Á khoa khối C toàn quốc xuất sắc đạt điểm 10 môn Địa lý và Lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Thời gian ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2022 là một trải nghiệm đáng nhớ, một cơ hội để Phạm Thị Trà Mi thử thách bản thân. Và em đã xuất sắc giành ngôi Á khoa khối C toàn quốc với 2 điểm 10 môn Địa lý và môn Lịch sử, điểm 9,5 môn Ngữ văn.

3 tháng "nước rút"

3 năm theo học lớp chuyên Địa – Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Phạm Thị Trà Mi luôn được giáo viên chủ nhiệm và các thầy cô trong đội bồi dưỡng học sinh giỏi đánh giá cao. Lớp 12, Trà Mi giành giải Nhất môn Địa lý trong Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và em cũng là thí sinh được chọn vào đội tuyển của trường tham dự Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia.

Tuy vậy, ngày nhận kết quả, điều Trà Mi không nghĩ tới là em trượt Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia với một điểm số thấp hơn nhiều so với tưởng tượng. Kết quả này khiến Mi hụt hẫng, buồn bã, trăn trở về tương lai của chính mình, nhất là khi thời điểm Mi nhận kết quả từ cuộc thi này đã là tháng 3 và từ đó đến khi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 chính thức diễn ra, Mi chỉ còn hơn 3 tháng ôn luyện.

Thấy thời gian đã “đuổi” sau lưng, Mi không cho mình buồn bã quá lâu mà ngay sau đó em đã lên kế hoạch để ôn thi cho kỳ thi quan trọng nhất của học sinh phổ thông.

Phạm Thị Trà Mi là học sinh lớp 12C3 - Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: PV

Phạm Thị Trà Mi là học sinh lớp 12C3 - Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: PV

Đây cũng là kỳ thi mà Mi xác định dùng kết quả để xét tuyển vào các trường đại học. Để chuẩn bị, ngoài ba môn chính để xét tuyển khối C là Lịch sử, Ngữ văn và Địa lý, Mi cũng phải dành nhiều thời gian để ôn các môn Toán, Ngoại ngữ và Giáo dục công dân. Nhiều môn học, Mi tự nhận đã có thời gian xao nhãng vì tập trung ôn đội tuyển thi Quốc gia.

Hành trình ôn thi của nữ sinh trường chuyên thực sự không dễ dàng. Trong đó, môn học khó nhất với em là Lịch sử. Chia sẻ về điều này, Mi cho biết: Như nhiều học sinh khác, khi bắt đầu với môn Lịch sử, chúng em gặp khó khăn vì đây là môn học có rất nhiều sự kiện, nhiều số liệu và điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng bài làm của em. Thời gian đầu khi mới ôn thi, điểm của em thường chỉ đạt từ 6 - 7 điểm và em thực sự hoang mang.

Phạm Thị Trà Mi từng tham dự Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia nhưng không đạt được kết quả như mong đợi. Ảnh: PV

Phạm Thị Trà Mi từng tham dự Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia nhưng không đạt được kết quả như mong đợi. Ảnh: PV

Để ôn thi môn Lịch sử, em nhờ thầy, cô giáo và các bạn chia sẻ kinh nghiệm, thay đổi cách học, không học thuộc và ghi nhớ máy móc, mà học theo sơ đồ tư duy, tổng hợp các mốc và liên kết với các môn học khác để dễ nhớ, dễ hiểu.

Khi đã nắm vững kiến thức cơ bản, em bắt đầu học phương pháp làm bài và kiên trì luyện đề. Em thấy phương pháp học Lịch sử được cô giáo truyền dạy, hướng dẫn rất hiệu quả, đó là phương pháp loại trừ để giải những câu thuộc mức độ vận dụng, vận dụng cao. Ví dụ, nếu còn băn khoăn về đáp án thì thay vì chọn đáp án đúng, ta sẽ phân tích các đáp án sai, nếu đáp án nào không tìm ra được lỗi sai thì đó chính là đáp án đúng.

Em Phạm Thị Trà Mi chia sẻ

Mi cũng cho biết bản thân khá vất vả khi học môn Ngữ văn bởi phần kiến thức lớp 12 khá rộng, ngoài ra còn đòi hỏi các kỹ năng về nhận biết, hành văn… "Khi chỉ còn thời gian 3 tháng, em không thể học thuộc tất cả các bài văn một cách hoàn chỉnh. Thay vào đó, em học thuộc các ý và triển khai mạch viết theo cảm xúc. Em cũng đọc rất nhiều sách tham khảo và đọc các bài văn hay của các anh chị đi trước để có thể rút kinh nghiệm và vận dụng một số câu viết hay vào trong bài văn của mình", Trà Mi nói thêm.

Á khoa khối C toàn quốc dành 3 tháng để ôn thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: PV

Á khoa khối C toàn quốc dành 3 tháng để ôn thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: PV

Ở đề thi năm nay, Mi tâm đắc với câu hỏi về “trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước”, dành khá nhiều thời gian để trình bày suy nghĩ của mình. Cá nhân em cho rằng, thế hệ trẻ ngày nay, để tiếp bước cha ông đi trước thì trước tiên phải hoàn thiện bản thân, phải biết ưu, nhược điểm của mình để tự khắc phục. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ phải biết phát huy truyền thống cha ông, tích cực tham gia các hoạt động, liên kết cộng đồng.

Á khoa khối C toàn quốc là một nữ sinh hiền lành, chăm chỉ. Ảnh: MH

Á khoa khối C toàn quốc là một nữ sinh hiền lành, chăm chỉ. Ảnh: MH

Những điểm 10 thuyết phục

Ngoài chuẩn bị về mặt kiến thức, bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Mi thẳng thắn nhìn nhận hạn chế lớn nhất của bản thân là tâm lý, từ đó cố gắng giữ tâm lý vững vàng và vượt qua trở ngại “thất bại” từ các cuộc thi lớn trước đó.

Trong các môn thi của kỳ thi năm nay, môn Ngữ văn là môn thi đầu tiên và với nền kiến thức khá vững, Mi đã hoàn thành bài thi của mình khá xuất sắc. Đây cũng là tiền đề tốt để Mi hoàn thành các bài thi một cách thuận lợi.

Điều Mi vui nhất là bài thi tổ hợp môn Khoa học xã hội bởi ngay sau khi đọc đề em đã tin rằng mình có thể làm tốt “hơn dự kiến”: "Địa lý là lợi thế của em nên chỉ cần 20 phút em đã hoàn thành xong bài thi và dành hơn một nửa thời gian để khảo lại bài. Môn Lịch sử em cũng chỉ hoàn thành trong 30 phút. Trong quá trình làm bài, có một số đáp án em khá băn khoăn nhưng nhờ phương pháp loại trừ em đã tự tin hơn vào kết quả của mình".

Sự ôn tập miệt mài và khoa học đã giúp Mi có điểm số tốt tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: PV

Sự ôn tập miệt mài và khoa học đã giúp Mi có điểm số tốt tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: PV

Dù đã phần nào đoán được điểm số, tuy nhiên, khi nhận được kết quả chính thức với 10 điểm môn Lịch sử, 10 điểm môn Địa lý và 9,5 điểm môn Ngữ văn, cô bé vẫn ngỡ ngàng.

Với điểm số cao chót vót, Mi trở thành Á khoa khối C toàn quốc và đặc biệt hơn em cũng là thí sinh đạt Á khoa kỳ thi tốt nghiệp của tỉnh Nghệ An với 55,2 điểm.

Giữa tháng 7 này, Mi vừa được kết nạp Đảng tại Chi bộ Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: PV

Giữa tháng 7 này, Mi vừa được kết nạp Đảng tại Chi bộ Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: PV

Trải qua kỳ thi với nhiều cảm xúc, Mi cho biết, đây là trải nghiệm đáng quý và em thấy hạnh phúc bởi cuối cùng những cố gắng của mình đã nhận được kết quả xứng đáng.

Ngày nhận kết quả tốt nghiệp, Mi đồng thời nhận thêm nhiều niềm vui khi em có kết quả tuyển thẳng của 3 trường đại học, trong đó có nguyện vọng 1 là khoa Ngôn ngữ văn hóa Trung Quốc - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Ngoại giao và Đại học Hà Nội. Mi cũng vừa được kết nạp Đảng tại Chi bộ Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.

Lựa chọn ngành Ngôn ngữ văn hóa Trung Quốc, Mi sẽ đi theo con đường mà chị gái của mình đã truyền cảm hứng và định hướng. Em cũng xác định học thật tốt để sau này có điều kiện đi du học và theo đuổi ngành học yêu thích.

Hoàn cảnh khó khăn nhưng hai chị em Mi đều nỗ lực và giành kết quả cao trong học tập. Ảnh: PV

Hoàn cảnh khó khăn nhưng hai chị em Mi đều nỗ lực và giành kết quả cao trong học tập. Ảnh: PV

Trước đó, dù hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả, nhưng cả hai chị em Mi đều học giỏi và đều là học sinh lớp chuyên Địa lý của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Chị gái Mi cũng từng xuất sắc 2 năm liên tục giành giải Nhì tại cuộc thi học sinh giỏi Quốc gia môn Địa lý và hiện là sinh viên của Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.

Tin mới