Ấm tình quân dân nơi biên giới Việt - Lào

(Baonghean.vn)- Đồn Biên phòng Phúc Sơn đóng chân trên vùng biên giới thuộc xã Phúc Sơn (Anh Sơn) và Thanh Đức (Thanh Chương). Tại đây, những cán bộ, chiến sỹ quân hàm xanh đang ngày đêm bảo vệ biên cương, cùng với nhân dân xây dựng bản làng no ấm...
Thiếu nguồn thuốc chữa bệnh cho dân nghèo
Phúc Sơn (Anh Sơn) và Thanh Đức (Thanh Chương) là 2 xã tiếp giáp với đường biên giới Việt - Lào, người dân vẫn quen gọi là "vùng Đức - Sơn". Năm 2019 chúng tôi đã đến với Đức - Sơn khá nhiều lần, trong đó có những chuyến đi mang theo những quà tặng của các tấm lòng hảo tâm dành cho bà con. Những quà tặng ấy hết sức đặc biệt, không giống những món quà bình thường mà là những thùng thuốc chữa bệnh, vật tư y tế tặng cho “Tủ thuốc biên cương” phục vụ việc khám và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân do tổ công tác Đồn Biên phòng Phúc Sơn đảm nhận từ năm 2018.
Từ đó đến nay, mô hình “Tủ thuốc biên cương” đến nay vẫn duy trì, y, bác sỹ quân y của Đồn Biên phòng Phúc Sơn vẫn âm thầm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho hàng nghìn lượt người dân mỗi năm. Song, bên cạnh đó vẫn còn những ưu tư, trăn trở.
Một ngày cuối tháng 10/2021, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Anh Sơn, chị Nguyễn Thị Thảo gọi điện thoại cho chúng tôi bày tỏ về những trăn trở trong việc vận động kinh phí ủng hộ “Tủ thuốc biên cương”. Chị Thảo bộc bạch, 2 năm nay do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, người dân nghèo ở 4 bản Cao Vều đã khó khăn nay lại càng khốn khó. Và việc vận động tiền mua thuốc chữa bệnh cho bà con cũng rơi vào cảnh trầm lắng khiến các chị rất trăn trở nhưng chưa tìm ra được giải pháp nào khả quan.
Các nhà hảo tâm tặng thuốc để quân y Đồn Biên phòng Phúc Sơn chữa bệnh miễn phí cho người dân 4 bản biên giới ở Phúc Sơn. Ảnh: H.T
Các nhà hảo tâm tặng thuốc để quân y Đồn Biên phòng Phúc Sơn chữa bệnh miễn phí cho người dân 4 bản biên giới ở Phúc Sơn. Ảnh: H.T
Mỗi năm Hội LHPN huyện cố gắng vận động cũng chỉ được trên 10 triệu đồng để tặng tủ thuốc. Số kinh phí này quá ít ỏi so với nhu cầu thuốc men khám, chữa bệnh hàng ngày của cả nghìn người dân vùng biên giới Phúc Sơn.
Bày tỏ thêm về nỗi băn khoăn trăn trở này, bác sĩ quân y Nguyễn Bá Lương bộc bạch, anh đã bám trụ ở đây nhiều năm nên rất hiểu rõ người dân và nhu cầu được chăm sóc sức khỏe của bà con. Những lúc thăm khám xong, không lấy đâu ra đủ số thuốc cần thiết để chữa bệnh cho bà con, anh thấy day dứt vô cùng.
Mới đây nhất, có cháu Lương Văn Khôi ở bản Cao Vều 3 trên đường đi học về thì bị tai nạn, vết thương nguy hiểm ở vùng gần mắt. Sau khi cấp cứu, xử lý vết thương cho cháu Khôi, bác sĩ Nguyễn Bá Lương còn thăm khám tổng thể cho cháu, và phát hiện cháu cần bổ sung các vi chất bằng một số loại thuốc bổ. Nhưng do số thuốc ấy không có nên đành ngậm ngùi…
“Tổ công tác của đồn chủ yếu thăm khám, chữa những bệnh thông thường, cấp cứu xử lý vết thương cho người dân. Cho nên cũng chỉ cần những loại thuốc chữa các bệnh thông thường, song kinh phí thì hoàn toàn đồn và các hội, đoàn thể vận động, nên luôn luôn trong tình trạng thiếu”, bác sĩ Nguyễn Bá Lương chia sẻ.
Giữ bình yên biên giới Ngược dòng sông Giăng từ xã biên giới Thanh Đức (Thanh Chương), đến với Đồn Biên phòng Phúc Sơn đóng quân tại bản Vều 1, xã Phúc Sơn (Anh Sơn), chúng tôi được Thượng tá Đặng Xuân Thành - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phúc Sơn cho biết, địa bàn đơn vị quản lý trải dài trên hai xã thuộc hai huyện là xã Thanh Đức và xã Phúc Sơn. Địa bàn bảo vệ của đồn có 5 mốc giới với đường biên giới dài 19,03 km tiếp giáp với cụm bản Phôn Mường - Mường Chăm, huyện Xay Chăm Pon, tỉnh Bôlykhămxay, nước bạn Lào. Trong đó, xã Phúc Sơn trải dài trên vùng đất khá rộng với gần 15 nghìn ha. Phúc Sơn có 5,662 km đường biên giới dài và 2 mốc quốc giới. Xã Thanh Đức diện tích nhỉnh hơn “người anh em” Phúc Sơn - 17 nghìn ha và số km đường biên là 13,368 km cùng 3 mốc quốc giới.
Đồn Biên phong Phúc Sơn canh gác đảm bảo an ninh khu vực biên giới. Ảnh: HT
Đồn Biên phong Phúc Sơn canh gác đảm bảo an ninh khu vực biên giới. Ảnh: HT
Với đặc điểm địa hình đồi núi hiểm trở, cơ sở hạ tầng có nơi chưa theo kịp yêu cầu phát triển; thời tiết, khí hậu khắc nghiệt; trình độ dân trí không đồng đều, ngoài ra còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp về an ninh, trật tự như tuyên truyền đạo trái phép, tội phạm ma túy, vi phạm quy chế biên giới, sử dụng xung điện, hóa chất đánh bắt thủy sản trên sông, suối, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19... đã và đang tác động lớn đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự địa bàn. Để giữ bình yên trên khu vực biên giới rộng lớn đó, những chiến sỹ quân hàm xanh Đồn Biên phòng Phúc Sơn đã lặng lẽ đặt những dấu chân của mình trên khắp các nẻo biên giới nơi đây. Những việc làm đó đã khiến  “đồng bào ưng cái bụng"  như cách nói của ông Lô Dương Tiến, dân tộc Thái, người có uy tín của bản Vều 3, xã Phúc Sơn.  Trong cuộc chuyện trò về những việc các chiến sỹ quân hàm xanh tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, ông Tiến còn nhắc chuyện cuối tháng 10/2021, người dân bản Vều 4, xã Phúc Sơn xôn xao, sợ hãi khi nghe tin anh V.V.K trú cùng bản chết bất ngờ. “Nghe tin anh V.V.K chết chúng tôi rất hoang mang, sau đó lại biết thêm thông tin về thủ phạm bị nghi ngờ giết anh K chính là người em rể”, bà Vi Thị Xoa ở bản Vều 4 cho biết. Về vụ việc này, lãnh đạo xã Phúc Sơn cho biết, thủ phạm đã bị bắt 1 ngày sau đó nhờ sự phối hợp điều tra nhanh của lực lượng Công an tỉnh, Công an huyện Anh Sơn và sự hỗ trợ thu thập thông tin của Đồn Biên phòng Phúc Sơn, kịp thời trấn an dư luận trong nhân dân. Thượng tá Đặng Xuân Thành - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phúc Sơn cho biết, hàng năm đồn thường xuyên tham mưu, phối hợp địa phương tổ chức các hoạt động giữ an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm trên địa bàn Đức - Sơn. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2021, đồn đã phối hợp bắt, khởi tố 3 vụ án hình sự, 4 đối tượng có hành vi “Mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy”, thu giữ 5 kg ma túy dạng đá, 48 viên ma túy tổng hợp, 0,315g heroin; phát hiện, bắt xử lý 7 vụ, 15 đối tượng vi phạm hành chính xử phạt hơn 20 triệu đồng. Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương trong tỉnh, các chiến sỹ quân hàm xanh nơi đây đã không kể ngày đêm phối hợp cùng địa phương thực hiện “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép”; tổ chức cho hơn 4.000 hộ dân ở xã Thanh Đức và Phúc Sơn ký cam kết thực hiện, đồng thời lắp đặt 15 hộp thư tố giác xuất nhập cảnh trái phép trên địa bàn.
“Cũng chính vì các anh luôn hết lòng vì dân, vì bản làng nên nhân dân cũng là một trong những nguồn tin chính, có giá trị giúp đơn vị kịp thời xác minh, đấu tranh hiệu quả các vụ việc ngay khi mới manh nha. Mặt khác, người dân cũng xác định Đồn Biên phòng Phúc Sơn là địa chỉ tin cậy để họ gửi gắm niềm tin, trình báo các vụ việc để được nhanh chóng hỗ trợ giải quyết, giữ bình yên cho nhân dân yên tâm lao động, sinh sống”, Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn Nguyễn Văn Tráng khẳng định.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Phúc Sơn giúp người dân vượt lũ. Ảnh Hải thượng
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Phúc Sơn giúp người dân vượt lũ. Ảnh Hải thượng
Thiếu tá Nguyễn Bá Kỷ - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Phúc Sơn cho biết, thêm từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã tham mưu, phối hợp với MTTQ các cấp kêu gọi hỗ trợ được 450 triệu đồng; cử cán bộ, chiến sỹ giúp trên 200 ngày công làm 8 nhà "Đại đoàn kết" tặng những hộ nghèo của xã. Đơn vị còn phối hợp với MTTQ xã Phúc Sơn, xã Thanh Đức rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh hỗ trợ 210 triệu đồng làm 7 nhà "Đại đoàn kết" cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn đang ở nhà tạm.
Củng cố tổ chức cơ sở Đảng
Năm 2018 trở về trước, Chi bộ bản Vều 4, xã Phúc Sơn chỉ có 3 đảng viên, gồm 1 đảng viên tại chỗ là anh Hà Văn Nếp và 2 đảng viên tăng cường của Đồn Biên phòng Phúc Sơn và Bưu điện văn hóa xã Phúc Sơn về sinh hoạt cùng. “Thời điểm đó tôi được tăng cường về sinh hoạt tại Chi bộ Vều 4 đã không khỏi lo lắng với tình hình lúc bấy giờ. Chi bộ chỉ có 1 đảng viên tại chỗ là Bí thư kiêm Trưởng bản, kỹ năng lãnh đạo chi bộ còn hạn chế”, Đại úy Nguyễn Công Thảo - Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Phúc Sơn nhớ lại.
Để giúp Chi bộ Vều 4, Thảo đã cầm tay chỉ việc, tìm nguồn và vận động, bồi dưỡng kết nạp được thêm 2 đảng viên là công an viên và hội viên Hội Nông dân vào Chi bộ Vều 4 vào đầu năm 2020. Tiếp đó, tham mưu cho cấp trên kiện toàn nhân sự, giúp Chi bộ Vều 4 thoát khỏi nguy cơ không còn chi bộ, được Huyện ủy Anh Sơn tuyên dương, khen thưởng.
Các đoàn thể phối hợp với lực lượng quân đội xây nhà "Đại đoàn kết" tặng người dân xã Thanh Đức (ảnh trên), tặng bò giống cho hộ nghèo và gặt lúa giúp người dân. Ảnh: B.M
Các đoàn thể phối hợp với lực lượng quân đội xây nhà "Đại đoàn kết" tặng người dân xã Thanh Đức (ảnh trên), tặng bò giống cho hộ nghèo và gặt lúa giúp người dân. Ảnh: B.M
Ông Nguyễn Công Bình - Bí thư Đảng ủy xã Phúc Sơn cho biết: “Đội ngũ cán bộ, đảng viên Biên phòng đã chủ động nắm chắc tình hình; kịp thời tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố vững chắc các tổ chức cơ sở Đảng; đồng thời phối hợp các lực lượng chức năng giải quyết các vấn đề, vụ việc phức tạp xảy ra. Điều đó đã góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Chủ tịch UBDN xã Phúc Sơn Nguyễn Văn Tráng (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn , kiểm tra người dân trồng chè. Ảnh: Hoài Thu
Chủ tịch UBDN xã Phúc Sơn Nguyễn Văn Tráng (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn , kiểm tra người dân trồng chè. Ảnh: Hoài Thu
Còn ở xã Thanh Đức, trước đây nền nếp, chất lượng hoạt động của một số chi bộ xóm, bản vùng giáp biên còn nhiều hạn chế, thiếu chiều sâu. Trước thực trạng đó, từ năm 2015 đến nay, Đồn Biên phòng Phúc Sơn đã tham mưu đề xuất Ban Thường vụ, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh điều động, bổ nhiệm 6 lượt cán bộ tăng cường tham mưu phát triển kinh tế, xã hội về hai xã Thanh Đức, Phúc Sơn. Đồng thời, Đảng ủy Đồn Biên phòng Phúc Sơn đã chủ trì, phối hợp với Đảng ủy hai xã biên giới phân công 18 lượt đảng viên BĐBP sinh hoạt tạm thời tại 7 chi bộ xóm, bản yếu kém và chi bộ tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh trật tự, tôn giáo; phân công 21 đảng viên biên phòng phụ trách 126 hộ gia đình khu vực biên giới. Việc làm này đã và đang giúp cho người dân các xã Phúc Sơn (Anh Sơn) và Thanh Đức (Thanh Chương) có cuộc sống yên ổn, có động lực để vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
Chia tay vùng Đức Sơn, chúng tôi thầm cảm phục những chiến sỹ quân hàm xanh - những người đang ngày đêm âm thầm giữ yên biên giới, hết lòng phục vụ nhân dân và được chính đồng bào mình tin tưởng, yêu thương. “Tình cảm của đồng bào Đức - Sơn từ trước đến nay đối với Đồn Biên phòng Phúc Sơn thì không bao giờ thay đổi, nó khăng khít như môi với răng vậy”, già làng Lê Văn Việt ở bản Vều 1, xã Phúc Sơn vui vẻ bộc bạch.

Tin mới