Anh Sơn xây dựng nhãn hiệu tập thể chè Gay

(Baonghean.vn) - Để chè Gay đứng vững trên thị trường, huyện Anh Sơn đang xây dựng kế hoạch, đồng thời thực hiện các bước xây dựng nhãn hiệu tập thể cho cây chè Gay.

Cao Sơn là xã có diện tích chè Gay lớn của huyện Anh Sơn với gần 550 ha, trong đó hơn 90% số hộ trồng. Hiện nay chè Gay là cây trồng mũi nhọn trong xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân Cao Sơn có thu nhập ổn định. 

Với kinh nghiệm lâu năm trong việc trồng và chăm sóc cây chè Gay, những năm gần đây, người trồng chè Cao Sơn đã áp dụng quy trình sản xuất sạch.

Từ khi có chủ trương của địa phương về xây dựng chè sạch, gia đình chị Hà Thị Lộc thôn 8, xã Cao Sơn đã mạnh dạn đầu tư trồng 5 sào chè. Ảnh: Thái Hiền
Từ khi có chủ trương của địa phương về xây dựng chè sạch, gia đình chị Hà Thị Lộc thôn 8, xã Cao Sơn đã mạnh dạn đầu tư trồng 5 sào chè. Ảnh: Thái Hiền

Gia đình chị Hà Thị Lộc ở thôn 8, xã Cao Sơn trồng 5 sào chè cho hay, ngay từ khâu dọn dẹp thực bì, làm cỏ, chăm sóc chị không sử dụng hóa chất diệt cỏ cũng như phân bón hóa học. Phân bón được sử dụng chủ yếu từ phân bón hữu cơ, vi sinh ủ từ chế phẩm nông nghiệp.  Nhờ vậy diện tích chè phát triển tốt, cho thu nhập hàng ngày; bình quân mỗi ngày thu hái 40 bó, với giá hiện nay là 5.000 - 6.000 đồng/bó, mỗi tháng chị  có nguồn thu 5 - 6 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Châu ở thôn 6 xã Cao Sơn chia sẻ: Đi qua bao thăng trầm cùng với cây chè Gay, người dân Cao Sơn đã ý thức được rằng, muốn sản xuất chè mang tính chất hàng hóa thì sản phẩm tiêu thụ ra thị trường phải có tính cạnh tranh cao. Vì vậy, cùng với việc chủ động chuyển đổi, cải tạo đồi chè, chúng tôi đã thực hiện sản xuất chè an toàn theo hướng VietGAP.

Hiện nhà ông Châu hơn 1 ha chè xanh, là nguồn thu nhập chủ yếu. Ông cho rằng làm chè sạch là cách tốt nhất để xây dựng thương hiệu, song vấn đề hiện nay là chè Gay Cao Sơn chưa có nhãn hiệu hàng hóa, chưa có thương hiệu và sản phẩm chè an toàn nên giá trị cây chè chưa cao, chưa xứng với công sức bỏ ra.

Trung bình mỗi ngày người dân Cao Sơn bán ra thị trường từ 8.000 - 8.500 bó chè. Ảnh: Thái Hiền
Trung bình mỗi ngày người dân Cao Sơn bán ra thị trường từ 8.000 - 8.500 bó chè. Ảnh: Thái Hiền

Hiện toàn xã có gần 550 ha, với 90% hộ gia đình trồng, hộ trồng nhiều trên 1 ha, hộ trồng ít từ 2 - 3 sào chè. Hàng ngày, có từ 3 - 5 chiếc xe tải của thương lái đến thu mua tận vườn và  vận chuyển đi xuống huyện Diễn Châu, TP. Vinh, vào Hà Tĩnh và ra tận Hà Nội.

Trung bình mỗi ngày người dân Cao Sơn bán ra thị trường từ 8.000 - 8.500 bó chè; với giá chè 5.000 đồng/ bó, tính ra mỗi năm xã Cao Sơn thu tiền tỷ từ cây chè Gay 

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Cao Sơn, trong quá trình sản xuất, xã đã vận động bà con chú trọng nâng chất lượng sản phẩm chè, cam kết áp dụng đúng quy trình sản xuất an toàn, không sử dụng thuốc BVTV nhằm đảm bảo sản phẩm chè an toàn cho người tiêu dùng.

Hàng ngày, có từ 3 - 5 chiếc xe tải của thương lái đến thu mua chè tận vườn cho bà con. Ảnh: Thái Hiền
Hàng ngày, có từ 3 - 5 chiếc xe tải của thương lái đến thu mua chè tận vườn cho bà con. Ảnh: Thái Hiền

Cùng với một số cây nguyên liệu trên địa bàn, những năm gần đây cây chè Gay được huyện Anh Sơn xác định là loại cây chủ lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho bà con nông dân. Sản phẩm này được huyện xác định là một trong nhũng sản phẩm nông sản đặc trưng của huyện. 

Hiện Anh Sơn đang xây dựng kế hoạch và quy trình xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho cây chè Gay trong năm 2018. Nếu xây dựng được nhãn hiệu tập thể cho cây chè Gay sẽ nâng cao giá trị kinh tế cây chè, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, đem lại giá trị lợi nhuận cao cho người sản xuất để tạo hướng đi bền vững cho nền kinh tế của địa phương.

                                  Thái Hiền

TIN LIÊN QUAN

Tin mới