9 sự kiện chính trị - kinh tế - xã hội nổi bật năm 2018

Tổng Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước, xuất siêu lập kỷ lục, Tổng cục trưởng Cảnh sát bị vạch tội... là những sự kiện gây chú ý nhất năm 2018.

Tổng Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước

Ngày 23/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước với tỷ lệ tán thành 99,79%. Trong bối cảnh Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời cách đó 1 tháng, sự kiện này được giải thích "không phải chủ trương nhất thể hóa" mà là "tình huống Việt Nam khuyết chức danh".

9 sự kiện chính trị - kinh tế - xã hội nổi bật năm 2018 ảnh 1

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ trước Quốc hội. Ảnh: TTXVN.

Như vậy, lần đầu tiên sau 32 năm Việt Nam có người đứng đầu Đảng đồng thời đứng đầu Nhà nước. Tính từ năm 1945, có hai người giữ chức vụ cao nhất trong Đảng từng đảm nhận chức danh đứng đầu Nhà nước là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh.

Mô hình lãnh đạo Đảng đứng đầu Nhà nước được cho là tạo thuận lợi trong đối ngoại và triển khai các quyết sách phát triển đất nước. Nhiều lãnh đạo đương nhiệm và chuyên gia ủng hộ Việt Nam thể chế hóa mô hình này. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng thuộc về Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Đại hội XIII, dự kiến tổ chức vào quý I năm 2021.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần

Ngày 21/9, Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời ở tuổi 62 vì bệnh hiểm nghèo, khi ông mới trải qua nửa nhiệm kỳ Chủ tịch nước. Sức khỏe ông chuyển xấu trong thời gian rất ngắn. Chỉ ít ngày trước, ông vẫn chủ trì hàng loạt hoạt động đối nội, đối ngoại của quốc gia.

Sự ra đi đột ngột của Chủ tịch nước khiến phiên khai mạc Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV một tháng sau đó thiếu vắng 1 trong 4 chức danh lãnh đạo cao nhất của Việt Nam.

9 sự kiện chính trị - kinh tế - xã hội nổi bật năm 2018 ảnh 2

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thả chim phóng sinh tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) ngày 21/5 (15/4 âm lịch). Ảnh: Ngọc Thành.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát hiện bệnh vào tháng 7/2017 và đã trải qua nhiều lần điều trị tại Nhật Bản. Dù vậy, ông thường xuất hiện trước công chúng trong nhiều hoạt động dày đặc. Tình trạng bệnh của ông không được công bố cho đến ngày ông qua đời.

Cũng trong năm 2018, Việt Nam có hai lễ quốc tang khác tiễn đưa nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Quốc hội hoãn thông qua Luật Đặc khu

Dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (Luật Đặc khu) được thảo luận và dự kiến thông qua vào tháng 5/2018.

Được thai nghén hơn 10 năm trước, dự thảo Luật Đặc khu lần đầu trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2017, nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp và đường lối của Đảng về việc xây dựng một số đặc khu có thể chế vượt trội, tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới.

Với 6 chương, 85 điều, dự luật tạo hành lang pháp lý cho ba đặc khu gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang). Trong đó, các điều khoản ưu đãi thuế và thời hạn cho thuê đất tối đa 99 năm (quy định hiện hành 70 năm) đã dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều.

Những người phản đối lo ngại thời hạn thuê đất quá dài gây nguy cơ mất kiểm soát về an ninh, quốc phòng; là cơ chế không cần thiết khi ngành, nghề kinh doanh biến động liên tục trong tương lai.

9 sự kiện chính trị - kinh tế - xã hội nổi bật năm 2018 ảnh 3

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại kỳ họp Quốc hội tháng 5/2018. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị chủ trì xây dựng dự án Luật Đặc khu. Ảnh: Hoàng Phong.

Tiếp thu các ý kiến, Thủ tướng khẳng định sẽ điều chỉnh luật theo hướng rút ngắn thời hạn cho thuê đất. Ngày 9/6, Chính phủ đề nghị Quốc hội lùi thời gian thông qua Luật. Tuy nhiên, nhiều người dân tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Thuận, Khánh Hòa... vẫn xuống đường phản đối. Nhiều vụ gây rối, tấn công người thi hành công vụ, đập phá trụ sở cơ quan công quyền xảy ra khiến hàng chục người bị khởi tố.

Ngày 11/6, Quốc hội quyết định hoãn thông qua Luật Đặc khu. Đánh giá về việc hàng trăm nghìn người dân tụ tập phản đối dự thảo luật này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đây là điều "đáng tiếc" do nhiều người "hiểu nhầm" và "ngộ nhận sự việc". Còn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói "sự thật đã bị xuyên tạc, lòng yêu nước bị lợi dụng".

Việt Nam gia nhập CPTPP

Ngày 12/11, Quốc hội khóa 14 thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Động thái này được doanh nghiệp trong và ngoài nước chờ đợi, giữa bối cảnh thương mại thế giới diễn biến phức tạp.

9 sự kiện chính trị - kinh tế - xã hội nổi bật năm 2018 ảnh 4

11 nước cam kết tham gia Hiệp định CPTPP. Ảnh: Reuters.

Hiệp định gồm 11 nước với tổng giá trị GDP khoảng 10.000 tỷ USD, tương đương 13% GDP toàn cầu.

Các chuyên gia cho rằng, CPTPP sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn về thị trường, ưu đãi, cơ cấu xuất khẩu và tiềm năng hội nhập. GDP và xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng lần lượt 1,32% và 4,04% đến năm 2035; số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000 - 26.000. Dù vậy, tham gia CPTPP cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam như thiết chế lao động, mua sắm công, quản lý doanh nghiệp Nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ...

CPTPP đã nhận được sự phê chuẩn của 7 nước thành viên và sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 12. Tiền thân của CPTPP là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sau khi Mỹ rút lui, các nước còn lại, dưới sự dẫn dắt của Nhật Bản đã cùng đàm phán và cho ra đời vào tháng 11/2017.

Gian lận điểm thi THPT quốc gia 

Ngày 11/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi THPT quốc gia 2018 của hơn 900.000 thí sinh. Điểm giỏi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình bất ngờ tăng vọt, trong khi đây đều là những tỉnh vốn có tỷ lệ học sinh bỏ học cao và tỷ lệ tốt nghiệp THPT thấp nhất cả nước.

Vào cuộc, Bộ Giáo dục và Bộ Công an phát hiện hàng trăm bài thi tự luận và trắc nghiệm đã bị sửa chữa, nâng điểm. Công an điều tra vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại ba tỉnh. 10 cán bộ ngành Giáo dục đã bị khởi tố.

Kể từ khi tổ chức thi THPT quốc gia năm 2015, đây là vụ gian lận đầu tiên được phát hiện. Đây cũng là vụ bê bối có quy mô lớn nhất, diễn ra trên nhiều tỉnh, thủ đoạn cao cấp, có sự tham gia của cán bộ, lãnh đạo ngành giáo dục địa phương. Hiện, sau hơn 4 tháng công an chưa đưa ra được kết luận.

Nhiều kẽ hở của kỳ thi THPT quốc gia được chỉ ra, từ khâu trông thi, chấm thi đến giám sát. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm, hứa sẽ điều chỉnh cả về kỹ thuật và nhân sự để đảm bảo kết quả thi chính xác.

Vì những ồn ào của kỳ thi, Quốc hội đã lùi thông qua Luật Giáo dục đến giữa năm 2019. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội cho thấy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có mức tín nhiệm thấp nhất trong 48 lãnh đạo được lấy phiếu.

Sai phạm nghiêm trọng tại Thủ Thiêm 

"Bản đồ quy hoạch 1/5000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) bị thất lạc", phát biểu của người phát ngôn UBND TP HCM trong cuộc họp báo đầu tháng 5 đã thổi bùng bức xúc vốn căng thẳng của hàng trăm người dân làng Thủ Thiêm. Bị cưỡng chế dù nhà không nằm trong quy hoạch, những người dân này đã "cắm lều" ra Trung ương khiếu kiện suốt 10 năm. Lãnh đạo cao nhất của TP đã liên tiếp tổ chức các cuộc đối thoại nhằm lắng nghe trực tiếp ý kiến của người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau đó giao Thanh tra Chính phủ làm rõ các khiếu nại ở Thủ Thiêm với tinh thần cương quyết sửa sai.

9 sự kiện chính trị - kinh tế - xã hội nổi bật năm 2018 ảnh 5

Người dân Thủ Thiêm trút uất hận hơn 10 năm trong cuộc tiếp xúc cử tri với lãnh đạo TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa.

Gần 4 tháng vào cuộc, đầu tháng 9, Thanh tra Chính phủ công bố: TP HCM, Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ có sai phạm. Trong đó, UBND thành phố qua các thời kỳ đã phá vỡ quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt năm 1996 (thu hồi 4,3 ha ngoài ranh; lấy đất tái định cư giao cho 51 doanh nghiệp làm dự án...).

TP HCM công khai xin lỗi người dân Thủ Thiêm, dồn toàn lực để khắc phục sai phạm. Hàng chục lãnh đạo thành phố bốn nhiệm kỳ bị kiểm điểm trách nhiệm.

TP HCM chọn bán đảo Thủ Thiêm là trung tâm mở rộng, kỳ vọng đẹp nhất Đông Nam Á. Khu đô thị mới được Thủ tướng phê duyệt năm 1996, nằm bên bờ Đông sông Sài Gòn, cách quận 1 khoảng 300 m đường chim bay. Để thực hiện "siêu dự án", thành phố đã huy động gần 30.000 tỷ đồng để bồi thường, tái định cư; 15.000 hộ dân bị giải tỏa trắng... nhưng hiện khu đô thị vẫn chưa thành hình, nhiều nơi còn bỏ hoang.

Xuất siêu kỷ lục

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước 11 tháng từ đầu năm đạt hơn 440 tỷ USD.  Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng gần 52 tỷ USD so với cùng kỳ 2017.

Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thể vượt qua khối có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong cán cân thương mại, khi chỉ đạt hơn 151 tỷ USD, còn khối FDI trên 288 tỷ USD.

Mục tiêu từ đầu năm, xuất khẩu tăng trưởng 10%, nhập siêu dưới 3%. Với những gì đạt được trong 11 tháng, cán cân thương mại đã lội ngược dòng, tiếp tục thặng dư. Tính chung, Việt Nam ghi nhận xuất siêu hơn 7,4 tỷ USD, gấp 2,5 lần số liệu xuất siêu 2,92 tỷ USD năm 2017 và cao nhất trong 10 năm qua. Dự báo, xuất siêu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong tháng 12, có thể tiến sát mốc hai con số. 

Đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu năm nay, điện thoại các loại và linh kiện tăng 4,8 tỷ USD, hàng dệt may tăng 4 tỷ USD; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng gần 3,8 tỷ USD.

Kết thúc tháng 11/2018, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với các châu lục đều tăng so với cùng kỳ năm 2017, trong đó tăng mạnh nhất là Châu Đại Dương (tăng 18%) tiếp theo là châu Mỹ (tăng 14,8%).

Tổng cục trưởng Cảnh sát bị vạch tội

105 ngày điều tra kẻ lừa đảo chiếm đoạt 110 thẻ cào điện thoại, Công an tỉnh Phú Thọ bất ngờ lần ra mạng lưới đánh bạc trực tuyến núp bóng game bài có quy mô lớn nhất nước với hơn 14 triệu người tham gia, doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng chỉ trong hơn 2 năm hoạt động.

Không chỉ vậy, công ty phát hành game có văn phòng ngay tại trụ sở Tổng cục Cảnh sát, là doanh nghiệp bình phong của công an với cam kết chia 20% lợi nhuận cho Tổng cục Cảnh sát.

Vụ án trở thành tâm điểm, phá tan nghi ngờ về "vùng cấm" trong điều tra khi Công an tỉnh Phú Thọ lần ra người chống lưng, dung túng cho hoạt động đánh bạc trái phép là ông Phan Văn Vĩnh, đương chức Tổng cục trưởng Cảnh sát và ông Nguyễn Thanh Hóa, Cục trưởng Phòng chống tội phạm công nghệ cao. 

9 sự kiện chính trị - kinh tế - xã hội nổi bật năm 2018 ảnh 6

Ngày hầu tòa cùng 90 bị cáo tại TAND tỉnh Phú Thọ trong tháng 11, hai cựu tướng công an dù ân hận, thấy có lỗi với nhân dân song đã phải nhận bản án nặng hơn cả mức án đề nghị của Viện Kiểm sát, lần lượt 9 và 10 năm tù. Vụ án khép lại khi chưa giải mã được có hay không việc hàng chục tỷ đồng đã được doanh nghiệp chi hối lộ, song giai đoạn hai đã mở ra và cơ quan điều tra quyết tâm làm rõ dù còn nhiều trở ngại.

GDP ước đạt cao nhất 10 năm qua

"GDP năm 2018 ước đạt 7%, mức cao nhất 10 năm kể từ khủng hoảng kinh tế 2008", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2018 (VBF 2018) diễn ra đầu tháng 12.

Xét về quy mô nền kinh tế, con số ước đạt là 5,5 triệu tỷ đồng (khoảng 240 tỷ USD). Tổng kim ngạch thương mại Việt Nam hiện tương đương 200% quy mô nền kinh tế, thu hút vốn FDI đạt hơn 30 tỷ USD.

Với dữ liệu này, mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu đề ra là 6,7%. 

Trước kết quả kinh tế khả quan của Việt Nam, nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 6,8%, so với mức 6,5% hồi đầu năm, giữa bối cảnh thế giới đang có những biến chuyển mới về địa chính trị, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết và kinh tế Việt Nam được đánh giá sẽ chịu tác động ít nhiều.

Tin tưởng tăng trưởng của Việt Nam "thậm chí có thể cao hơn 6,8%", ông Ousman Dione - Giám đốc quốc gia của WB Việt Nam nhận xét nền kinh tế Việt Nam có tính chịu đựng cao với cú sốc bên ngoài, nhưng trong xu hướng thế giới diễn biến phức tạp, Việt Nam cần chuẩn bị nội - ngoại lực để có khả năng ứng phó với những cú sốc toàn cầu.

Tin mới