Ấn Độ và Trung Quốc tranh giành uy thế khu vực tại Ấn Độ Dương

(Baonghean.vn)- Sự cạnh tranh giữa hai đối thủ lâu đời Trung Quốc và Ấn Độ đang lan rộng trên khắp Ấn Độ Dương.

Từ Tanzania tới Sri Lanka, hai đối thủ nặng ký tại châu Á này nỗ lực thiết lập lực lượng quân đội và sự hiện diện kinh tế mạnh mẽ hơn tại các nước dọc Ấn Độ Dương, với mục tiêu giành ưu thế khu vực.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang tìm cách xây dựng cái mà một số chuyên gia chính sách gọi là chiến lược “Chuỗi Ngọc trai”, với tham vọng nối biển Đông và Ấn Độ Dương.

 Một tàu hải quân Trung Quốc tại vùng biển phía Tây Ấn Độ Dương. Ảnh: Getty
Một tàu hải quân Trung Quốc tại vùng biển phía Tây Ấn Độ Dương. Ảnh: Getty
Hồi năm 2016, Bắc Kinh tiết lộ kế hoạch triển khai căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên ở Djibouti. Nhiều dự án kinh doanh do các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc đầu tư trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình, trong đó có cảng ở Tanzania, đã củng cố các nỗ lực trên. 

Trong khi đó, New Delhi, không an tâm trước lo ngại rằng Bắc Kinh đang thống trị sân sau của họ, nên đang “ăn miếng trả miếng”. Trong chuyến thăm tới Oman hồi tháng trước, Thủ tướng Narendra Modi đã được quyền tiếp cận các cơ sở hải quân tại quốc gia Trung Đông này, gần eo biển Hormuz.

Chuyên gia David Brewster thuộc Đại học Quốc gia Australia nhận xét: “Dường như chúng ta đang ở trong một cuộc chạy đua để xây dựng cơ sở trên khắp Ấn Độ Dương”. 

Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi (trái) gặp vua Oman Qaboos bin Said trong chuyến thăm gần đây nhất. Ảnh: AP
Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi (trái) gặp vua Oman Qaboos bin Said trong chuyến thăm gần đây nhất. Ảnh: AP
Ngoài ra, các dự án thương mại do các công ty Trung Quốc và Ấn Độ đầu tư cũng có thể nhằm mục đích quân sự. Một viện nghiên cứu của Ấn Độ cho hay các quan chức ngoại giao hai nước “tin rằng cảng Hambantota tại Sri Lanka sẽ trở thành căn cứ quân sự và hải quân Trung Quốc, một Djbouti thứ hai”.

Maldives và Myanmar, hai nước nhận đầu tư của Bắc Kinh, cũng được xem là khu vực tiềm năng mà quân đội Trung Quốc có thể nhắm đến. Chuyên gia Brewster nhận xét: “Không loại trừ khả năng Ấn Độ trong tương lai sử dụng cảng nước sâu Chabahar ở Iran cho mục đích quân sự”. 

Ấn Độ Dương cũng trở thành điểm nóng cho công nghệ vũ khí. Bắc Kinh có kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển ở đó. Giới phân tích cho biết việc New Delhi đề nghị mua máy bay không người lái của Mỹ là nhằm mục đích giám sát hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển này./.

Tin mới