AGM-158B JASSM-ER khắc chế S-400 của Nga khi tấn công Syria như thế nào?

Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong cuộc không kích Syria ngày 14/4 của Mỹ là sự xuất hiện của tên lửa hành trình tầm xa AGM-158B JASSM-ER. Đây là mẫu tên lửa Mỹ chuyên dùng để khắc chế hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Tên lửa hành trình AGM-158B JASSM-ER phóng từ oanh tạc cơ chiến lược B-1.

Tên lửa hành trình AGM-158B JASSM-ER phóng từ oanh tạc cơ chiến lược B-1.

Trong cuộc không kích ngày 14/4, oanh tạc cơ chiến lược B-1B Lancer của Mỹ đã phóng 19 tên lửa hành trình tầm xa AGM-158B JASSM-ER vào cơ sở nghiên cứu khoa học gần thủ đô Damascus, Syria.

Theo chuyên gia quân sự Dave Majumdar, việc Mỹ sử dụng tên lửa hành trình phóng từ oanh tạc cơ chiến lược mang nhiều ý nghĩa, thay vì chỉ sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk.

Thứ nhất, Mỹ đang khẳng định bước phát triển quân sự mạnh mẽ, khi chuyển đổi chức năng của các oanh tạc cơ chiến lược như B-1, B-52 sang khả năng phóng tên lửa chiến thuật.

Trong môi trường tác chiến ngày nay, các oanh tạc cơ như B-1, B-52 không thể sống sót trước các hệ thống phòng không tối tân. Đó là lý chiếc B-1B đã bắt đầu thực hiện các sứ mệnh phóng tên lửa tầm xa.

Thứ hai, Nga duy trì lực lượng hùng hậu ở Syria, bao gồm cả các tổ hợp phòng không S-300, S-400 hiện đại nhất. Trong trường hợp hệ thống phòng không Nga hoặc Syria đáp trả, cách duy nhất để Mỹ tấn công mục tiêu từ các oanh tạc cơ là sử dụng AGM-158B JASSM-ER.

Tên lửa hành trình phóng từ oanh tạc cơ chiến lược

Các tên lửa JASSM được coi là khắc tinh của S-300, S-400.
Các tên lửa JASSM được coi là khắc tinh của S-300, S-400.

AGM-158B JASSM-ER là biến thể nâng cấp từ tên lửa hành trình tấn công tầm xa AGM-158 JASSM, vốn được đưa vào sản xuất từ năm 1998. Tên lửa chuyên được dùng để tấn công các mục tiêu quan trọng như sở chỉ huy, kho tàng chiến lược nằm sâu dưới lòng đất.

JASSM-ER sử dụng nguyên tắc "bắn và quên" và khả năng “miễn nhiễm” với các hệ thống gây nhiễu để có thể tiếp cận và tấn công cả mục tiêu trên biển. Một trong những cải tiến quan trọng nhất của tên lửa là có thể cập nhật các dữ liệu về mục tiêu trong suốt quá trình bay, giúp tăng đáng kể sự linh hoạt khi tấn công các mục tiêu tầm xa.

JASSM hoạt động nhờ hệ thống định vị toàn cầu GPS và hệ thống dẫn đường quán tính, để tự định vị mục tiêu quan trọng của đối phương trong suốt hành trình bay. Ở giai đoạn cuối, tên lửa sử dụng thiết bị dò hồng ngoại để phát hiện chính xác một mục tiêu cụ thể trước khi tiêu diệt.

Tên lửa có chiều dài 4,26 mét, đường kính 550mm, trọng lượng phóng 1.023kg, được trang bị đầu đạn xuyên phá nặng 432kg, tầm bắn tiêu chuẩn 370km. Phiên bản AGM-158B JASSM-ER nâng tầm bắn xa tới 1000km.

Dự án chế tạo AGM-158B JASSM lên tới 3 tỷ USD trong khi mỗi đạn tên lửa có giá 1,4 triệu USD.

Các tiêm kích hạm Mỹ cũng có thể được trang bị AGM-158B JASSM-ER.
Các tiêm kích hạm Mỹ cũng có thể được trang bị AGM-158B JASSM-ER.

Các oanh tạc cơ chiến lược B-1B, B-2 Spirit và B-52 chuyên dùng các tên lửa AGM-158B JASSM-ER trong các sứ mệnh tấn công phức tạp nhất. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể trang bị mẫu tên lửa hiện đại này cho các chiến đấu cơ F-15E, F-16, F/A-18 và F-35 cất cánh trên tàu sân bay.

Khắc tinh của S-300, S-400

Sự phát triển của các hệ thống vũ khí hiện đại giống như cuộc chạy đua theo chiều hướng khắc chế lẫn nhau. Xe tăng ra đời, dẫn đến sự phát triển của vũ khí chống tăng, máy bay xuất hiện dẫn đến sự ra đời tên lửa phòng không.

Khi vũ khí phòng không chiếm ưu thế so với máy bay, Mỹ đã bắt tay vào phát triển loại vũ khí tương xứng, và đó là lý do phiên bản AGM-154 JSOW đầu tiên ra đời.

AGM-154 khi đó chỉ là bom lượn thông minh có tầm hoạt động tối đa khoảng 130 km khi thả ở độ cao lớn.

Khi Nga nâng cấp tầm bắn của tổ hợp S-300 lên lên tới 200 km, Mỹ cũng cho ra mắt phát AGM-158 JASSM.

JASSM hiện là tên lửa hành trình được tích hợp những công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay. So với AGM-154, AGM-158 trở thành một tên lửa hành trình tấn công mặt đất, chứ không chỉ đơn thuần là bom thông minh.

Thân tên lửa được thiết kế với khả năng tàng hình, cho phép xâm nhập các khu vực có mạng lưới phòng không dày đặc.

Với tầm bắn tiêu chuẩn 370 km, tên lửa vượt xa khả năng đánh chặn của hệ thống phòng không S-300 do Nga sản xuất. Ở phiên bản AGM-158B JASSM-ER, tầm bắn của tên lửa mở rộng tới 1.000km, vượt phạm vi đánh chặn của tổ hợp S-400 (400km).

Điều đó có nghĩa là các hệ thống phòng không Nga sẽ rơi vào tình trạng thụ động, không thể đánh chặn các oanh tạc cơ trước khi chúng phóng tên lửa.

Oanh tạc cơ chiến lược có thể phóng tên lửa mồi để dụ S-400 kích hoạt, sau đó mới tung ra JASSM-ER, khiến thứ vũ khí này trở thành một trong những tên lửa diệt hệ thống phòng không Nga hiệu quả nhất.

Không chỉ dừng lại ở khả năng khắc chế hệ thống phòng không Nga, JASSM-ER cũng giúp hải quân Mỹ chiếm ưu thế ở mặt trận Thái Bình Dương.

Tên lửa này giúp Mỹ đối trọng với các tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21D hay DF-26 mà Trung Quốc đã đưa vào trực chiến. Đó là lý do Mỹ trang bị thêm JASSM-ER cho các tiêm kích hạm F-16, F/A-18, khi phải đối mặt với các tên lửa Trung Quốc.

Tin mới