Ấn Độ từ bỏ tiêm kích FGFA để mua luôn Su-57?

Nhiều khả năng Không quân Ấn Độ sẽ ký hợp đồng đặt mua tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga trong khi dự án liên doanh FGFA đang đi vào ngõ cụt.

Chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 Su-57 do Liên bang Nga sản xuất sẽ được chuyển giao cho lực lượng Hàng không - Vũ trụ của họ vào cuối năm 2019, Chủ tịch Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất (UAC) - ông Yuri Slyusar tuyên bố như vậy.

Mặc dù hiện tại Nga dự kiến sẽ mua tất cả 15 chiếc Su-57, nhưng có vẻ như Moskva sẽ tìm được khách hàng tiềm năng là Ấn Độ - nơi sẽ sở hữu phi đội Su-57 với số lượng còn nhiều hơn cả Không quân Nga, tạp chí National Interest đưa tin.

Phương án bán tiêm kích tối tân Su-57 cho đối tác nước ngoài nhằm lấy ngoại tệ để tái đầu tư sản xuất là giải pháp không tồi với Nga vào thời điểm này, khi chương trình chế tạo hàng loạt Su-57 đang gặp phải vấn đề lớn nhất là nguồn vốn ổn định.

Ấn Độ từ bỏ tiêm kích FGFA để mua luôn Su-57? ảnh 1
Đồ họa tiêm kích tàng hình FGFA do Ấn Độ liên doanh với Nga.

Sở dĩ Ấn Độ được nhắc tên là do New Delhi đã tham gia khá sâu vào chương trình tiêm kích thế hệ 5 của Nga, cụ thể chiến đấu cơ FGFA vốn được xem như phiên bản sửa đổi với buồng lái hai người điều khiển của chiếc Su-57.

Tuy nhiên hiện tại số phận dự án FGFA đang đứng trước nguy cơ lớn là sẽ bị chấm dứt do Ấn Độ đã tuyên bố rút chân khỏi chương trình vì nhiều lý do, đáng kể nhất là chi phí bị tăng vọt và tính năng kỹ chiến thuật của máy bay không đáp ứng nổi kỳ vọng ban đầu.

New Delhi từng cân nhắc phương án đặt mua tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II của Mỹ, nhưng do hợp đồng S-400 Triumf mà viễn cảnh trên trở nên xa vời khi Washington mặc dù miễn áp dụng Đạo luật CAATSA nhưng lại báo giá F-35 ở mức mà Ấn Độ khó lòng chấp nhận.

Ấn Độ từ bỏ tiêm kích FGFA để mua luôn Su-57? ảnh 2
Ấn Độ sẽ mua tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga với số lượng lớn

Tình hình hiện nay khiến Ấn Độ khó lòng chờ đợi để được sở hữu tiêm kích thế hệ 5 lâu hơn nữa, khi đối thủ lớn nhất của họ là Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất hàng loạt J-20 và còn dự định bán cho Pakistan chiến đấu cơ J-31.

Để tránh bị lép vế trước hai kẻ địch mạnh thì Không quân Ấn Độ cần nhanh chóng đưa vào biên chế trực chiến những phi đội chiến đấu cơ tàng hình với số lượng lớn. Muốn không bị chậm tiến độ, lựa chọn gần như là duy nhất của họ vào lúc này chỉ còn Su-57.

Trong quá khứ và cả hiện tại, Ấn Độ chính là quốc gia có nhiều xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 nhất, họ cũng là nước đầu tiên triển khai tên lửa chống hạm siêu âm Kalibr. Thực trạng trên là do Nga đã thực hiện chính sách bán sản phẩm quốc phòng tối tân cho bạn bè để lấy tiền tái đầu tư trang bị cho mình, cho nên nhiều khả năng Su-57 sẽ đi theo con đường mà hai vũ khí trên đã vạch ra.

Tin mới