Ai 'trói' được người trẻ theo lối mòn rụt rè?

(Baonghean) - Hiện nay, trong tổ chức chính trị, đoàn thể các cơ quan Đảng, chính quyền, có rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức trẻ tuổi, tạo nên nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Nhưng làm thế nào để “mài cho ngọc sáng”, để cán bộ trẻ thực sự là lớp hậu bị tin cậy, xung kích, sáng tạo, tiên phong trong quá trình xây dựng quê hương đổi mới, hội nhập là một vấn đề đang đặt ra hiện nay.

Cán bộ trẻ xã Yên Na ( Tương Dương) cùng với người dân, ảnh Nhật Lân
Cán bộ trẻ xã Yên Na (Tương Dương) cùng với người dân. Ảnh: Nhật Lân

Mỗi cán bộ trẻ đều mong muốn được học hỏi chuyên môn nghiệp vụ, được cống hiến, khẳng định mình, được đánh giá đúng và tạo điều kiện để công tác tốt. Vì thế, cán bộ trẻ rất muốn được trao cơ hội học hỏi, công tác để được cọ xát, thử thách, có môi trường để tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện cách phán đoán, xử lý tình huống.

Muốn vậy, bản thân mỗi cán bộ trẻ tích cực, cầu thị, nỗ lực học hỏi, không ngại va chạm, chủ động tiếp cận với thực tế tại địa phương, tự tin phát biểu chính kiến của mình với các vấn đề nảy sinh trong quá trình công tác. Với sức trẻ, nhạy cảm, năng động, cán bộ trẻ càng gần dân, hiểu dân, càng sâu sát thực địa, càng chủ động bám việc, càng là những người tiên phong đẩy lùi căn bệnh quan liêu, xa dân. 

Lớp trẻ rất cần các lãnh đạo, đồng nghiệp có kinh nghiệm hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện, khuyến khích để có thể tiếp cận với công việc, sâu sát với thực tế. Những biểu hiện của “giấu nghề”, “lính buổi mai cai lính buổi chiều”... sẽ làm chậm lại sự phát triển của chính mình, của phòng mình, đơn vị mình, ngành mình, gây mất đoàn kết nội bộ và giảm sự tôn trọng của người trẻ.

Các Đoàn viên thanh niên tham gia Lễ hội Giọt máu hồng tình nguyện 2017, đóng góp 400 đơn vị máu cho ngân hàng máu của Viện huyết học Nghệ An. Ảnh: Mỹ Nga.
Các đoàn viên thanh niên tham gia Lễ hội Giọt máu hồng tình nguyện 2017, đóng góp 400 đơn vị máu cho ngân hàng máu của Viện Huyết học Nghệ An. Ảnh: Mỹ Nga.

 » Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân
 

Nếu lỡ có phần việc làm chưa đúng, chưa tốt thì mỗi cán bộ trẻ nên dám tự nhận trách nhiệm, biết cách sửa sai, biết rút ra bài học để dần dần hình thành kỹ năng làm việc. Nếu những ngày tháng đầu của trẻ nhỏ bước vào trường học “Tiên học lễ, hậu học văn” thì người cán bộ trẻ cũng cần học lề lối, tác phong của người cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu ngay từ những ngày đầu tiên. Phải nêu cao tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh của người cán bộ. Lãnh đạo chỉ tin tưởng những người dám nhận sai để sửa, chứ không phải những người biết “xóa dấu vết”.

Chúng ta trẻ, chúng ta ý thức rằng, cán bộ chỉ được xã hội tôn trọng, nhân dân ghi nhận khi biết trọng dân, làm những việc có lợi cho dân, tránh việc có hại cho dân. Nhân dân trả lương cho cán bộ từ mồ hôi lao động, vì thế cán bộ cần lao động nghiêm túc, có trách nhiệm với mức thù lao nhận được, với sự tôn trọng mà nhân dân gửi gắm.

Chúng ta trẻ, chúng ta xung kích trong việc cải cách hành chính. Việc công khai các bước thực hiện và thời gian hoàn tất từng thủ tục, các bảng biểu hướng dẫn dễ hiểu, sơ đồ làm việc rõ ràng, lịch công tác cụ thể,… tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi đến làm việc. Cần ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn khoảng cách không gian, thời gian, giúp xử lý công việc tuần tự, nhanh chóng, công bằng theo “văn hóa xếp hàng” tránh chen chúc, chờ đợi.

Chúng ta trẻ, chúng ta tiên phong, mạnh dạn đưa ra những ý tưởng mới, táo bạo dám nghĩ dám làm, không trì trệ, gò bó theo khuôn mẫu lạc hậu, đưa quê hương hội nhập, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới phẳng.

Chúng ta trẻ, chúng ta nên biết chọn việc! Tuyệt đối không phải là lựa việc an nhàn, nhiều “lộc”. Chọn việc là chọn những việc có trọng tâm, có điểm nhấn, tập trung, để không bị dàn trải tiền của, tinh thần, trí lực, Chọn việc để làm cho “sắc”, cho “tinh”, cho “trúng” để vừa ích nước lợi dân, vừa khẳng định năng lực của mình. Khi cán bộ biết chọn việc thì sẽ có thể tập trung làm việc với đam mê, quyết tâm cao, tự giác chứ không còn là trách nhiệm, làm khoán cho xong. Như vậy, hiệu quả công việc sẽ nâng cao rõ rệt.

Những thế hệ cha ông đi trước đã đùm cơm gạo, lội núi rừng, đã nỗ lực phá thế “tứ tắc” cho quê hương, đã từ đường đất lầy lội mà xây nên những cây cầu bắc qua sông, những cung đường nhựa huyết mạch giúp thông thương ra mọi miền đất nước. Những cán bộ trẻ hôm nay được Nhà nước và nhân dân gửi gắm, tin yêu hãy “chọn” việc để trả lời thiết thực cho câu hỏi “Nhân dân được hưởng lợi gì từ cái bận rộn của cán bộ?”…

Anh Hoa 

(Hội Nông dân TP. Vinh)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới