Ẩn sỹ dưới chân núi Pù Huột

(Baonghean.vn) - Cách núi Pù Huột xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông không xa là nơi ở của gia đình anh La Văn Bồ - một "nghệ sỹ mù" có thể tự đệm đàn và hát nhạc đồng bào Thái rất hay.

Anh La Văn Bồ đang ngồi đánh đàn bên căn chòi nhỏ của gia đình mình ở giữa rừng. Ảnh: Hồ Phương
Anh La Văn Bồ đang ngồi đánh đàn bên căn chòi nhỏ của gia đình mình ở giữa rừng. Ảnh: Hồ Phương

Một lần đến với xã Bình Chuẩn ông Nguyễn Văn Mạnh - Chủ tịch xã Bình Chuẩn khoe rằng: “Ngoài việc đời sống của bà con dân bản đang ngày càng khấm khá thì hiện trong xã có một nghệ sỹ đa tài và sống ẩn dật ở trong núi”. Lời giới thiệu của ông khiến chúng tôi băng rừng để đến gia đình anh La Văn Bồ, bản Na Cọ.

Tổ ấm của gia đình anh là một căn chòi giữa rừng dưới chân núi Pù Huột. Căn chòi kiểu nhà sàn đơn sơ được dựng đã lâu năm, phần mái thủng lỗ chỗ với những chiếc tranh cọ lâu ngày ngả màu đen sẫm.

Trong căn nhà, chị vợ Lương Thị Hiền (sinh năm 1975), và đứa con La Đình Hợp (sinh năm 2013) đang ngồi bên bếp lửa để nấu bữa ăn chiều. Anh La Văn Bồ ngồi trước sàn để sửa lại chiếc rổ đã nhớm bị bong vành cho vợ anh.

Năm lên 15 tuổi, Anh Bồ đã đánh đàn ghi ta thành thạo. Ảnh: Hồ Phương
Năm lên 15 tuổi, Anh Bồ đã đánh đàn ghi ta thành thạo. Ảnh: Hồ Phương

Thấy sự xuất hiện của người lạ ghé thăm, anh Bồ chào hỏi và không ngần ngại lọ mọ lấy chiếc đàn ghi ta treo trên chiếc xà đầu giường mang ra đệm cho chúng tôi nghe.

Sau một lúc đệm cho chúng tôi nghe, anh Bồ ôm chiếc ghi ta đã quá tuổi con trai của mình, rồi chậm rãi kể về quãng đời khó khăn đã qua của anh.

Anh Bồ sinh ra trong gia đình nghèo có 5 người con. Vào 1 sáng sớm năm anh 12 tuổi, đang học lớp 5 bỗng dưng mặt anh bị phù to, đầu, trán và mắt sưng húp, đôi mắt anh mờ dần. Gia đình lo sợ đưa anh đi bệnh viện để khám chữa.

Qua 3 lần chữa trị, mặt anh đã giảm sưng nhưng mắt anh thì mờ dần, 1 con mắt bên trái gần như không còn nhìn thấy gì nữa. Còn lại mắt bên phải vẫn nhìn thấy nhưng không rõ nữa. Do gia đình hoàn cảnh nên từ đó đến nay anh đã không đi khám chữa nữa. Và duyên tình với cái chữ của anh cũng đứt lìa từ đó.

Chiếc đàn ghi ta gắn bó với anh Bồ gần 20 năm qua. Ảnh: Hồ Phương
Chiếc đàn ghi ta gắn bó với anh Bồ gần 20 năm qua. Ảnh: Hồ Phương

Nghỉ học, anh về nhà làm những việc nhỏ trong gia đình như: chăn gà, chăn trâu... để giúp đỡ bố mẹ nghèo vất vả. Cứ từ đó, thời gian trôi dần, anh lớn lên quen với khu vườn, thửa ruộng.

Năm lên 15 tuổi, trong 1 lần sang nhà hàng xóm chơi, anh nghe được tiếng đàn của một người thợ mộc từ dưới miền xuôi lên dựng nhà. Sau khi nghe, anh cảm thấy thích thú tiếng đàn. Từ đó, mặc dù mắt kém nhưng anh cũng chống gậy, tìm đến nhà ông hàng xóm để được nghe tiếng đàn của người thợ mộc nọ. Thấy bé trai yếu ớt, mắt kém đêm đêm lấp ló ngoài hàng rào để nghe tiếng đàn của mình, người thợ mộc đã ra đưa Bồ vào và nhận dạy cho Bồ cách đánh đàn.

Đêm đêm, khi mọi người trong gia đình chưa kịp ăn xong bữa tối thì Bồ đã bỏ bát, tìm đến nhà ông thợ mộc để đi học đàn. Chỉ 2 tháng sau, Bồ đã thuộc hết những gam trên chiếc đàn ghi ta. Từ đó, tiếng đàn của anh Bồ đã bắt đầu trơn tru dần.

Anh Lô Văn Giáp, nguyên Trưởng bản Na Cọ kể lại: “Hồi đó, tiếng đàn ghi ta của anh Bồ trở nên như một hiện tượng của bản, của xã. Từ trẻ em cho đến người già đều thích thú nghe Bồ đàn hát. Đám cưới nào trong bản cũng mời Bồ đến đàn hát cho nghe cả”.

Tiếng đàn của anh Bồ bỗng vang xa đến các bản làng khác, cũng có nhiều người nể phục đến nghe, quay video lại rồi đẩy lên mạng Youtube và đã có hàng trăm ngàn lượt xem.

Căn chòi nhỏ giữa rừng của gia đình anh La Văn Bồ. Ảnh: Hồ Phương
Căn chòi nhỏ giữa rừng của gia đình anh La Văn Bồ. Ảnh: Hồ Phương

Năm 2001, trong 1 lần đi ăn vía, nhờ tiếng đàn anh đã quen chị Lương Thị Hiền. Mặc dầu thân hình khá yếu ớt, lại bị tàn tật nhưng với tiếng đàn thanh thoát, giọng hát trong trẻo cùng đức tính hiền lành, chịu khó khiến cho người đẹp đất Châu Lý, Quỳ Hợp nể phục và đem lòng yêu Bồ.

Đến nay, anh đã có một gia đình hạnh phúc cùng vợ và cậu con trai khỏe mạnh. Ngày ngày anh Bồ đi chăn bò, kiếm rau nuôi lợn. Chị Hiền thì lên rừng hái măng, đến ngày xuống ruộng cấy cày. “Dù cuộc sống đang vất vả nhưng tôi vẫn thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại của mình. Mong rằng con trai tôi sẽ có một cuộc sống ấm no hơn tôi hiện nay” - anh Bồ chia sẻ.

Hồ Phương

TIN LIÊN QUAN

Tin mới