A1 - Những ngày cuối, những người cuối cùng…

Ấy là một buổi sáng mà cậu bé Đạt được nghỉ học. Đạt nói, nghỉ cũng thích, mà cũng buồn. Lên lớp, thì Đạt còn bạn để mà đùa mà nghịch, chứ ở đây, bạn của Đạt bây giờ chỉ có Tôm (tên con chó mẹ) và 4 chú chó con mà Đạt nghĩ mãi chưa biết đặt tên này mà thôi. Đốm ư? Hay Khoang? Hay Tomy… Thật khó quá! Đạt đã nghĩ cả chục ngày nay rồi. Nhưng còn lâu hơn thế, khó dứt bỏ hơn thế là nỗi nhớ của Đạt. Đạt không chơi với nhiều bạn, nhưng thân nhất là có Dũng ở cùng trường Tiểu học Quang Trung với Đạt, nhà ở tầng trên nhưng bạn đã theo bố mẹ chuyển đến nơi ở mới rồi… Đạt cũng muốn đến nơi ở mới lắm, nhưng mỗi lần hỏi đến lại chạm phải ánh mắt đầy ưu tư của mẹ, chạm phải nỗi gắt gỏng của mẹ. Mẹ nói, làm gì có tiền để mà chuyển đi. Rồi lên đó, biết xoay xở làm sao mà tiếp tục sống…

Gia đình Đạt là một trong số ít ỏi những gia đình còn bám trụ lại nơi này, bám trụ lại với gần 20 mét vuông phòng ở, và quầy tạp hóa cải tạo nhô ra phía chợ xép nhà A1 Quang Trung. Đây cũng là nơi mà Đạt chào đời. Cái “thế giới” đầu tiên, sau khi rời bệnh viện về mà Đạt làm quen, chính là cái trần nhà thấp tè kia, bức tường ám bụi như thế chẳng khác gì hôm nay, với mùi nến đất, mùi bồ kết như muốn quánh đặc. Quầy tạp hóa của mẹ lần hồi nuôi Đạt lớn lên. Những bức tường tróc lở này, những xôn xao chợ búa này cũng theo Đạt lớn lên…

Đạt 10 tuổi, đã 10 năm sống ở căn nhà này, khu phố nhỏ bé với chủ yếu những người cùng cảnh khổ như bố mẹ mình, rất ít khi Đạt đi đâu quá dăm bữa. Nghèo đó, nhếch nhác, chật chội đó, nhưng Đạt vẫn yêu nó. Đạt quen với mùi hàng tạp hóa của mẹ, quen với con gà trống mỗi sáng cất lên tiếng gáy trên cái lồng chật chội trong bếp, quen tiếng con Tôm gầm gừ, Đạt nghe tiếng nó cũng biết nó gầm gừ vì lẽ gì. Khi thì vì người lạ đi ngang tắt, khi thì vì lũ chó nhỏ tranh vú mẹ, khi thì vì nó bị ai đó vô tình hắt nước từ tầng trên xuống, ướt hết cả lông… Đạt vẫn yêu cái góc học tập xíu xiu của mình mà mẹ Đạt phải cố gắng lắm mới sắp xếp nổi cho con trong căn phòng quá chật. Góc học thiếu ánh sáng, trên tường còn nguyên “dấu tích” những nét vẽ của Đạt từ thời bé tí ti, cả thời khóa biểu, cả những việc phải làm hàng ngày được Đạt nắn nót ghi chép và dán lên đó. Bức tường ấy, và có lẽ là tường của cả căn nhà này có lẽ hàng bao năm nay chưa một lần được sơn lại…

Bây giờ thì Đạt ngồi đó, trên nắp thùng xe đẩy, một tay ôm lũ chó con, đôi mắt hút nhìn lên dãy chung cư mới. Đạt mặc cho mẹ mình càu nhàu: “Suốt ngày chỉ ôm chó. Có lẽ thương chó hơn người”, Đạt luôn nghĩ mẹ mình chả biết nói lời âu yếm, lúc nào cũng cáu bẳn, tất bật, nhưng Đạt biết mẹ yêu mình nhất trên đời. Người phụ nữ truân chuyên, lỡ làng ấy 40 tuổi mới sinh con và cái tên con cũng là ước nguyện của cuộc đời mẹ. Nhưng, ở khu tập thể 88 căn với hơn 80 gia đình sinh sống này, có không ít người hoàn cảnh cũng tương tự như nhà Đạt. Người ở khu tập thể, phần lớn là cán bộ công chức nghèo, được phân nhà, nhà nào khá giả hơn đã chuyển đi, bán lại những căn hộ nhỏ bé này cho những gia đình như cha mẹ Đạt. Nhà nào không có điều kiện, thì ở lại đây đến tận ngày phải di dời. Ngẩng lên, nhìn xuống, cũng thấy giống nhau cả.

Chẳng hạn như nhà bà Tình, một trong những người gắn bó với khu chung cư này lâu nhất mà Đạt vẫn thường chạy qua quán bà ngó nghiêng. Bà cũng có một cái xe đẩy lưu động bán đủ mọi thứ từ muối, mì chính, lạc rang cho tới bánh chưng, giò…Nghe rằng bà từ nhà A4 chuyển về đây năm 1989, cũng là năm sinh của cô con gái duy nhất tên Hiền. Bà Tình từng là TNXP, là thương binh, sau chuyển công tác ở Tỉnh đoàn rồi được phân nhà ở đây. Bao năm, cũng chỉ có 2 mẹ con lần hồi nuôi nhau như vậy. Hiền, cũng như Đạt thôi, đã sinh ra, lớn lên tại đây với những vất vả đầy thân thuộc. Nhà chỉ 2 người, nên hơn chục mét vuông chật thì chật đấy nhưng cũng khéo sắp xếp hơn người khác. Bà Tình cất căn gác xép làm góc học tập cho con và để chăn màn, quần áo. Phía dưới kê giường, 2 mẹ con ngủ chung 28 năm nay. Khi thành phố có chủ trương di dời, bà Tình đăng ký căn nhà 55 mét vuông ở khu tái định cư. Nhà đã chuyển đi, nhưng cái sạp hàng nhỏ của bà nơi chợ xép thì vẫn còn đó.

Hết rồi cái cảnh bà đi vay từng bát gạo nhỏ để nuôi con những năm đầu chồng bà bỏ đi, hết rồi cái cảnh đứng chực chờ lấy nước, chực chờ đi vệ sinh, nhưng mà âm thanh những năm tháng ấy vẫn dội về trong tâm trí bà Tình. Đôi lúc, đứng bán hàng dưới chợ, bà lại thảng thốt nhìn lên ngỡ như mình vẫn còn căn nhà trên tầng đó, ngỡ như vẫn gặp đôi mắt trong veo của cô con gái tìm mẹ dưới lao xao chợ đời. Thế nhưng nỗi lo mới đã kịp chồng lên những nỗi lo chưa liền sẹo trong bà. Từ ngày chuyển, bà lại lo quắt mặt với khoản nợ ngân hàng 300 triệu đồng sau khi dọn về nơi tái định cư phải bù thêm. Bà nói, nếu không có cái chợ xép A1 này, bà biết trông cậy vào đâu, với đồng lương chưa đến 3 triệu cộng với tiền chế độ thương binh ít ỏi nữa. Từ gánh rau ngày đầu dăm ba người ngồi chợ (cách đây cũng trên 20 năm rồi), bà Tình đã “nâng cấp” được thành sạp hàng bán bánh kẹo, rồi sau đó là tạp hóa… Ngôi chợ này, từ dăm ba người lèo tèo ngày ấy giờ cũng có đến hàng trăm hộ buôn bán. Có nhiều người ở tận dưới các huyện lên chọn chợ xép này mưu sinh. Nhưng ở chợ này ai chả biết nhau, tường tận từng hoàn cảnh gia đình của nhau. Nên đi chợ không chỉ là mưu sinh, còn là niềm vui, là nơi gặp gỡ nữa…

Ngay sát bên bà Tình là bác Huệ (cũng cán bộ Tỉnh đoàn đã về nghỉ) bán xôi bắp. Bác Huệ cũng là cư dân nhà A1, có thâm niên ở căn nhà 17 mét vuông tới gần 25 năm. Cậu con trai duy nhất của vợ chồng bác cũng sinh ra, lớn lên ở đây, và giờ đang theo học Đại học Giao thông. Còn cái chú ngồi tưởng như nhàn rỗi kia nhưng thực ra đang nóng lòng chờ có người đến hỏi thuê để làm bất cứ việc gì tên Thanh, cũng là cư dân A1. Chú Thanh vẫn hay trêu Đạt khi ngang qua thấy cu cậu mải mê cưng nựng lũ chó con sau nhà. Chú Thanh và vợ ban đầu thuê nhà ở khu vực này gần 10 năm, rồi sau đó mua lại căn nhà số 408 từ năm 2013 đến nay. 2 đứa con nhỏ lần lượt chào đời tại khu chung cư cũ này. Gia đình chú Thanh là 1 trong những hộ chuyển ra nơi ở mới đầu tiên khi thành phố có chủ trương di dời. Đạt nhớ 2 đứa con trứng gà, trứng vịt lít nhít nhà chú Thanh mỗi sáng đưa đi mẫu giáo vẫn còn ngái ngủ khi qua cửa hàng nhà Đạt. Bây giờ, cái phía mà lũ trẻ hay về qua lại là bóng mấy bà đồng nát đang nhặt tìm những gì còn sót lại có thể khả dĩ bán được.

Tôi hỏi, Đạt có buồn không. Đạt không trả lời. Như thể câu hỏi của tôi quá là thừa thãi. Đạt kể, thi thoảng Đạt cũng cuồng chân, cũng muốn tìm một điều gì chẳng rõ nữa. Đạt chạy lên mấy căn gác tầng trên, ngó nghiêng vào những căn phòng đổ nát. Đạt thấy những bức tranh bị bỏ lại, chai lọ ngổn ngang. Thấy bên hành lang những cái chổi cũ nằm bẹp góc tường. Thấy cái xô mất quai đỏ chóe bên cái thềm mốc thếch. Đạt sững người khi thấy rơi ra những viên bi tròn xoe ngơ ngác như những đôi mắt trẻ từ một chiếc hộp giấy cũ nơi hành lang. Cậu bé nào, có thể là một trong số những đứa trẻ Đạt biết, đã bỏ quên lại một góc “thế giới đẹp đẽ” của mình nơi đây. Liệu rồi bạn ấy có quay lại vì những viên bi này không, Đạt thầm hỏi thế!

…Và cũng đến giờ trưa, nghe mẹ gọi, Đạt lưu luyến bế xuống khỏi lòng mình lũ chó con và câu chuyện tưởng như bất tận với chúng tôi. Đạt vào dọn bữa trưa cùng mẹ. Đạt đặt chảo tự rán lại phần bánh chưng trên chiếc bếp than đang đỏ lửa vì lúc đó lại có người gọi mẹ bán hàng, rồi dọn mâm bát. Bố mẹ bận dọn hàng, Đạt đói bụng được mẹ giục ăn cơm trước. Cậu bé thu lu một góc nhà ngồi nhai bánh chưng và dường như tiếc nuối khi chúng tôi chào về. Đạt nói, có thể lần sau chúng tôi đến, muốn tìm cậu thì hãy đến dãy nhà mới kia. Đạt sẽ chuyển về một căn phòng nào trên đó, rộng rãi, đẹp đẽ hơn nhiều. Nhưng mà, Đạt hỏi: Trên chung cư ấy, họ có cho nuôi chó không hả dì?

Bài: Thuỳ Vinh

Ảnh: Lê Thắng - Trung Hà

Thiết kế: Hà Giang

Kỹ thuật: Ngọc Quý