Bà con miền núi chủ động phòng chống rét lâu dài cho gia súc, gia cầm

(Baonghean.vn) - Di chuyển đàn trâu, bò từ bãi thả về nuôi nhốt, chuẩn bị sẵn thức ăn, che chắn chuồng trại để đối phó với giá rét kéo dài.

Đó là các biện pháp mà bà con miền núi đang tích cực thực hiện trong đó có địa phương Nghĩa Đàn.

Lùa trâu bò về chuồng, che chắn chuồng trại chống rét. Ảnh: Minh Thái
Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, che chắn cẩn thận để chống rét cho trâu bò. Ảnh: Minh Thái

Là người có kinh nghiệm chăn nuôi trâu, bò hơn 10 năm nay, cứ bước vào mùa đông, gia đình chị Nguyễn Thị Hồng ở xóm Tân Phong, xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Đàn) lại khẩn trương di chuyển đàn trâu, bò từ bãi thả về nuôi nhốt tại nhà.

"Hiện, gia đình tôi có 8 con bò. Để phòng chống bệnh dịch, đói rét cho gia súc vào mùa đông, ngoài việc tiêm định kỳ, gia đình tôi còn chủ động nguồn thức ăn như ngọn mía, rơm, cỏ, vệ sinh chuồng trại, cho trâu, bò uống nước ấm pha muối loãng nên đàn trâu, bò vẫn khoẻ mạnh và phát triển, sinh sản tốt” - Chị Hồng cho biết. 

Nguồn thức ăn dồi dào được người dân cất giữ phục vụ mùa rét
Nguồn thức ăn dồi dào cho trâu bò được người dân cất giữ phục vụ mùa rét. Ảnh: Minh Thái

Tại xã Nghĩa Hưng - một trong những địa phương có phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm đang phát triển mạnh của Nghĩa Đàn, với tổng đàn trâu trên 1.200 con, đàn lợn gần 2,5 ngàn con, đàn gà trên 35 ngàn con. Hàng năm, cứ vào dịp rét, xã lại tập trung chỉ đạo các xóm triển khai công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc gia cầm.

Gia đình ông Lê Văn Tiến ở xóm 13 - xã Nghĩa Hưng có 6 con trâu và bò, mặc dù có bãi chăn thả nhưng gia đình vẫn tận dụng diện tích đất trống quanh nhà để trồng cỏ voi cho trâu, bò ăn thêm. Thông qua các lớp tập huấn do cán bộ thú y huyện tổ chức, gia đình ông cũng đã áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi cho gia súc trong ngày đông giá rét, chuồng trại được che chắn rất cẩn thận.

Pha nước ấm cho đàn trâu bò uống. Ảnh: Minh Thái
Cán bộ thú ý hướng dẫn người dân pha nước ấm cho đàn trâu bò uống. Ảnh: Minh Thái

Ông Lê Văn Tiến cho biết: Thời gian qua, thường xuyên được địa phương tuyên truyền về diễn biến thời tiết rét đậm sẽ còn kéo dài, do đó, gia đình tôi đã chủ động che chắn chuồng trại, lót nền bằng rơm cho đàn trâu, bò. Chủ động nguồn thức ăn, bổ sung các chất dinh dưỡng, bảo đảm đàn trâu, bò phát triển tốt không phát sinh bệnh trong những ngày rét đậm kéo dài.

Nghĩa Đàn là một huyện nông nghiệp, trong đó, chăn nuôi trâu bò hàng năm chiếm con số lớn. Hiện nay huyện có hơn 6.000 con bò, trên 18.000 con trâu, 25.000 con lợn; 850.000 con gia cầm. Do đó, để ổn định và phát triển chăn nuôi, ngay từ đầu năm UBND huyện đã chỉ đạo thành lập BCĐ phòng chống dịch bệnh đàn gia súc gia cầm.

Sấy sắn làm thức ăn dự trữ cho gia súc trong mùa rét. Ảnh: Minh Thái
Sấy sắn làm thức ăn dự trữ cho gia súc trong mùa rét. Ảnh: Minh Thái

Ông Phan Văn Bình, Phó chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho biết: "Để đảm bảo phòng chống đói, rét cho gia súc, gia cầm, UBND huyện đã ra chỉ thị, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

Cụ thể huyện đã phân công cán bộ đến từng xã đôn đốc, hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng những biện pháp phòng chống rét cho đàn gia súc gia cầm. Chỉ đạo, các xã tuyên truyền thông báo hàng ngày các bài phòng chống rét trên loa truyền thanh đến tận các thôn, xóm. Ngoài ra, UBND huyện đã khuyến cáo người chăn nuôi phải chủ động phòng chống dịch bệnh, dự trữ thức ăn và chống rét cho đàn gia súc, gia cầm...

Minh Thái

TIN LIÊN QUAN

Tin mới