“Ai cho em mùa xuân?”

Xin được mượn lời một câu hát trong tác phẩm âm nhạc “Câu chuyện nhỏ của tôi” của Nhạc sỹ Thanh Tùng để mở đầu cho bài viết này. Ừ nhỉ, ai cho em mùa xuân? Câu hỏi đơn giản thế mà bao năm rồi vẫn còn mới lạ. Khi những dòng cảm xúc mộc mạc vụng về của tôi đến tay bạn đọc thì chắc năm mới chỉ cách chúng ta chừng vài tuần. Có lẽ cả gần 8 tỷ người trên hành tinh đều đang đếm lùi thời gian để tiễn đưa những tờ lịch cuối cùng của năm cũ nhọc nhằn về với quá khứ. Hàng tỷ năm rồi, mùa xuân chưa một lần lỡ hẹn.

Hình như bản tin thời tiết vừa cảnh báo về một đợt không khí lạnh cực mạnh đang tràn xuống các tỉnh phía Bắc. Mùa Đông bao giờ cũng chở những câu hỏi đầy tâm trạng về cả những gì đã đi qua và cả những gì đang phía trước. Có lẽ trong tương lai các nhà nghiên cứu còn phải tốn nhiều giấy mực để bàn về năm 2020, năm mà từ khóa “khẩu trang” và thuật ngữ “Giãn cách xã hội” trở thành nỗi kinh hoàng cho nhân loại. Năm của hàng loạt chỉ số âm trên bản đồ kinh tế và dày đặc những dấu trừ trước các thống kê xã hội. Năm mà nhân loại như bật thức sau khi bị dồn nén đến sát chân tường. Covid-19 làm kiệt quệ kinh tế toàn cầu, Covid-19 cắt nát mọi kết nối, Covid-19 phá sản mọi kế hoạch cũng như dự báo tăng trưởng đó. Và người đàn ông được coi là an toàn nhất thế giới, Tổng thống Hoa Kỳ, ngài Donald Trump cũng đã chính thức nhập viện bởi chính loại virus này. Loại virus mà trước đó chính ông cũng lầm tưởng khi tuyên bố rằng nó “Sẽ tự biến mất một cách kỳ diệu”.

Chỉ trong vòng 12 tháng mà Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã có 2 bản báo cáo với 2 cảm xúc hoàn toàn khác nhau. Đầu năm 2020 người đứng đầu Liên hợp quốc dõng dạc tuyên bố về 4 mục tiêu lớn giải quyết trong năm 2020 là tìm kiếm giải pháp cho những căng thẳng chính trị; đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu; thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững; và tăng cường sự phối hợp giữa Liên hợp quốc và các thể chế đa phương khác. Nhưng rồi chưa đầy 12 tháng sau, chính người đàn ông quyền lực ấy đã phải ngậm ngùi thừa nhận thế giới có thêm khoảng 100 triệu người bị đẩy trở lại tình trạng đói nghèo và đây cũng là lần đầu tiên chỉ số nghèo đói trên toàn cầu “dương tính” kể từ năm 1998. Vậy là 4 mục tiêu lớn trở thành món nợ không xác định thời hạn. Chả một lĩnh vực sản xuất hay kinh doanh nào nằm ngoài ảnh hưởng. Chỉ riêng số lượng khách hàng không giảm 65,9% cũng đã đủ nói lên sự khốc liệt của vấn đề. Giới chuyên gia kinh tế của Viện Tài chính quốc tế (IIF) mới đây đưa ra dự báo đáng lo ngại: Tỷ lệ nợ/GDP sẽ tăng tới 365% trong những tháng tới, kèm theo bình luận này sẽ là đợt “sóng thần nợ càn quét thế giới”. Cho tới cuối năm 2020, theo IIF, tổng nợ toàn cầu sẽ tăng lên mức cao kỷ lục là 277.000 tỷ USD. Con số mà cách đây 12 tháng nếu ai đọc ra chắc sẽ bị coi là thông tin “ác mộng”.

Từ chủ quan đến bàng hoàng, từ bấn loạn chuyển qua trấn tĩnh, người ta vừa tỏ ra ngơ ngác hỏi nhau lại, vừa cố gắng tỉnh táo trả lời. Điều gì đang xảy ra, dịch bệnh từ đâu đến, Covid-19 là cái giá phải trả cho sự bất cẩn của con người hay hình phạt ác ý đến từ đấng tối cao? Cha ông có câu: “Biết được sự trời thì mười đời sung sướng”. Quả thực với Covid-19 thì đúng là không ai có thể “biết được sự trời” cả. Chúng ta đã phải trả giá quá đắt cho một bài học, một bài học mà cả 8 tỷ “học viên” đều là nạn nhân. Covid-19, cộng với những thảm họa kép như  cháy rừng ở Australia, nổ kho hóa chất ở Lebanon, lũ lụt ở Trung Quốc, Philippines hay sạt lở đất ở Việt Nam… sẽ là những di chứng nặng nề để lại không chỉ một năm mà chắc còn nhiều năm nữa. Vậy thì Covid-19 liệu có phải là sự lâm chung của những ước mơ dở dang và tận thế của những cơ hội chưa kịp hoàn thành? Covid-19 có phải là dấu chấm hết cho mọi hy vọng? Không, tôi không nghĩ thế! Mất rất nhiều không có nghĩa là mất tất cả. Ít nhất thì mỗi chúng ta ngồi đây cũng đã và đang trải qua một cuộc tổng diễn tập ứng phó thảm họa với quy mô toàn cầu. Covid-19 có thể đã làm cho bức tranh toàn cảnh thế giới năm qua trở nên xám xịt, nhưng ẩn sau những gam màu u ám đó là sự trưởng thành toàn diện của xã hội. Chúng ta đã tìm được đáp án trả lời cho câu hỏi hóc búa nhất về sự rắn rỏi. Nhân loại đã tìm được thứ ngôn ngữ không phân biệt giàu nghèo, chủng tộc hay màu da. Hàng loạt những giá trị nội sinh được kích hoạt. Sự phân rã trong các chuỗi kết nối đã không thể triệt tiêu được nỗ lực gắn kết của con người. Những cú sốc suy thoái kinh tế đã không chùn được những bước tiến thần kỳ của khoa học. Những phương thức làm việc mới được hình thành. Thương mại điện tử, giáo dục trực tuyến bùng nổ. Từ trong sự bấn loạn và thoi thóp của không ít tập đoàn kinh tế thì thị trường chứng khoán lại hồi sinh ngược dòng để lập đỉnh lịch sử. Rõ ràng virus Corona đã gián tiếp ép đẩy những ứng dụng tuyệt vời của công nghệ số để nó tiến nhanh hơn, xa hơn, thiết thực hơn.

Từ Việt Nam nhìn ra thế giới thấy muôn vàn trở trăn, từ thế giới chiếu về Việt Nam bỗng thấy mình may mắn. Một chút tự tin, một chút tự hào, một chút tự trọng nhưng quả là rất nhiều cảm xúc. Cuộc chiến chống Covid-19 ở Việt Nam cứ như là một kỳ tích. Mỗi lần dịch bệnh xuất hiện cũng là một lần dịch bệnh bị đẩy lùi. Đúng là kỳ tích, cả thế giới đổ gục trước đại dịch, Việt Nam trở thành biểu tượng mẫu mực cho cuộc chiến đầy cam go này. Hành động! Đó là mệnh lệnh tối cao của sinh tồn. Đó là sức mạnh Việt Nam, một thứ sức mạnh hình thành từ ngàn năm dựng nước và giữ nước. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi tập thể là một pháo đài. Cuộc sống và sinh hoạt đảo lộn lại được chính từng người dân tự ngăn nắp hóa theo một trật tự khác biệt, một công thức chưa từng được biết đến trước đó. Trên dưới, ngang dọc tất thảy đều chung một “chiến hào” chống dịch. Những giá trị căn bản nhất ngủ quên lâu ngày đã được gọi tên, sống động hơn, mạnh mẽ hơn và chắc chắn sẽ bền bỉ hơn.

Khi nhân loại đã bắt đầu đặt bước chân đầu tiên của mình sang năm mới, khi hy vọng không tắt thì điều kỳ diệu được thắp lên, những liều Vaccine Covid-19 đầu tiên đã đến với cộng đồng. Vũ khí tiêu diệt đại dịch đã chính thức được “khai hỏa”. Việt Nam – chiến sĩ quật cường trong đại dịch cũng đã bắt đầu thử nghiệm những mũi vaccine đầu tiên trên người và dự báo trong một tương lai không xa những liều Vaccine Made in Việt Nam sẽ góp mình vào cuộc chiến đại dịch toàn cầu. Xuân sắp về. Dự báo năm 2021 là năm của những hồi sinh và thành tựu. Với nước ta, mùa Xuân năm 2021 còn là mùa xuân của một sự kiện chính trị quan trọng, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Chúng ta đã chiến thắng Covid-19 thần kỳ, chúng ta đã vượt qua thiên tai quả cảm. Mỗi mất mát là một dịp trưởng thành, mỗi hy sinh là một lần dâng hiến. Nhắc lại câu hỏi “Ai cho em mùa xuân” tự nhiên lại liên tưởng đến câu hát “Đảng đã cho ta một mùa xuân…”.