Âm mưu chính trị hóa của Anh thất bại?; Nga chỉ đích danh thủ phạm tấn công căn cứ Syria

(Baonghean.vn) - Âm mưu chính trị hóa vụ cựu điệp viên Skripal của Anh đã thất bại?; Ông Trump tuyên bố thủ phạm vụ tấn công hóa học Douma sẽ “phải trả giá đắt”; Nga khẳng định vụ tấn công Syria do Israel thực hiện;... là những tin tức quốc tế nổi bật 24h qua.

1. Âm mưu chính trị hóa vụ cựu điệp viên Skripal của Anh đã thất bại?

Vụ cựu điệp viên Nga Skripal bị đầu độc tại Anh gây ra bê bối ngoại giao quốc tế cực lớn.
Vụ cựu điệp viên Nga Skripal bị đầu độc tại Anh gây ra bê bối ngoại giao quốc tế cực lớn.
Đại diện thường trực của Nga tại Tổ chức OSCE Alexander Lukashevich nói rằng Anh đã cố gắng để đưa “vụ cựu điệp viên Skripal” vào chương trình nghị sự của Hội đồng thường trực tổ chức này, nhưng nỗ lực để chính trị hóa vấn đề này không được ủng hộ.
"Nước Anh đang cố gắng để hạ uy tín của Nga không chỉ ở tổ chức OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu), mà còn trên các diễn đàn, tổ chức quốc tế khác. Tất nhiên, người Anh đã cố gắng để đưa chủ đề này vào chương trình nghị sự của Hội đồng thường trực. Nhưng điều này đã không được phát triển tiếp. Rất khó để tranh luận đối với các luận chứng mơ hồ.
Nỗ lực chính trị hóa chủ đề này tại OSCE đã không được phát triển, và sẽ không phát triển", tờ báo Izvestia dẫn lời ông Alexander Lukashevich.

"Tôi nghĩ rằng sau một thời gian, London không muốn đưa vấn đề này ra trường quốc tế. Chúng ta phải hiểu, tổ chức OSCE chủ yếu tranh luận về vấn đề Ukraine", nhà ngoại giao Nga nói.

2. Ông Trump tuyên bố thủ phạm vụ tấn công hóa học Douma sẽ “phải trả giá đắt”

Một em bé Syria được cho là vướng vào vụ tấn công hóa học ở Douma, Syria.
Một em bé Syria được cho là vướng vào vụ tấn công hóa học ở Douma, Syria.
Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo rằng thủ phạm vụ tấn công bằng khí độc tại thị trấn Douma thuộc Đông Ghouta (Syria) sẽ phải “trả giá rất đắt”.

Trong lúc các quan chức quốc tế đang nỗ lực để xác nhận vụ tấn công hóa học xảy ra tại thị trấn Douma, ông Trump đã có hành động chỉ trích trực tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin sau vụ việc. Trong khi đó, truyền thông Syria đưa tin rằng Mỹ đã tiến hành tấn công bằng tên lửa xuống một căn cứ không quân Syria, mặc dù Mỹ đã ngay lập tức phủ nhận thông tin này.

Chính phủ Syria đã phủ nhận tiến hành bất kỳ hoạt động tấn công bằng vũ khí hóa học nào, còn Nga, đồng minh lớn nhất của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã gọi thông tin về vụ tấn công này là giả mạo.

3. Nga khẳng định vụ tấn công Syria do Israel thực hiện

Binh sĩ làm nhiệm vụ ở tỉnh Homs.
Binh sĩ làm nhiệm vụ ở tỉnh Homs.
Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, chính hai chiến đấu cơ Israel là thủ phạm tấn công căn cứ không quân của quân đội Syria ở tỉnh Homs vào sáng sớm ngày 9/4.

Cũng theo Bộ Quốc phòng Nga, 5 trong số 8 quả tên lửa được chiến đấu cơ F-15 của Israel phóng đã bị hệ thống phòng không Syria đánh chặn. “3 quả tên lửa đã rơi xuống khu vực phía tây căn cứ T-4. Không có cố vấn quân sự Nga nào bị thương trong vụ tấn công này”, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố.

Phía Israel chưa xác nhận thông tin trên. Tuy nhiên, truyền thông địa phương cho hay, trước đó một máy bay tình báo của Israel đã được phát hiện có mặt ở không phận Syria. Cũng theo quân đội Nga, vụ tấn công được thực hiện từ không phận Lebanon.

4. Triều Tiên sẵn sàng đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sắp có cuộc gặp lịch sử. Ảnh minh họa: Yonhap
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sắp có cuộc gặp lịch sử. Ảnh minh họa: Yonhap
Mỹ cho biết Triều Tiên đã sẵn sàng đàm phán về việc từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân trong một hội nghị thượng đỉnh song phương vào tháng tới.
Hai bên cũng đang tổ chức các cuộc hội đàm bí mật để chuẩn bị cho cuộc gặp lịch sử, một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng nói với hãng thông tấn Yonhap trong điều kiện giấu tên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được kỳ vọng sẽ gặp nhau trước cuối tháng 5 để thảo luận về việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra sau một năm leo thang căng thẳng.

Truyền thông Mỹ cuối tuần qua đưa tin Triều Tiên đã thông báo với Mỹ rằng quốc gia này sẵn sàng đàm phán về việc từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

5. Iran cảnh báo Mỹ "sẽ hối tiếc" nếu rút khỏi thỏa thuận hạt nhân

Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu tại cuộc họp ở Hyderabad ngày 15/2. Nguồn: AFP/TTXVN
Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu tại cuộc họp ở Hyderabad ngày 15/2. Nguồn: AFP/TTXVN
Theo AFP/Reuters, ngày 9/4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải hối tiếc nếu rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Tehran và 6 cường quốc thế giới ký năm 2015, đồng thời đe dọa Tehran sẽ đáp trả mạnh hơn so với tưởng tượng "trong vòng chưa đầy một tuần" nếu điều đó xảy ra. 
Phát biểu tại hội nghị nhân Ngày Công nghệ Hạt nhân Quốc gia tại Tehran, ông Rouhani nói: "Chúng tôi sẽ không là nước đầu tiên vi phạm thỏa thuận này, nhưng nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận này thì họ chắc chắn sẽ hối tiếc. Sự đáp trả của chúng tôi sẽ mạnh hơn những gì họ tưởng tượng và họ sẽ thấy điều đó trong vòng 1 tuần".
6. Thủ tướng Hungary Victor Orban tuyên bố chiến thắng lịch sử
Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu tại Budapest ngày 4/4. Nguồn: THX/TTXVN
Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu tại Budapest ngày 4/4. Nguồn: THX/TTXVN
AFP đưa tin Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã tuyên bố một "chiến thắng lịch sử" trong cuộc bầu cử Quốc hội then chốt của nước này vào ngày 8/4, sau khi kết quả sơ bộ cho thấy đảng Fidesz cánh hữu của ông đang dẫn đầu với cách biệt lớn.
Phát biểu trước những người ủng hộ, ông Orban cho rằng kết quả nói trên đã mang đến cho người dân Hungary "cơ hội để tự bảo vệ mình và bảo vệ đất nước Hungary".
Theo Văn phòng bầu cử quốc gia, đảng Fidesz đang dẫn đầu trong cuộc bầu cử này, với 48,86% số phiếu bầu trong tổng số 95,1% số phiếu được kiểm, bỏ xa đảng đứng thứ 2 là Jobbik với chỉ 19,75% phiếu bầu.
Cuộc bầu cử Quốc hội Hungary lần này là sự kiện được giới quan sát châu Âu theo dõi chặt chẽ xem liệu ông Viktor Orban có giành được nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp hay không.
7. Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đối mặt án tù chung thân
Cựu Tổng thống Lee Myung-bak. Ảnh: Getty
Cựu Tổng thống Lee Myung-bak. Ảnh: Getty
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã bị buộc tội với các tội danh như tham nhũng, lạm dụng quyền và có thể đối mặt với án tù chung thân, AFP cho biết.

Ngày 9/4, ông Lee Myung-bak chính thức bị buộc tội nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực, biển thủ, và trốn thuế, AFP trích thông báo của cơ quan công tố Hàn Quốc cho biết. Thông tin được công bố chỉ vài ngày sau khi người kế nhiệm ông Lee, cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị tuyên phạt 24 năm tù vì tham nhũng, làm lộ bí mật chính phủ.

Công tố viên Han Dong-hoon cho biết, các cơ quan chức năng sẽ điều tra triệt để hồ sơ vi phạm hình sự của ông Lee. Ông Lee bị bắt giữ hồi cuối tháng 3 nhưng đã từ chối trả lời khi các công tố viên tiến hành thẩm vấn.

Tin mới