Ấn Độ bàn với Mỹ cách đối phó Trung Quốc?

(Baonghean) - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang có chuyến thăm Mỹ trong 2 ngày 7 và 8/6. Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động bành trướng ngang ngược trên các vùng biển khu vực châu Á khiến lợi ích của cả Mỹ lẫn Ấn Độ bị ảnh hưởng, chuyến công du này được cho là bước đi của ông Modi nhằm kiềm chế Trung Quốc. Bên cạnh đó là mục tiêu hướng tới mối quan hệ “đồng minh tự nhiên” mà cả hai bên đang kỳ vọng.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) đàm đạo tại New Dehli năm 2015 (Nguồn: Reuters)
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) đàm đạo tại New Dehli năm 2015. Ảnh: Reuters.

Chung mối bận tâm

Trải qua khá nhiều sóng gió, dư luận khó có thể ngờ mối quan hệ Mỹ - Ấn lại xoay chuyển một cách nhanh chóng và phát triển với tốc độ ấn tượng như thời gian qua. Một trong những nguyên nhân chính được chỉ ra, đó là sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc - mối bận tâm chung đang nóng từng ngày của cả 2 quốc gia.

Về phía Ấn Độ, ngay từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Modi đã nhận thức rõ, Trung Quốc chính là đối thủ hàng đầu của New Dehli tại khu vực châu Á. Sự phát triển về kinh tế, các hành động bành trướng trên các vùng biển châu Á như Biển Đông và Ấn Độ Dương của Trung Quốc đã tạo ra những thách thức rất lớn cho chính quyền ông Modi.

Đó là sức ép về chính sách an ninh, đối ngoại hay không gian phát triển. Nếu không xử lý tốt những thách thức này, chính quyền Thủ tướng Modi sẽ khó có thể thực hiện “chính sách hướng Đông” của mình. Trong bối cảnh như vậy, bắt tay chặt với Mỹ sẽ là bước đi không thể tốt hơn của Ấn Độ lúc này.

Còn về phía Mỹ, rất nhiều lợi ích của nước này tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong chiến lược “xoay trục sang châu Á” của Tổng thống Obama cũng liên quan đến Trung Quốc. Mỹ hiểu rõ rằng, Trung Quốc vừa là đối tác vừa là đối thủ lớn nhất tại khu vực này.

Ông Ashley Tellis, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định, Tổng thống Obama hay bất kì ai tiếp quản Nhà trắng cũng không thể trốn tránh vấn đề Trung Quốc”. Trong bối cảnh đó, Mỹ đã tìm thấy một đối tác tốt là Ấn Độ với mục tiêu chia sẻ gánh nặng an ninh khu vực.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) sau buổi hội đàm tại New Dehli ngày 25 tháng 1 năm 2015 (Nguồn: Politico)
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) sau buổi hội đàm tại New Dehli ngày 25/1/2015. Ảnh: Politico.

Chuyến đi nhiều mục đích

Không chỉ vì mối bận tâm chung là Trung Quốc, việc Thủ tướng Ấn Độ Modi tìm đến Mỹ còn nhắm đến hàng loạt mục tiêu chiến lược khác.

Thứ nhất, cũng xuất phát từ việc kiềm chế và đối phó với Trung Quốc, hợp tác an ninh, quân sự, quốc phòng giữa 2 nước đang phát triển mạnh mẽ chưa từng có.

Trong bài phát biểu mới đây tại New Delhi, Ấn Độ, Đô đốc Harry Harris, Chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ tuyên bố: “Trong tương lai không xa, việc các tàu hải quân của Ấn Độ và Mỹ song hành cùng nhau tại các vùng biển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - châu Á sẽ trở thành hiện tượng phổ biến và được chào đón trong khu vực”. Đô đốc Harris cũng nhấn mạnh, 2 bên sẽ cùng hợp tác để duy trì, đảm bảo tự do hàng hải cho các quốc gia ở các vùng biển trong khu vực này.

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar đã “nhất trí về nguyên tắc” chia sẻ hậu cần quân sự. Trước đó, Mỹ nhiều năm qua đã hối thúc Ấn Độ nhanh chóng ký kết Hiệp định hỗ trợ hậu cần, theo đó cho phép quân đội 2 nước có thể sử dụng các căn cứ hải, lục, không quân của nhau để tiến hành các hoạt động tiếp tế, sửa chữa. Sau nhiều năm còn cân nhắc, đến nay cả Mỹ và Ấn Độ đều khẳng định hiệp định này đã đạt được đồng thuận sơ bộ.

Một điểm nhấn khác trong mối quan hệ Mỹ - Ấn hiện nay là trao đổi công nghệ, trong đó trọng tâm là Sáng kiến Công nghệ Quốc phòng và Thương mại (DTTI) được phát triển từ năm 2012. Hiện nay, Ấn Độ cũng đang tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ trong 2 lĩnh vực chính là công nghệ phát triển động cơ cho máy bay chiến đấu hạng trung tiên tiến do chính Ấn Độ sản xuất và hệ thống phóng máy bay bằng điện tử.

Bên cạnh đó, nếu hợp đồng mua bán pháo M777 siêu nhẹ, máy bay vận tải C-17 Globemaster III và máy bay hàng hải P8-I được tiếp tục, Mỹ sẽ trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Ấn Độ. Theo con số thống kê, các hợp đồng quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ đã đạt mức 14 tỷ USD từ năm 2007 đến nay.

Ngoài ra, quốc gia có nền kinh tế năng động hàng đầu châu Á và nền kinh tế số 1 thế giới tăng cường quan hệ sẽ chỉ mang lại những lợi ích lớn cho cả 2 bên. Điều này cũng phù hợp với chiến lược “Sản xuất tại Ấn Độ” thu hút đầu tư nước ngoài đặc biệt là Mỹ mà Thủ tướng Modi từng đưa ra.

Đặc biệt, trong lúc quan hệ với Nga không mang lại nhiều giá trị vì nước Nga còn đang chật vật đối đầu khó khăn, thì việc tìm đến Mỹ là chiến lược đúng của ông Modi lúc này. Bởi thế, 2 nhà lãnh đạo đã đặt ra kế hoạch tham vọng tăng tổng thương mại Mỹ - Ấn lên gấp 5 lần từ hơn 100 tỷ USD hiện nay lên 500 tỷ USD trong 10 năm tới. 

Trong khi đó về phía Mỹ, nước này và nhiều nước phương Tây cũng đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư ra khỏi thị trường Trung Quốc đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mỹ cũng không ngại bày tỏ mục đích tăng và chuyển dịch đầu tư, biến Ấn Độ thành trung tâm sản xuất mới của thế giới.

Phải chăng Mỹ-Ấn đang muốn gạt bỏ rào cản xích lại gần nhau? Ảnh: Internet.
Phải chăng Mỹ-Ấn đang muốn gạt bỏ rào cản xích lại gần nhau? Ảnh: Internet.

Vẫn còn rào cản

Như vậy, động lực khiến Mỹ và Ấn Độ xích lại gần nhau là rất lớn. Tuy vậy, việc thắt chặt quan hệ giữa 2 nước không phải vì thế mà không còn rào cản.

Như trong 1 bức thư gửi tới Thủ tướng Modi hồi tháng 2 năm nay, 1 nhóm nghị sĩ Mỹ đã bày tỏ quan ngại về vấn đề nhân quyền tại Ấn Độ. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, Ấn Độ không phải là đồng minh và cũng không cử binh sĩ tham gia cùng quân đội Mỹ trong các cuộc chiến gần đây.

Về phía Ấn Độ, các nhà hoạch định chính sách nước này cũng nhận thấy rằng, Mỹ đã gạt Ấn Độ sang một bên khi thực hiện con đường hòa bình ở Afghanistan chạy qua Pakistan. Hay việc Mỹ vẫn ngầm hỗ trợ hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan và kế hoạch phát triển cảng Gwadar của Pakistan.

Tất nhiên, mối quan hệ nào đặc biệt giữa các nước lớn cũng có những khó khăn và rào cản. Thế nhưng, lợi ích quốc gia sẽ là trên hết. Một Ấn Độ đang tìm mọi cách vươn lên trỗi dậy tại châu Á và toàn cầu, một nước Mỹ đang muốn gia tăng vai trò và vị thế tại châu Á - Thái Bình Dương, chắc chắn sẽ không ngần ngại cùng nhau gạt bỏ những rào cản để đến gần nhau hơn nữa.

Khang Duy

TIN LIÊN QUAN

Tin mới