Ấm áp vòng tay ‘Mẹ đỡ đầu’

(Baonghean.vn) - Các cấp hội phụ nữ Nghệ An triển khai mô hình “Mẹ đỡ đầu” che chở bao số phận trẻ mồ côi, trẻ em nghèo thiếu may mắn. Các chị đã trở thành người mẹ thứ hai, mang hơi ấm tình thương giúp các em bù đắp thiếu thốn hơi ấm tình thương, có thêm động lực để vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo.

Chở che những mảnh đời bất hạnh

Ánh nắng cuối chiều của tiết trời những ngày chớm bước vào mùa Hè khá oi bức, khiến không khí ảm đạm trong ngôi nhà nhỏ ở khối Điện Biên, phường Nghi Hương (TX. Cửa Lò) càng thêm ngột ngạt. Qua một khoảng sân đầy cát đặc trưng của làng quê ven biển, bước vào căn nhà nhỏ, em Hoàng Văn Phước và người cô ngồi buồn thiu nơi bậc thềm, mùi nhang khói bao phủ không gian khiến không khí càng não nề. Phước năm nay học lớp 9, bố của Phước đã mất hơn chục năm. Hai anh em được người mẹ làm nghề phụ hồ tần tảo nuôi ăn học. Rồi tai họa lại ập đến khi mẹ của Phước không may bị tai nạn ngã từ giàn giáo xuống đất, sau một thời gian điều trị tại bệnh viện nhưng đã không qua khỏi. Mẹ của em đã ra đi, bỏ lại hai người con bơ vơ trên cõi đời.

Người cô của Phước cho biết, “mẹ mất mới hơn chục ngày, Phước nhiều lúc nhớ mẹ khóc rấm rứt một mình, thương lắm. Cô lấy chồng sinh sống ở miền Nam, nghe tin dữ tức tốc về đây lo cho cháu, nhưng cũng không thể ở với cháu được lâu. Anh trai của Phước vừa mới đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản được 1 tháng thì mẹ mất, nhưng không thể về. Em dâu tôi ra đi, để lại 2 con bơ vơ và một khoản nợ khổng lồ do vay ngân hàng cho con đi xuất khẩu và sửa sang nhà cửa”. Nói rồi, người cô lại thở dài, mắt rơm rớm chực bật khóc. Nghe cô nói vậy, Phước ngồi trầm ngâm, ánh mắt buồn bã thất thần nhìn vào khoảng không gian đặc quánh mùi khói nhang.

Hội Phụ nữ thị xã Cửa Lò thăm hỏi, động viên các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ảnh: H.T
Hội Phụ nữ thị xã Cửa Lò thăm hỏi, động viên các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ảnh: H.T

Thắp nén nhang viếng người đã khuất, chị Phùng Thị Hạnh - Chủ tịch Hội Phụ nữ thị xã Cửa Lò và các cán bộ hội của phường Nghi Hương động viên, chia sẻ với những mất mát của gia đình. Từ ngày mẹ em Phước mất, các cán bộ Chi hội Phụ nữ phường Nghi Hương thường xuyên lui tới, quan tâm, động viên em Phước, hỗ trợ thêm cùng gia đình người bác chăm sóc em. Chia sẻ cùng gia đình, Phước được nhà trường và các cô, bác hội phụ nữ vận động quyên góp được một số tiền mua một chiếc xe máy điện để đi học, và trả được một phần nhỏ số nợ ngân hàng. Hàng ngày, Phước về nhà bác ăn cơm rồi đêm lại trở về ngồi học bài, một mình lẻ loi trước ban thờ nghi ngút khói hương. “Hội đã kêu gọi được một nhà hảo tâm hỗ trợ em Hoàng Văn Phước mỗi tháng 1 triệu đồng cho đến khi em học hết cấp 3, nếu đậu đại học sẽ tiếp tục hỗ trợ, góp thêm một phần động viên em vượt qua số phận, vươn lên học tập” - chị Phùng Thị Hạnh cho biết.

Ở TX. Cửa Lò, ngoài em Hoàng Văn Phước, còn có 14 trường hợp trẻ em mồ côi, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang được các cấp hội phụ nữ dang rộng vòng tay quan tâm, giúp đỡ thông quan việc triển khai mô hình “Mẹ đỡ đầu”. Trong đó, có 7 em đã được hỗ trợ từ 300 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/tháng, số còn lại các chi hội phụ nữ ngoài thường xuyên thăm hỏi, động viên thì đang kết nối, kêu gọi nhà hảo tâm tài trợ. Ví như hoàn cảnh của hai chị em Trần Thế Trung, Trần Thị Uyên Trang ở khối 5, phường Nghi Tân. Bố của hai em đã mất gần 10 năm, mẹ bỏ đi biệt tích, hai em ở với ông bà nội đã già yếu trong căn nhà chật chội.

Ông nội của Trung sức khỏe yếu đã bỏ nghề đi biển 3 năm nay, nên cuộc sống của 4 người phụ thuộc vào việc chạy chợ, buôn bán mẹt cá nhỏ của người bà đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”. “Cũng vì sự nghèo túng, chị của Trung năm nay học lớp 10 hai hôm nay bỏ học đi làm thuê dọn dẹp rửa bát cho các quán hàng ven biển. Ông lo rồi đây không biết làm sao để cho các cháu được học hành đến nơi đến chốn” - ông Trần Công Hoàng, ông nội của Trung bộc bạch. Trực tiếp động viên ông và hai cháu cố gắng, cán bộ chi hội phụ nữ phường Nghi Tân đã trao tặng sách vở, một số đồ dùng học tập và quần áo cho hai cháu, đồng thời đang tích cực kêu gọi, kết nối các nhà hảo tâm hỗ trợ để các em có thể tiếp tục đến trường.

Vợ chồng ông Trần Công Hoàng tuổi cao sức yếu nuôi 3 cháu mồ côi đang tuổi ăn, tuổi học. Ảnh: H.T
Vợ chồng ông Trần Công Hoàng tuổi cao sức yếu nuôi 3 cháu mồ côi đang tuổi ăn, tuổi học. Ảnh: H.T

Ở huyện Quỳnh Lưu, cũng thông qua mô hình “Mẹ đỡ đầu” triển khai từ đầu năm 2022 đến nay, những “người mẹ thứ hai” là các cán bộ hội phụ nữ đã nhận đỡ đầu, chăm sóc thường xuyên về tinh thần, hỗ trợ một phần vật chất cho 95 trẻ em, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chủ yếu đều là trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc mồ côi cha/mẹ với số tiền gần 200 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Hải - Chi hội trưởng Hội Phụ nữ xã Quỳnh Bảng cho hay, chị em chi hội của 13 thôn của xã đã nhận đỡ đầu 13 trường hợp trẻ em mồ côi, ngoài ra, hội phụ nữ xã hỗ trợ 1 em, và kêu gọi 2 nhà hảo tâm đỡ đầu 2 em khác với mức 5 - 6 triệu đồng/năm. Hình thức đỡ đầu bằng việc tặng thẻ bảo hiểm y tế, thẻ bảo hiểm thân thể, tặng sách vở, đồ dùng học tập  và hỗ trợ bằng tiền 2 triệu đồng/năm cho đến khi các cháu 18 tuổi. Đồng thời, các hội viên hội phụ nữ phân công nhau quan tâm, hỏi han động viên các cháu và gia đình thường xuyên. Ví như trường hợp em Đậu Thị Trà My, học lớp 2 ở xóm Vân Lý. Mẹ của Trà My đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần, ông bà ngoại đã hơn 70 tuổi và thường xuyên ốm đau. Mọi chi phí sinh hoạt đều phụ thuộc vào sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội. Vì thế, cháu Trà My mới có thể tiếp tục đến trường.

Chủ trương nhân văn

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” tuy được các cấp hội phụ nữ mới bắt tay thực hiện nhưng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng xã hội, và chính những hội viên hội phụ nữ là những người hăng hái nhất, bởi họ thấu hiểu được được ý nghĩa to lớn, nhân văn của hoạt động này. Họ là những người mẹ, có kinh nghiệm chăm sóc con cái nên luôn thấu hiểu những thiệt thòi, mất mát của các hoàn cảnh trẻ em mồ côi, thiếu hơi ấm chở che của người thân. Ví như ở xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên, chị Nguyễn Thị Gái - Chi hội trưởng Hội Phụ nữ xã cho biết, ngay sau khi phổ biến chủ trương triển khai mô hình “Mẹ đỡ đầu” thì cả 4/4 chi hội của xã mọi thành viên đều nhận thấy đây là chủ trương thiết thực, ý nghĩa, vì vậy, ai cũng quyết tâm sẽ nỗ lực thực hiện ngay. Không chỉ các chi hội phụ nữ, khi phổ biến đến các thôn, xóm, các hộ tiểu thương trong xã cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình. Mỗi người góp một ít giúp thêm kinh phí đỡ đầu 5 cháu nhỏ mồ côi trên địa bàn xã Hưng Mỹ. Hơn 30 cháu được các chi hội phụ nữ nhận đỡ đầu, vừa hỗ trợ tiền, vừa chăm sóc, động viên về tinh thần để các cháu thêm động lực vươn lên.

Hội Phụ nữ xã Quỳnh Bảng quyên góp vận động đỡ đầu 14 học sinh mồ côi trên địa bàn xã. Ảnh: HT
Hội Phụ nữ xã Quỳnh Bảng, vận động quyên góp đỡ đầu 14 học sinh mồ côi trên địa bàn xã. Ảnh: H.T

Còn ở những huyện nghèo miền núi cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, đây là những địa phương có số lượng lớn trẻ em nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, việc triển khai mô hình “Mẹ đỡ đầu” lại càng có ý nghĩa thiết thực. Tuy nhiên, do mặt bằng đời sống người dân nơi đây còn nghèo nên việc tự đóng góp hỗ trợ của các chi hội phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn. Ví như ở Kỳ Sơn, toàn huyện có 81 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi chưa được hỗ trợ. Hội Phụ nữ huyện Kỳ Sơn cũng chỉ mới kêu gọi, quyên góp triển khai nhận đỡ đầu 1 trường hợp trẻ mồ côi ở xã Hữu Kiệm, còn lại vẫn đang triển khai tạo nguồn để giúp các em còn lại. Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, tất cả các Huyện hội đều đã bắt đầu triển khai mô hình “Mẹ đỡ đầu” từ đầu năm 2022. Các cấp hội chủ yếu tạo nguồn kinh phí từ việc thu gom phế liệu, “biến rác thải thành con giống”; đồng thời, các hội viên tự góp tiền và chủ động kêu gọi, kết nối các nhà hảo tâm tài trợ.

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam triển khai trên cả nước từ đầu năm 2022. Đây là việc làm thiết thực, ý nghĩa nhằm thiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước chung sức, đồng lòng phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Ban đầu, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” nhằm vận động cán bộ, hội viên, các tổ chức, cá nhân hưởng ứng chương trình; nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi (trước mắt tập trung trẻ mồ côi do dịch bệnh Covid-19) có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để các em được phát triển toàn diện trong môi trường gia đình, cộng đồng.  

Các cấp hội phụ nữ ở thị xã Cửa Lò, các huyện Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên thu gom phế liệu bán lấy tiền hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh mồ côi. Ảnh: H.T
Các cấp hội phụ nữ ở thị xã Cửa Lò, các huyện Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên thu gom phế liệu bán lấy tiền hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh mồ côi. Ảnh: H.T

Sau khi những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã từng bước được kiểm soát, ngoài những trẻ em mồ côi do bố mẹ bị mất vì Covid-19, các cấp hội phụ nữ vẫn tiếp tục thực hiện mô hình “Mẹ đỡ đầu” bằng việc mở rộng các đối tượng hỗ trợ. Đó là những trường hợp trẻ mồ côi chưa được nhận đỡ đầu hoặc ít nhận được sự hỗ trợ; các trẻ mồ côi cả cha và mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ, không nơi nương tựa, hoặc có người nuôi dưỡng thuộc hộ nghèo, gia đình khó khăn. Hình thức gây quỹ ngoài nguồn kinh phí do các chi hội phụ nữ tự gây dựng bằng các hoạt động thu gom phế liệu, các chi hội còn vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ, trực tiếp nhận chăm sóc, đỡ đầu hoặc hỗ trợ nguồn lực để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Từ đó, các cấp hội có trách nhiệm giám sát việc thực hiện chính sách liên quan đến trẻ mồ côi ở địa phương. Các hội viên còn đóng vai trò là “người mẹ thứ hai” hỗ trợ, hướng dẫn trẻ em, gia đình trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng được tiếp cận đầy đủ chính sách của Nhà nước, đặc biệt là hỗ trợ chăm sóc, tư vấn về tình cảm, tinh thần và đảm bảo an toàn cho trẻ trong môi trường gia đình, cộng đồng.

Trung ương Hội LHPN cũng nhấn mạnh trong chỉ đạo các cấp hội khi triển khai mô hình “Mẹ đỡ đầu” phải dựa trên nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện; tôn trọng các quy định của pháp luật về quyền trẻ em. Các hỗ trợ đảm bảo sát hợp với nhu cầu của trẻ. Ưu tiên tối đa điều kiện để trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường gia đình, họ hàng, cộng đồng, quê hương; công khai, minh bạch nguồn hỗ trợ, đối tượng được thụ hưởng. Bên cạnh đó, còn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức hội nơi có tập thể, cá nhân là “Mẹ đỡ đầu” với cấp ủy, chính quyền, các trung tâm và tổ chức hội cơ sở nơi trẻ sinh sống. Với mục tiêu nhân văn của mô hình này, đã và sẽ có hàng trăm nghìn trẻ em trên cả nước, đặc biệt là trẻ mồ côi sẽ được hưởng sự ấm áp của tình thương, có thêm "người mẹ thứ hai” đỡ đầu hỗ trợ các em vượt qua những giông bão khắc nghiệt của cuộc sống./.

Tin mới