Át chủ bài giúp Hải quân Mỹ thống trị các đại dương

Các nhóm tác chiến tàu sân bay hùng hậu giúp Mỹ biến đại dương thành vùng đệm ngăn chiến tranh lan rộng tới lãnh thổ nước này.
Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ trên biển Nhật Bản tháng 5/2017. Video: US Navy
Kể từ sau Thế chiến II, lục địa Mỹ chưa bao giờ bị quân đội đối phương tấn công. Theo giới chuyên gia, điều này phần lớn là nhờ Washington sở hữu lực lượng hải quân hùng hậu với các nhóm tác chiến tàu sân bay đầy uy lực, được ví như "át chủ bài" để ngăn chiến tranh lan tới lãnh thổ nước này, theo Business Insider.

Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, các quốc gia có quyền ấn định chiều rộng lãnh hải không quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở. Khu vực ngoài phạm vi này được xem là vùng biển quốc tế. Nhờ quy định này, hải quân Mỹ có thể huy động tàu sân bay và một loạt tàu hộ tống đến các vùng biển quốc tế bên ngoài lãnh hải đối phương, biến chúng thành vùng đệm kiểm soát quy mô xung đột.

"90% dân số thế giới sống trong phạm vi 150 km từ bờ biển. Một tàu sân bay có thể tác động đến những vùng tập trung đông dân cư, cũng như hiện diện ở mọi khu vực có tầm quan trọng chiến lược trên thế giới. Hải quân Mỹ luôn muốn tiến hành chiến tranh xa bờ biển nước này", đại tá hải quân Mỹ James C. Rentfrow khẳng định.

Mỹ đang là quốc gia biên chế nhiều hàng không mẫu hạm nhất thế giới, với 10 siêu tàu sân bay lớp Nimitz và 9 tàu đổ bộ lớp Wasp đóng vai trò tàu sân bay hạng nhẹ khi cần. Mỗi siêu tàu sân bay lớp Nimitz dài 333 m, có lượng giãn nước 100.000 tấn, được biên chế  một không đoàn tàu sân bay với hàng chục tiêm kích, máy bay tác chiến điện tử, phi cơ cảnh báo sớm và trực thăng hỗ trợ.

Các tàu sân bay Mỹ có khả năng cơ động cao, đạt tốc độ tối đa trên 56 km/h, cho phép chúng nhanh chóng cơ động tới các khu vực tác chiến trên thế giới trong thời gian ngắn. Những tàu ngầm diesel-điện trong chế độ lặn ẩn mình cũng khó lòng đuổi kịp tàu sân bay do chênh lệnh vận tốc quá lớn. Nếu muốn bám sát tàu sân bay, những chiếc tàu ngầm này sẽ rất dễ bị phát hiện.

Át chủ bài giúp Hải quân Mỹ thống trị các đại dương ảnh 1

Nhóm tác chiến tàu sân bay Abraham Lincoln tham gia tập trận RIMPAC năm 2000. Ảnh: US Navy

9 tàu đổ bộ hạng nặng của hải quân Mỹ có chiều dài 250 m và lượng giãn nước khoảng 40.000 tấn, đạt tốc độ trên 40 km/h. Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC) dự kiến trang bị tiêm kích tàng hình F-35B, thay thế tiêm kích AV-8B Harrier và biến những tàu đổ bộ này thành tàu sân bay hạng nhẹ.

Theo kế hoạch, tàu đổ bộ lớp Wasp hoặc America có thể mang theo không đoàn gồm 6-8 tiêm kích F-35B, phiên bản cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) của dòng F-35, cùng 10 trực thăng lai MV-22 và 4 trực thăng vận tải hạng nặng CH-53E.

Trong trường hợp cần thiết, tàu đổ bộ Mỹ có thể giảm bớt những chiếc CH-53 và V-22 để tăng số lượng tiêm kích F-35B lên 16-20 chiếc nhằm tăng cường khả năng tấn công tầm xa.

Các tàu sân bay Mỹ không hoạt động độc lập, mà thường triển khai thành các nhóm tác chiến gồm nhiều tàu khu trục và tàu tuần dương trang bị lá chắn Aegis cùng tàu ngầm tấn công mang tên lửa hành trình và các tàu hậu cần.

Với lực lượng hùng hậu, trang bị vũ khí uy lực cùng khả năng cơ động nhanh, các nhóm tác chiến tàu sân bay là lực lượng nòng cốt giúp Washington triển khai sức mạnh toàn cầu, cũng như ngăn chặn các mối đe dọa từ xa, chuyên gia quân sự Alex Lockie nhấn mạnh.

Tin mới