giá kết quả hành động của con. Thực tế, nó không cung cấp cho trẻ nhiều thông tin về những gì đã làm tốt hoặc tại sao bạn nghĩ nó tốt. Vì vậy, hãy điều chỉnh lời khen ngợi, giúp con nhận ra điểm mạnh, điểm yếu để cải thiện và trở nên tốt hơn, đồng thời giúp chúng có thể tự đánh giá. 

Bên cạnh đó, bạn cũng nên tỏ ra đồng cảm với những gì con cảm nhận được. Lồng ghép sự đồng cảm đó với những lời khuyến khích, bạn sẽ giúp chúng kiên cường để vượt qua thử thách hơn.

7. Tập trung vào nỗ lực chứ không phải kết quả

Việc dành lời khen cho trẻ là cần thiết. Tuy nhiên, thay vì khen con "giỏi quá", "thông minh quá", bạn nên đưa ra phản hồi tích cực về sự chăm chỉ và kiên trì của chúng. Đó mới là những điều trẻ có thể kiểm soát và phát huy được.

Đặc biệt, bạn cần hiểu rằng vấn đề không nằm ở sản phẩm. Bạn chắc chắn không muốn con mình nghỉ ngơi trên vòng nguyệt quế của chúng năm 6 hay 16 tuổi. Mục tiêu của bạn là để con tiếp tục cố gắng, luyện tập, cải thiện và giúp chúng hiểu rằng khi làm việc chăm chỉ sẽ hoàn thành mọi mục tiêu.

8. Đừng khiến trẻ thêm bực bội

Không có lợi ích gì khi thiết lập cho trẻ thêm sự thất vọng hoặc trải nghiệm tiêu cực. Trên thực tế, chúng sẽ thấy việc bạn làm là bằng chứng cho sự thiếu quan tâm. Vì vậy, bạn không nên làm gì khiến trẻ thêm bực bội, hãy để các thử thách diễn ra theo cách tự nhiên.

9. Khẳng định khả năng của con

Cuối cùng, những đứa trẻ cũng sẽ lớn lên và sống cuộc sống của chúng mà không có bố mẹ ở bên. Vì vậy, bạn đừng quá lo lắng để rồi kiểm soát con suốt quãng thời gian chúng còn nhỏ. Ngược lại, hãy tạo điều kiện, cơ hội để con nhìn ra khả năng của mình, từ đó có thêm tự tin, sự kiên cường trong tương lai.

Tin mới