Bác Hồ với việc giáo dục thanh niên

(Baonghean.vn) - Trong cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ luôn quan tâm và dành nhiều tình cảm thương yêu sâu sắc đối với thế hệ trẻ Việt Nam. Vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc đã trực tiếp dẫn dắt các thế hệ thanh niên đến với cách mạng, tham gia vào quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Khi bắt đầu truyền bá tư tưởng cách mạng cho dân tộc, Bác đã chọn thanh niên là đối tượng đầu tiên - lực lượng trẻ đầy lòng yêu nước và sẵn sàng hy sinh cho cách mạng. Tháng 6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã thành lập tổ chức "Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội", xuất bản tờ báo Thanh Niên.

Năm 1926-1927, Bác trực tiếp mở nhiều lớp huấn luyện, đào tạo hơn 200 thanh niên Việt Nam yêu nước, rồi đưa trở về nước xây dựng phát triển phong trào cách mạng, trong số đó nhiều người sau này đã trở thành những cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta.

Bác Hồ và thanh niên trong ngày bầu cử Quốc hội Khóa II (5/5/1960).
Bác Hồ và thanh niên trong ngày bầu cử Quốc hội Khóa II (5/5/1960).

Nhận thấy rõ vai trò to lớn của thế hệ trẻ, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong ngày khai trường đầu tiên, Bác đã gửi gắm niềm tin yêu của mình vào thế hệ trẻ: "Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em".

Ngày 17/8/1947, trong "Thư gửi các bạn thanh niên", Bác viết: "Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị tương lai đó". Đến thăm đơn vị thanh niên xung phong làm đường trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác đã khuyên thanh niên: "Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên".

Thanh niên là người chủ tương lai của đất nước, muốn xứng đáng vai trò làm chủ thì phải học tập. Vì vậy, Bác rất quan tâm đến việc học tập, tu dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ của thanh niên. Đây là vấn đề cốt lõi để các thế hệ thanh niên trang bị cho mình sự hiểu biết, vốn kiến thức, một trong những điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho các thế hệ thanh niên có thể tham gia hoạt động cách mạng.

Bác chỉ rõ: "Nhiệm vụ chính của thanh niên, học sinh là học. Học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh tức là để làm trọn nhiệm vụ người làm chủ nước nhà". Và, "Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà, phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên".

             Bác Hồ với đại biểu Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II, năm 1956. Ảnh tư liệu
Bác Hồ với đại biểu Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II, năm 1956. Ảnh tư liệu

Dù bận trăm công nghìn việc, Bác Hồ vẫn luôn chăm lo bồi dưỡng đội ngũ thanh niên trí thức, vẫn dành thời gian chỉ đạo thành lập “Hội truyền bá Quốc ngữ” để tổ chức dạy học chữ quốc ngữ và tạo ra phong trào sâu rộng, vận động các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các thế hệ thanh, thiếu niên tham gia học tập chữ quốc ngữ; nhờ đó giúp thế hệ trẻ nhanh chóng tiếp cận sách báo cách mạng, có đủ kiến thức để làm hành trang tham gia phong trào cách mạng và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Bác căn dặn: "Đối với thanh niên trí thức cần phải đặt câu hỏi: "Học để làm gì? Học để phụng sự ai?"

Trong những năm miền Bắc nước ta bước vào thời kỳ xây dựng đất nước, xây dựng hậu phương lớn, tất cả cho tiền tuyến miền Nam. Trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, Bác Hồ càng nhấn mạnh đến việc giáo dục - đào tạo thế hệ trẻ, trang bị cho họ những kiến thức khoa học tiên tiến để trở thành chủ nhân của đất nước, giúp họ có thể làm chủ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn đấu tranh mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu thanh niên xung phong dự Đại hội TNXP chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc tháng 1/1967.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu thanh niên xung phong dự Đại hội TNXP chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc tháng 1/1967.

Bác nhấn mạnh: “Nếu không chịu khó học tập thì không tiến bộ mà chỉ có thoái bộ. Xã hội ngày càng phát triển, công việc ngày càng phức tạp, máy móc ngày càng tinh xảo. Mình mà không chịu học tập thì sẽ bị lạc hậu, mà lạc hậu cũng chính là bị đào thải, tự mình đào thải mình”. Người viết thư căn dặn thế hệ trẻ “cần ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật và quân sự để có thể cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân”.

Đồng thời với việc nhấn mạnh đến vấn đề học tập của các thế hệ thanh, thiếu niên, Bác Hồ cũng đặc biệt chú trọng đến việc giáo dục đạo đức cách mạng cho họ. Bởi nếu không có đạo đức cách mạng thì không thể trở thành người cách mạng chân chính, và không thể phục vụ tốt cho dân, cho nước.

Trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị Cán bộ toàn miền Bắc (tháng 9/1962), Bác đã nhấn mạnh: “Thanh niên cần phải luôn luôn rèn luyện đạo đức cách mạng”, “Đạo đức cách mạng có thể tóm tắt như sau: Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Đảng, với giai cấp”. Riêng đối với thanh niên, Bác dặn thêm: “Phải không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.

Hồ Chủ tịch nói chuyện với thanh niên (tháng 1/1967).
Hồ Chủ tịch nói chuyện với thanh niên (tháng 1/1967).

Về phong trào thanh niên, Bác lưu ý “cần phải liên tục và có nội dung thiết thực”, không nên hình thức, “chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được”, mà phải “nói được, làm được”. Bác quan niệm “một chương trình nhỏ mà thực hiện được còn hơn là một trăm chương trình to tát mà không làm được”. “Các việc đáng làm, thì khó mấy cũng phải quyết tâm làm cho kỳ được”.

Bác luôn động viên thanh niên: “Các cháu là thế hệ anh hùng trong thời đại anh hùng… Bác tin rằng thanh niên ta sẽ hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ rất vẻ vang của đạo quân xung phong tất thắng trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế, Đảng ta vẫn thấm nhuần những lời dạy của Người về công tác thanh niên, đưa việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trở thành sinh hoạt chính trị thường xuyên đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Các thế hệ thanh thiếu niên ngày nay ý thức được trách nhiệm, quyền lợi của mình cần phải ra sức rèn luyện, học tập nâng cao mọi mặt trình độ, kiến thức, làm chủ khoa học công nghệ, đặc biệt là trau dồi, tu dưỡng đạo đức cách mạng, trở thành những người “vừa hồng vừa chuyên” như lời Bác dạy, để xứng đáng là những chủ nhân của đất nước trong thời kỳ mới.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới