Âm thanh mới ở Piêng Vai

Âm thanh mới ở Piêng Vai

Từ ngã ba Phà Bún, xe chúng tôi đổ dốc theo con đường qua xã Bắc Lý (Kỳ Sơn). Con dốc luôn khiến cánh tài xế toát mồ hôi. Xe cài số 1 kết hợp với phanh nhưng qua những đoạn cua tay áo dựng đứng làm chúng tôi có cảm giác như vừa trải qua một môn thể thao địa hình mạo hiểm.

Theo sự chỉ dẫn của anh phó chủ tịch xã trẻ tuổi Lương Văn Bảy, chúng tôi ngược bản Hòa Lý lên với Piêng Vai. Đoạn đường chỉ khoảng 5 km thôi nhưng chúng tôi cũng phải mất gần một tiếng đồng hồ mới đến được trung tâm bản. Piêng Vai nằm thấp thoáng giữa rừng cây với những ngôi nhà lợp bằng mái sa mu quen thuộc của người Mông. Giữa sân chơi của bản, chỉ có mấy đứa trẻ lang thang nô đùa mặt mũi lấm lem bùn đất. Thấy người lạ đến hỏi, chúng tụm lại với nhau nói bằng tiếng Mông “xì pâu, xì pâu” (không biết, không biết) rồi lại chạy ù đi.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà thấp lè tè, trưởng bản Cự Bá Chùa cho hay, bản có 67 hộ với hơn 300 nhân khẩu thì đã có tới 62 hộ nghèo và cận nghèo. Cuộc sống bà con chủ yếu dựa vào cây lúa trên nương rẫy và mấy con trâu. Thời điểm giáp Tết, những địa bàn khác còn có lá dong để hái kiếm thêm thu nhập còn Piêng Vai chẳng có gì.

Âm thanh mới ở Piêng Vai

“Cách đây hơn 20 năm, bà con chúng tôi định cư trên núi cao kia trồng cây thuốc phiện. Bây giờ theo Đảng, Nhà nước về đây định cư, bỏ trồng cái thứ thuốc chết người kia, song đời sống vẫn còn đang khó khăn lắm. Con đường đi đã khó, cái điện sáng rồi cái sóng điện thoại cũng không có….” - già làng Lầu Nỏ Xa ngồi bên than thở. Ngoài kia, những cơn gió vẫn thổi tốc vào khiến cái lạnh như tê buốt hơn. Thế nhưng, chiều đó, những âm thanh ấm áp đã vang lên giữa bản yên ắng khiến chúng tôi ngạc nhiên. Những tiếng lao xao ấm áp và vui tai ấy vang lên dưới một mái nhà tạm bợ.

“Những phụ nữ bản mình đang đi học xóa mù chữ đấy” - trưởng bản Cự Bá Chùa giải thích khi thấy ánh mắt tò mò của chúng tôi. Trong ngôi nhà đơn sơ, thầy giáo Cự Bá Rê vừa say sưa dạy các bà mẹ người Mông đánh vần vừa chỉ dẫn từng nét chữ thô mộc trên những trang giấy kẻ bằng ô li. 17 học viên lớp xóa mù và một thầy giáo người Mông đang miệt mài với từng con chữ, mặc cái lạnh ngoài núi rừng đang đưa từng đợt gió thổi tốc vào phòng nhưng dường như không ai để ý mà họ vẫn cặm cụi tranh thủ thời gian ít ỏi để học tập.

Âm thanh mới ở Piêng Vai

Đứng ngoài lớp học quan sát một lúc lâu chúng tôi vẫn chưa dám lên tiếng bởi sợ ảnh hưởng đến việc học của thầy và trò. Tranh thủ giờ giải lao, thầy giáo người bản địa Cự Bá Rê niềm nở ra tiếp khách. Thầy cho biết: “Piêng Vai được xem là một trong những bản khó khăn nhất của xã vùng biên này. Tuy vậy, khi lớp xóa mù chữ được mở ra tại bản vào tháng 3/2017, 17 học viên của bản đã tích cực hăng hái tham gia với mong muốn kiếm được con chữ. Lần đầu tiên mở lớp, chị em cũng rất ngại bởi tuổi đã lớn rồi mà vẫn phải cắp sách tới trường nhưng khi được tiếp xúc với cái chữ thì họ lại rất hào hứng. Chúng tôi cũng cố gắng động viên và đưa ra nững kiến thức dễ nhất cho chị em tập làm quen”.

Âm thanh mới ở Piêng Vai

Chị Lầu Y Xì năm nay đã hơn 52 tuổi, vừa ngồi bế đứa cháu chừng hơn tuổi vừa miệt mài nắn nót viết từng chữ. Ngừng lại một lúc, chị bẽn lẽn bảo: “Ngày trước mình không có điều kiện đi học nên bây giờ già rồi mới phải vất vả thế này. Ngày đầu cứ nghe nói sắp được đi học là mình háo hức lắm. Cái tuổi mình đã cao rồi nên nhớ được cái chữ cũng khó lắm. Buổi ngày được thầy giáo dạy cho cách đọc, cách viết là tối về mình lại thắp đèn lên ôn lại bài. Bây giờ mình biết viết cái tên của mình, biết đọc chữ rồi. Nhiều lúc lên rẫy mà cứ nôn nóng để sớm về cho kịp buổi học”. Những lời tâm sự của chị Y Xì khiến chúng tôi vừa ngậm ngùi lại vừa thấy vui. Quyết tâm kiếm bằng được con chữ trên vùng rẻo cao này thật khó khăn đối với những người phụ nữ đã luống tuổi như chị. Dẫu sao đối với chị đó cũng là một niềm hạnh phúc rồi.

Trong lớp, những đứa trẻ nằm trong vòng tay mẹ vẫn đang ngủ một cách ngon lành. Ẵm con trong tay, chị Hờ Y Rùa tâm sự bằng vốn tiếng Kinh ít ỏi rằng, trước đây vì nhà nghèo nên chị phải bỏ học từ mẫu giáo. Từ tháng 3 đến nay nghe nói Nhà nước mở lớp xóa mù nên chị cũng xin chồng đi học cho bằng bạn bằng bè. Không biết cái chữ xấu hổ lắm nhưng nhà nghèo và đông con nên chị đi bữa đực bữa cái. Phải sắp xếp mọi việc ở nhà cả ngày lẫn đêm chị mới có thể đi học được. Vì thế khi đến lớp chị phải cố gắng hơn mọi người để theo kịp họ. “Nói thế chứ cái chữ cũng khó thật đấy, hôm nay đọc hết rồi mà ngày mai nó lại chạy đi đâu mất, về nhà còn phải nhờ con bày thêm cho mới nhớ được” – chị Y Rùa nói vui.

Âm thanh mới ở Piêng Vai

Thầy Lê Thế Toản – Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Mỹ Lý 1 cho biết: "Chúng tôi huy động giáo viên trong trường dạy cho các mẹ, các chị vào thời gian rỗi, tránh học vào các mùa rẫy do đó thu hút được nhiều người đến học. Tuy nhiên, tình trạng vắng học ở các học viên là điều không tránh khỏi vì hoàn cảnh gia đình không ai giống ai. Chúng tôi cũng thấy vui mừng vì tinh thần học tập của chị em phụ nữ ở đây rất cao. Hàng tuần nhà trường đều kiểm tra và động viên các chị, các mẹ cố gắng học tập bằng nhiều hình thức như đến tận nhà ủng hộ, thăm hỏi".

Piêng Vai đã lùi khuất sau lưng nhưng tiếng “ê a” đánh vần vẫn vang vọng khắp núi rừng. Những người phụ nữ ấy tranh thủ đến lớp xong lại về quăng quật bên nương rẫy nhưng trong ánh mắt hướng về con chữ của họ lại sáng lên một niềm vui khôn tả. Bất giác tôi nghĩ đến câu hát: “Khi ông mặt trời đi ngủ, mẹ lên lớp bên ánh đèn, bản làng em rộn vang tiếng hát, niềm tin bao la mẹ viết trang đầu…"

Âm thanh mới ở Piêng Vai