‘Ba mũi giáp công’ tạo nên tam giác kinh tế

(Baonghean.vn) - Nằm ở trung tâm giao thoa kinh tế của Khu kinh tế Đông Hồi và Nam Cấm, huyện Quỳnh Lưu được biết đến là địa phương có nhiều lợi thế cạnh tranh để tạo các đột phá, đổi mới cho sự phát triển. Trong số đó phải kể đến 3 trọng điểm tạo nên tam giác kinh tế với sự liên kết chặt chẽ hình thành chuỗi giá trị cao: Khai thác, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản - Du lịch dịch vụ biển và sản xuất nông nghiệp an toàn, sạch.

Nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác, chế biến thủy sản

Chúng tôi đến Lạch Quèn (Quỳnh Thuận) vào một ngày cuối tháng Bảy dương lịch. Đang vào giữa tuần trăng (tháng 6 âm lịch) nên phần lớn tàu đánh bắt xa bờ đều neo đậu trong cảng, chỉ có vài con tàu về bờ muộn đang chuyển cá cho những chiếc xe đông lạnh đã chờ sẵn từ lúc nào.

Chiếc tàu vây gần 1.000 CV có biển số NA 90000TS của anh Trần Văn Phúc cập cảng sau hơn 3 ngày đánh bắt trên Vịnh Bắc bộ. Đây là ”ban” thứ hai trong tháng của anh Phúc. ”Được dăm bảy tấn thôi chú ạ, không nhiều” - một thuyền viên đang bê khay cá hố đẩy lên cầu tàu cho hay. Được biết, sau hai chuyến đánh bắt của tháng 7 năm nay Trần Văn Phúc thu về khoảng 500 triệu đồng. Nhưng đó vẫn chỉ là mức ”sàn sàn” chung của các đội tàu xa bờ ở huyện biển Quỳnh Lưu.

Ngư dân huyện Quỳnh Lưu đánh cá trên Vịnh Bắc Bộ. Ảnh tư liệu: Nguyên Khoa
Ngư dân huyện Quỳnh Lưu đánh cá trên Vịnh Bắc Bộ. Ảnh tư liệu: Nguyên Khoa

Nổi lên nhất vẫn là cái tên không còn xa lạ với nhiều người, đó là Minh ”Lừng” - Nguyễn Văn Minh ở thôn Đại Bắc, xã Quỳnh Long. Chỉ riêng ”ban tối trời” cuối tháng 6 âm lịch vừa qua, tàu của ông Nguyễn Văn Minh này đã thu về 1,3 tỷ đồng tiền bán hải sản. Mỗi lao động trên tàu nhận hơn 40 triệu đồng. Những thông tin này không phải do ông Nguyễn Văn Minh cung cấp mà đến từ ông Nguyễn Sông Lam -  một chủ đầu nậu thu mua ở Lạch Quèn. Ông Lam hiện nhận bao tiêu hải sản cho 17 con tàu đánh bắt xa bờ ở Quỳnh Lưu. Ông cho biết, mỗi ban tối trời ông thu mua khoảng 200 tấn cá. Cá sau khi thu mua được ông nhập về Cửa Hội rồi sơ chế xuất khẩu sang Thái Lan, Lào.

Ngoài ông Lam, ở Lạch Quèn còn có một số đầu nậu thu mua các loại cá khác nhau để bán ra thị trường nội địa và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc… Ông Nguyễn Sông Lam cũng cho hay, để thuận lợi trong thu mua hải sản cho ngư dân, ông đang làm hồ sơ, lập dự án thuê đất ở xã Quỳnh Thuận để xây dựng cơ sở chế biến.

"Chỉ có khi xây dựng được cơ sở chế biến, kho cấp đông đảm bảo quy mô thì con cá mới có giá trị cao, ngư dân cũng như người thu mua không bị thiệt và đáp ứng các yêu cầu của Luật Thủy sản, tiêu chí của cộng đồng châu Âu - EU”.

Ông Nguyễn Sông Lam - Lạch Quèn

Các thuyền viên đưa cá lên bờ sau chuyến đánh bắt. Ảnh: ĐT
Các thuyền viên tàu NA 90000TS đưa cá lên bờ sau chuyến đánh bắt. Ảnh: ĐT

Thực tế cho thấy, nếu căn cứ vào lợi thế so sánh, ít có địa phương nào ở Nghệ An ”qua mặt” được huyện Quỳnh Lưu về phát triển nghề kinh tế biển. Trong 5 năm, toàn huyện đã đóng mới 133 tàu có công suất từ 400CV trở lên, nâng tổng số tàu lên 1.170 chiếc nhiều nhất tỉnh. Các phương tiện hiện đại được trang bị như máy dò cá, máy thông tin tầm xa (ICOM), thiết bị giám sát hành trình, chiếu sáng bằng đèn led... Sản lượng khai thác năm 2020 ước đạt 66.765 tấn tăng 34,89% so với năm 2015. Giá trị bình quân sản xuất nuôi trồng thủy sản ước đạt 491,25 triệu đồng/ha/năm, tăng 63 triệu đồng so với năm 2015.

Khai thác, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản vẫn được xác định là mũi kinh tế trọng điểm của Quỳnh Lưu, nhưng chủ trương của lãnh đạo địa phương là phải có sự đổi mới về ”chất”. Thay vì tăng số lượng, đầu tư, đóng mới tàu ồ ạt như trước đây, huyện định hướng ngư dân chuyển đổi hình thức khai thác cho phù hợp,  chú trọng cải hoán, nâng cấp phương tiện đánh bắt với các trang thiết bị, máy móc hiện đại đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Gắn hoạt động khai thác với nuôi trồng, chế biến sâu nhằm tạo ra chuỗi giá trị lớn.

Hiện tại lĩnh vực chế biến đang còn giản đơn, nhỏ lẻ nên vừa gây lãng phí nguồn lợi thủy sản vừa không tận dụng hết tiềm năng, lợi thế của địa phương. Để hiện thực hóa chủ trương này, huyện Quỳnh Lưu đã lập dự án quy hoạch khu chế biến Lạch Quèn với quy mô 30 ha. Khi hoàn thành khu chế biến sẽ góp phần giải bài toán nâng cao thu nhập cho lao động cũng như giải quyết vấn đề hậu cần nghề cá. 

Người dân phơi cá khô. Ảnh Nhật Thanh
Người dân phơi cá khô. Ảnh Nhật Thanh

Theo định hướng phát triển, huyện Quỳnh Lưu phấn đấu đến năm 2025 diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 2.500-2.700ha, giá trị sản xuất đạt 600,4 triệu đồng/ha; sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 80-85 ngàn tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 12-13 ngàn tấn. Đưa tỷ trọng chế biến, xuất khẩu thủy hải sản đạt trên 50%.

Đưa du lịch biển lên một tầm mới

Những năm gần đây du khách trong và ngoài tỉnh đã biết đến biển Quỳnh với các hoạt động du lịch, dịch vụ ngày càng sôi nổi. Quỳnh Lưu có bờ biển dài khoảng 19,5km hoàn toàn là lợi thế lựa chọn để khai thác, phát triển du lịch biển. Du khách đến biển Quỳnh có cơ hội tận hưởng những phút giây thỏa thích với sóng nước trên bờ biển với độ dốc thoai thoải.

Tại xã Quỳnh Nghĩa cũng đã hình thành các resort phục vụ khách đến nghỉ dưỡng, hưởng thụ kỳ nghỉ. Anh Đào Đình Thông, một du khách đến từ quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội cho biết, mùa hè gia đình thường lựa chọn đi du lịch tại các bãi biển và đây là lần thứ hai anh Thông đưa cả gia đình đến biển Quỳnh.

Du khách về tắm biển Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu). Ảnh tư liệu: P.V
Du khách về tắm biển Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu). Ảnh tư liệu: P.V

 ”Biển ở đây sạch, bờ cát mịn lại ít dốc, tắm xong lên bờ được thưởng thức hải sản do ngư dân địa phương đánh bắt. Đặc biệt nhất là biển Quỳnh vẫn giữ được nhiều nét hoang sơ, người dân ở đây cũng hồn hậu lắm”.

Anh Đào Đình Thông - quận Thanh Xuân, Hà Nội

Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều du khách tìm đến biển Quỳnh để được trải nghiệm cái mới lạ, hấp dẫn tại đây. Lịch trình kỳ nghỉ sẽ là: tắm biển, thưởng thức hải sản của ngư dân đánh bắt, đi thuyền tham quan các đảo nhỏ ven bờ, hang, thăm nhà thờ họ Hồ và làng khoa bảng xã Quỳnh Đôi, chiêm ngưỡng các công trình lịch sử, văn hóa tâm linh, tín ngưỡng như: chùa An Thái, chùa Lam Sơn, đền Quy Lĩnh, đền Cờn (Hoàng Mai).

Thậm chí nếu có nhu cầu du khách cũng có thể tham quan, cảng cá, xem quy trình chế biến hải sản của người dân bản địa. Đặc biệt là trải nghiệm cơ sở chế biến tảo xoắn của Công ty cổ phần Khoa học xanh Hidumi Pharma ở xã Quỳnh Lương. Đây là đơn vị duy nhất của Nghệ An nghiên cứu, nuôi trồng thành công sản phẩm tảo xoắn Spirulina có nguồn gốc từ Nhật Bản. Đến đây du khách có cơ hội lựa chọn các sản phẩm tảo xoắn để làm đẹp, nâng cao sức khỏe từ các loại sản phẩm tảo xoắn đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Cơ sở chế biến tảo xoắn ở Quỳnh Lưu. Ảnh tư liệu
Cơ sở chế biến tảo xoắn ở Quỳnh Lưu. Ảnh tư liệu

Để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện, tinh thần chỉ đạo của Quỳnh Lưu là chú trọng đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nhất là các tuyến giao thông trọng yếu ven biển; nâng cấp, hoàn thiện quảng trường ở xã Quỳnh Bảng, chợ đầu mối du lịch ở xã Quỳnh Nghĩa, phát triển lễ hội đền Quy Lĩnh thành lễ hội cấp huyện; phát triển đồng bộ các loại hình du lịch như du lịch nghỉ dưỡng tắm biển, tâm linh, văn hóa lịch sử; phát triển một số loại hình du lịch mới như du lịch nông nghiệp, trải nghiệm, sinh thái, khám phá...

Tập trung thu hút, lựa chọn được các nhà đầu tư có kinh nghiệm, tiềm lực trong phát triển hạ tầng du lịch. Phấn đấu số lượng khách du lịch tăng bình quân hàng năm 10 - 11%/năm, doanh thu tăng bình quân hàng năm 11 - 12%/năm.

Vựa rau xanh xứ Nghệ

Cũng gắn chặt với phát triển kinh tế khu vực ven biển, từ lâu xã Quỳnh Lương nổi danh khắp trong Nam ngoài Bắc với thương hiệu rau xanh bốn mùa.

Mặc dù không có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi nhưng trên một vùng diện tích gần 300 ha, người dân Quỳnh Lương đã nâng việc trồng, sản xuất các loại rau xanh thành một kỹ năng chuyên sâu. Để nâng cao giá trị của rau xanh, hệ thống thủy lợi, tưới tiêu, điện lưới đã được người dân đưa đến chân ruộng. Chính vì vậy, dù mùa nắng nóng, gió phơn Tây Nam nhưng các cánh đồng rau đều tươi tốt. Rau xanh ở xã Quỳnh Lương cũng đã được xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Đồng rau xã Quỳnh Lương. Ảnh: Nhật Thanh
Đồng rau xã Quỳnh Lương. Ảnh: Nhật Thanh

Và không chỉ có Quỳnh Lương, các xã như: Quỳnh Minh, Quỳnh Bảng, Quỳnh Văn của huyện Quỳnh Lưu cũng được xem là vùng sản xuất ra màu của huyện Quỳnh Lưu với diện tích khoảng 1.400ha. Rau xanh xứ Quỳnh không chỉ phục vụ thị trường nội tỉnh mà đã có mặt tại Hà Nội và tỏa đến các tỉnh Bắc miền Trung như: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, lựa chọn phát triển rau màu có thể coi là bước đi đúng hướng, phù hợp với truyền thống canh tác cũng như xu thế phát triển của huyện Quỳnh Lưu. Huyện cũng đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao: Rau màu 1.400 ha, dứa 1.000 ha, mía 900 ha; xây dựng 478 mô hình sản xuất có hiệu quả để nhân ra diện rộng, trong đó 5 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng tại xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Nghĩa, Tân Sơn, Quỳnh Lương, Quỳnh Giang…

Tinh thần chung của địa phương là tập trung cao độ cơ cấu lại ngành sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm sạch, an toàn thực phẩm, gắn với chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gắn với chương trình liên kết tiêu thụ sản phẩm và chương trình mỗi xã một sản phẩm. Cùng với đó là xây dựng mới các mô hình điểm sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Quỳnh Văn, Tân Sơn... để nhân ra diện rộng...

Nông dân Quỳnh Lưu chăm sóc rau màu. Ảnh tư liệu: Việt Hùng
Nông dân Quỳnh Lưu chăm sóc rau màu. Ảnh tư liệu: Việt Hùng

Tin mới