Anh: Đột phá mới chữa bệnh mù lòa

(Baonghean.vn) - Giáo sư Pete Coffey của Đại học London đang đi tiên phong trong việc thực hiện một liệu pháp mới để ngăn chặn căn bệnh thoái hóa điểm vàng do lão hóa (AMD) và phục hồi thị lực cho người mù thông qua dự án London Phục hồi tia sáng.
Giáo sư Pete Coffey - Chủ nhiệm Dự án London Phục hồi tia sáng.
Giáo sư Pete Coffey - Chủ nhiệm Dự án London Phục hồi tia sáng.
Giáo sư Coffey đã dành 8 năm qua cho việc nghiên cứu và sáng tạo phương pháp điều trị của mình. Vào ngày 11/8/2015, bệnh nhân đầu tiên đã được chữa trị theo liệu pháp tân tiến này.
Bệnh nhân là một phụ nữ 60 tuổi mắc bệnh AMD ở dạng nặng. Các mạch máu ở mặt sau của mắt đã vỡ khiến máu tràn ngập võng mạc và nhanh chóng phá hủy thị giác của bệnh nhân.
Các bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện Mắt Moorfields ở London đã thực hiện tiến hành cấy ghép một lớp mỏng polyester chỉ rộng 3 mm vào tế bào phía sau võng mạc của mỗi mắt.
Họ sử dụng tế bào gốc để tái tạo lại sắc tố võng mạc biểu mô (RPE) - phần tế bào đã bị phá hủy ở bênh nhân và là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh mù lòa.
"Khả năng phục hồi là hoàn toàn có thể. Bạn có thể đặt các tế bào RPE nhân tạo vào trong mắt và phục hồi thị lực cho bệnh nhân", Coffey nói. "Tôi hy vọng họ sẽ sớm lấy lại thị giác và nhìn thấy gia đình của mình một lần nữa".
Tuy nhiên phải mất 6 tháng để các bác sĩ tại bệnh viện Moorfields chính thức tuyên bố ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp.
"Chúng tôi đang đánh giá lại ca phẫu thuật của mình và cần thêm thông tin để kết luận," Coffey nói. "Tôi vô cùng ngạc nhiên khi các tế bào nhân tạo có thể thích ứng với bệnh nhận đến tận thời điểm này".
9 bệnh nhân tiếp theo sẽ được tiến hành chữa trị theo phương pháp mới này. Nếu thành công, giáo sư Coffey hy vọng các ca phẫu thuật thay thế RPE sẽ trở nên phổ biến như các ca phẫu thuật đục thủy tinh thể để kết thúc sự đau khổ của hàng triệu bệnh nhân mắc bệnh mù lòa./.
Thanh Hiền
(Theo CNN)
TIN LIÊN QUAN

Tin mới