Australia dạy trẻ âm trước, chữ sau

Việc dạy âm thông qua các bài hát dễ thương, ví dụ âm /k/ sẽ được dạy theo giai điệu của bài "She’ll be coming round the mountain".

Tiến sĩ Nguyễn Thế Dương (Viện Ngôn ngữ học) chia sẻ bài viết về cách dạy âm, chữ, dạy đọc ở Australia, sau những tranh luận về phương pháp giáo dục dạy trẻ đánh vần theo tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục.

Triết lý giáo dục của Australia

Cũng giống nhiều quốc gia khác, con đường tìm kiếm và gây dựng triết lý giáo dục tại Australia không phải lúc nào bằng phẳng. Có thời, việc dạy chữ ở quốc gia này khá bảo thủ, bị gò vào các khuôn mẫu cứng nhắc. Người Australia từng dạy âm và chữ cho trẻ bằng cách cố gò các âm đó với hệ thống từ chỉ màu sắc. Chẳng hạn khi dạy âm /a/ họ sẽ gắn với từ aquamarine (màu xanh nước biển), âm /b/ là từ brown (màu nâu)...

Australia dạy trẻ âm trước, chữ sau ảnh 1

Tiến sĩ Nguyễn Thế Dương (Viện Ngôn ngữ học). Ảnh: NVCC.

Tuy nhiên, để học sinh ghi nhớ toàn bộ bảng màu - chữ cái phức tạp này không dễ dàng. Một số trẻ không thể phân biệt đầy đủ màu sắc nên cảm thấy vô cùng khó khăn khi học chữ.

Theo thời gian, nhận thức về việc dạy âm và chữ cho trẻ em ở Australia dần thay đổi. Một cách tiếp cận nhân bản, gần gũi với trẻ dần hình thành và nhận được sự đồng tình lớn từ xã hội, phụ huynh, giáo viên và chính học sinh.

Triết lý giáo dục hiện tại của Australia là coi trọng vai trò của người học, các em được đặt vào trung tâm của quá trình dạy học. Trẻ được nhìn nhận như là những chủ thể có năng lực và giàu sáng tạo chứ không phải là những người chưa trưởng thành, thiếu năng lực, hoặc không biết gì. Trên cơ sở đó, giáo viên, phụ huynh và cộng đồng nhìn nhận trẻ trong sự tôn trọng, bình đẳng và luôn khơi gợi những tiềm năng của các em trong vui chơi, cuộc sống và học tập.

Giáo dục Australia coi sự phát triển của từng cá nhân là tối quan trọng. Mỗi học sinh được xem như tiểu vũ trụ, có những thế mạnh riêng. Do đó, mục tiêu của giáo dục là khuyến khích và phát huy các thế mạnh cá nhân đó một cách tự nhiên nhất.

Chẳng hạn, trong việc dạy đọc, người Australia thừa nhận thực tế rằng năng lực đọc của mỗi học sinh là khác nhau. Thông thường, giáo viên sẽ phân chia lớp theo các nhóm đọc, tùy cấp độ đọc và không quá bận tâm về sự chênh lệch trình độ giữa các học trò. Trẻ được quyền lựa chọn các tài liệu học tập phù hợp với năng lực, sở thích của mình, chứ không bị áp đặt bởi thầy cô giáo.

Ngoài ra, nền giáo dục Australia cũng nhấn mạnh đến quan điểm thực tiễn, gọn nhẹ và hiện đại. Cho nên, trong giáo dục tiểu học, họ không quan tâm đến các vấn đề như luyện viết chữ đẹp, luyện các bài văn mẫu, hay luyện đọc và phát âm theo lối đồng thanh.

Âm học trước, chữ học sau

Với quan điểm trẻ em là những chủ thể có năng lực về ngôn ngữ, các nhà giáo dục Australia cho rằng trẻ em hình thành kỹ năng đọc - viết từ trước khi được dạy các kỹ năng này. Ngay từ nhỏ, trẻ đã hình thành những tri thức nhất định về ngữ âm, như khả năng phát hiện các âm trong lời nói, ghi nhớ và đọc những chữ cái bắt gặp trong cuộc sống thường ngày... Từ đó, trẻ được làm quen với chữ và đọc từ rất sớm.

Khi học mẫu giáo, trẻ Australia được làm quen với việc đọc thông qua các giờ đọc chuyện của giáo viên. Đến 5 tuổi, các em bước vào năm đầu tiên của tiểu học, được gọi là Prep (chuẩn bị), tức là sớm hơn một năm so với Việt Nam.

Australia dạy trẻ âm trước, chữ sau ảnh 2

Một tiết học chữ tại lớp Prep của trường tiểu học ở Queensland, Australia. Ảnh: NVCC.

Theo chương trình giáo dục của Australia, học sinh Prep cần phân biệt được âm và chữ. Sau khi hoàn thành năm học đầu, các em phải nhận diện được toàn bộ chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Anh và phân biệt được cách viết hoa, viết thường.

Mặc dù yêu cầu đặt ra đối với học sinh Prep là biết phân biệt giữa âm và chữ, học sinh Australia được dạy về âm trước. Việc dạy âm thông qua chương trình Jolly Phonics với các bài hát dễ thương, dễ hiểu. Đó là những giai điệu từ các bài hát quen thuộc với thiếu nhi nhưng được thay lời mới để phục vụ cho việc học âm. Ví dụ, âm /k/ sẽ được dạy theo giai điệu của bài hát She’ll be coming round the mountain với lời như:

Kites are flying in the sky
Kites are flying in the sky
Kites are flying in the sky
... flying in the sky
... kites are flying in the sky

Khi hát, các em giơ tay lên cao, làm động tác như đang thả diều. Từ đó, các em sẽ nắm được các từ có âm "cờ" /k/ như kites, sky... đồng thời nắm được cách phát âm của âm /k/. 

Còn âm /a/ được dạy theo lời bài hát như:

Ants on my arms
ants on my arms
ants on my arms
They're causing me alarm.

Có thể thấy, ở giai đoạn học âm đầu tiên này, người ta không dạy tên chữ cái A (ây) mà dạy âm /a/ như bài hát trên. Tại lớp Prep, tên của chữ chỉ được dạy khi các em nắm vững sự tương hợp âm/chữ và cách ghép âm để đọc. Thông thường, tên của chữ cái được giới thiệu thông qua bài hát rất nổi tiếng về bảng chữ cái là ABC song.

Sau khi nắm được các nguyên tắc về âm, mỗi tuần giáo viên sẽ đưa cho học sinh một bản danh sách gồm 10 từ thị giác (sight words). Đó là những từ vựng cơ bản, thường được sử dụng với tần số cao và có thể ghi nhớ toàn bộ khối từ bằng mắt mà không cần tách âm hay vần, chẳng hạn: I, you, we, in... Cho đến hết Prep, các em được dạy 200 từ thị giác.

Giáo dục Australia hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ cho trẻ 

Với vốn từ thị giác và kiến thức về âm và vần làm nền tảng, học sinh Prep cũng bắt đầu làm quen với việc học đọc.

Giáo dục Australia đặc biệt coi trọng và khuyến khích trẻ em đọc sách. Ngay ở mẫu giáo (3-5 tuổi), mỗi tuần các em được mượn 3 quyển sách về nhà để đọc cùng cha mẹ. Đến lớp Prep, mỗi ngày học, học sinh cũng được cầm về một quyển sách về để đọc ở nhà. Nhà trường khuyến khích cha mẹ đọc cùng con.

Trong lớp Prep của con tôi, giáo viên đã chia sẻ với học sinh 10 bí quyết để đọc là: Đọc, đọc, đọc, đọc, đọc, đọc, đọc, đọc, đọc và đọc. Hóa ra, 10 bí quyết chỉ gói gọn trong một từ. Chỉ có luyện đọc hàng ngày mới giúp cho các em có tình yêu với sách vở, kiến thức và giúp các em đọc tiến bộ mỗi ngày.

Năng lực đọc của trẻ em ở Australia được chia làm 30 cấp độ từ dễ đến khó. Chương trình giáo dục của nước này kỳ vọng học sinh sẽ hoàn tất 30 cấp độ đọc khi học xong lớp 2. Sau khi học lớp Prep, học sinh được kỳ vọng sẽ đạt được cấp độ đọc 6.

Với việc hình thành thói quen đọc sớm như vậy, hầu hết học sinh đều hoàn thành 30 cấp độ đọc khi hết lớp 2.

Australia dạy trẻ âm trước, chữ sau ảnh 3

Học sinh Australia được khuyến khích đọc sách từ nhỏ. Ảnh tiết học chữ tại lớp Prep của trường tiểu học ở Queensland, Australia. Ảnh: NVCC.

Australia không có sách giáo khoa dạy chữ và đánh vần

Ở Australia không có sách giáo khoa dạy chữ và đánh vần cho trẻ em đầu cấp tiểu học nhưng bù lại họ xây dựng một hệ thống sách tham khảo, bổ trợ rất công phu. Hệ thống sách này, dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia giáo dục, là một công trình đồ sộ, có hệ thống, rất hữu ích và tiện lợi.

Chúng gồm hàng nghìn cuốn sách truyện thuộc đủ các thể loại và chủ đề, từ văn học, lịch sử đến khoa học, thiên nhiên, môi trường. Ở mỗi một cấp độ đọc, học sinh có thể thoải mái lựa chọn cho riêng mình các đầu sách phù hợp và được ưa thích. Hệ thống sách này đã góp phần hỗ trợ đắc lực cho việc hiện thực hóa những mục tiêu đọc và viết.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến hệ thống bài hát được thiết kế riêng cho việc học âm và chữ. Những giai điệu hấp dẫn, đơn giản và vô cùng thân thuộc đã giúp trẻ dễ dàng nắm vững các vấn đề tưởng chừng như vô cùng phức tạp của ngôn ngữ.

Nghiên cứ tâm sinh lý lứa tuổi, xã hội học trẻ em để xây dựng chương trình

Từ xây dựng triết lý đến thực tiễn giáo dục ở Australia không phải con đường trải đầy hoa hồng. Chỉ nói về việc dạy đọc, dạy âm và dạy chữ ở lớp Prep, để triển khai được một chương trình hoàn thiện và hiện đại như ngày nay, các nhà giáo dục nước này đã thực hiện rất nhiều công việc.

Đầu tiên, Australia đã có những nghiên cứu kỹ lưỡng về tâm sinh lý lứa tuổi, năng lực và xã hội học của trẻ em. Những nghiên cứu này là vô cùng quan trọng, giúp nhà giáo dục hiểu rõ trẻ em hơn, đặc biệt là trong một môi trường đa văn hóa của Australia.

Thứ hai, để triển khai được tốt việc dạy đọc theo phương pháp trên, đội ngũ giáo viên của Australia được đào tạo một cách bài bản, cẩn thận để nắm vững được các mục tiêu, yêu cầu, phương pháp và cách thức triển khai chương trình. Mặt khác, giáo viên cần chủ động, sáng tạo trong quá trình dạy học. Họ phải tự thiết kế bài giảng và tạo ra những tư liệu giảng dạy của riêng mình dựa trên chương trình khung.

Những năm gần đây, trong xu thế phát triển chung của thời đại 4.0, các nhà giáo dục của Australia tiếp tục phát triển và đưa vào học đường khá nhiều ứng dụng chạy trên các nền tảng Android và iOS giúp học sinh, giáo viên và cả phụ huynh có thêm nhiều sự lựa chọn trong việc dạy và học.

TS Nguyễn Thế Dương
Viện Ngôn ngữ học

Tin mới