Ai đang sẵn sàng cho công cuộc làm mới đội tuyển của ông Troussier ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Cách làm thành công với bóng đá Nhật Bản trước đây của ông Troussier liệu có lặp lại, song hành với bóng đá Việt Nam hiện nay là điều mọi người đang băn khoăn, trăn trở?

Trước mắt, nhiệm vụ của Đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam là 2 trận giao hữu quốc tế với các đội tuyển Hong Kong-Trung Quốc và Syria, cùng 2 trận giao hữu trong nước với Công an Hà Nội và Hải Phòng trong dịp FIFA Day sắp tới. Tuy ông Philippe Troussier chỉ gọi tập trung với 2 bản danh sách cho Đội tuyển Việt Nam, U23 Việt Nam, nhưng thực tế danh sách này còn có một số trụ cột của U20 Việt Nam do ông Hoàng Anh Tuấn phụ trách.

Nhìn vào bối cảnh này, không khó để giới chuyên môn am hiểu, nhận ra cách ông Troussier đang làm khá giống với cách từng đưa ông đến với thành công mỹ mãn của bóng đá Nhật Bản hơn 20 năm trước. Đó là ông thầy người Pháp cùng lúc theo dõi 3 lứa cầu thủ từ U19, U23 và Đội tuyển Nhật Bản, kết hợp họ với nhau trong một tổng thể chung, lựa chọn những nhân tố nổi trội nhất cho mục tiêu lớn, lâu dài. Ngôi Á quân U20 thế giới 1999, tứ kết Olympic Sydney 2000, vô địch ASIAN Cup 2000, lọt vào vòng 1/8 Cup thế giới 2002 là thành tích vô tiền khoáng hậu mà ông Troussier đem lại cho bóng đá Nhật Bản. Và chính ông có vẻ đang lựa chọn con đường thành công này để áp dụng cho bóng đá Việt Nam dù mọi điều so với trước đã khác xa…

Điều đó thể hiện cụ thể trong việc ông trộn quân giữa Đội tuyển Quốc gia, U23 và U20 Việt Nam để tập luyện, thi đấu. Rất khác lạ là sau quá trình đó, xem xét đến phong độ và khả năng tiếp thu bài vở mới, ông thầy sẽ chọn ra đội A để thi đấu với Đội tuyển Hong Kong-Trung Quốc, đội B thi đấu với các câu lạc bộ trong nước. Sau đó sẽ chọn một đội tốt nhất thi đấu với Đội tuyển Syri, kết thúc giai đoạn tập trung lần 2 của các đội tuyển, để bắt đầu cho một bước đi mới.

Cũng để giải quyết cơ bản chuyện sau quãng thời gian ra nước ngoài thi đấu nhưng vấp phải “duộc” thất bại trước đó, Quang Hải, Công Phượng hay Văn Toàn có còn được tiếp tục giữ lại hay tạm về lại câu lạc bộ để lấy lại phong độ và đẳng cấp vốn có, để tiếp tục “ứng thi” như bao cầu thủ khác? Và cũng để kiểm tra các ngôi sao trong nước như Tiến Linh, Tuấn Anh, Ngọc Hải… lâu nay sa sút phong độ, có xứng đáng được trao gửi hay thay thế bởi những người mới hơn, trẻ trung hơn, khát vọng hơn? Trong số những người trước đây không được tin cậy như Hải Huy, Xuân Mạnh…nay phong độ ổn ở V-League nhưng có chen chân nổi các vị trí ở giữa sân hay không, sẽ thuộc đội hình A hay đội hình B… đều sẽ được biết khi công bố đội hình thi đấu tới đây?

Và những nhân tố trẻ của U23, U20 Việt Nam - những niềm hy vọng liệu sẽ được ông thầy người Pháp gửi trao gồm những cái tên nào? Tuấn Tài, Văn Tùng, Văn Khang hay Thái Sơn, Văn Cường? Đừng ngạc nhiên nếu những cái tên này xuất hiện trong đội hình A sắp tới, kể cả ngôi sao Việt kiều về từ Cộng hòa Séc? Cũng đừng ngạc nhiên nếu những ngôi sao quen thuộc bị “out” khỏi đội hình A, nhất là trong trận đấu cuối với Đội tuyển Syria?

Để thấy, Đội tuyển Việt Nam thời Troussier sẽ còn bóng dáng không thể thay thế của những trụ cột thời Park Hang-seo như Văn Lâm, Hoàng Đức, Văn Thanh… nhưng chưa chắc Tiến Linh hay Ngọc Hải đã chắc suất trong quá trình cải tổ hướng tới mục tiêu lâu dài do những vấn đề cụ thể đang phơi ra trong con mắt tinh tường của ông Troussier và ban tuyển trạch.

Ông Lê Huỳnh Đức đã nói rõ về tình trạng chấn thương, khả năng vận động kém của Tiến Linh và vị trí dự bị là phù hợp, đúng chỗ cho ngôi sao này ở Bình Dương. Trên tuyển không có Rimario, đương nhiên, nhưng đang có nhiều ngôi sao đạt phong độ tốt, thậm chí những gì Văn Tùng thể hiện gần đây có lý do để ông Troussier “đầu tư” cho mục tiêu trọng điểm lâu dài, đưa Tiến Linh về vị trí… chờ. Trong khi đó, Ngọc Hải cũng đang chứng minh sự sa sút trong nhiệm vụ phòng ngự ở Sông Lam Nghệ An và thi đấu giao hữu không quá bức bách để bố trí một người kinh nghiệm nên việc thay thế cũng là bình thường.

Khi các đội tuyển tập chung, phơi ra đầy đủ tiềm năng, lợi thế, hạn chế của từng người, ông Troussier sẽ có cái nhìn tổng thể lẫn cụ thể, tạm thời lẫn lâu dài để lựa chọn. Quá trình thi đấu, cống hiến qua mỗi lần tập trung, qua thực chiến ở câu lạc bộ trong và ngoài nước, ông Troussier sẽ có thêm dữ liệu để tổng hợp, phân tích và theo dõi, lựa chọn và quyết định chính xác lực lượng nòng cốt cho bóng đá Việt trong thời gian tới. Thất bại ở SEA Games 32 của U22 Việt Nam không ngăn cản quá trình làm mới, làm lại từng bước về triết lý chơi bóng, về xây dựng lực lượng của một ông thầy từng đưa các đội bóng trên thế giới thi đấu World Cup trong quá khứ. Ông Park Hang-seo thành công từ lứa Quang Hải, Hoàng Đức, Hùng Dũng… và ông Philippe Troussier thành công với một lứa cầu thủ mới là điều bình thường và hợp lý?

Cách làm thành công với bóng đá Nhật Bản trước đây của ông Troussier liệu có lặp lại, song hành với bóng đá Việt Nam hiện nay là điều mọi người đang băn khoăn, trăn trở? Con số 500 hồ sơ mà ông thầy đang nắm giữ là con số không nhỏ. Rồi ông thầy sẽ liên tục đến vỗ vai từng người và hỏi “Are you ready?” (bạn sẵn sàng chưa?) với nhiều cầu thủ nhưng phải trải qua trăm núi, ngàn đèo khắc nghiệt, không phải ai cũng được xướng tên trong những bản danh sách quyết định cuối cùng, đặc biệt là danh sách mơ ước lần đầu đi thi đấu ở ngày hội lớn nhất của bóng đá toàn cầu?

Tin mới