Bác sỹ người Nghệ An được vinh danh Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu

(Baonghean.vn) - Là một trong những bác sỹ trẻ tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2020, Phạm Văn Phúc (SN 1990), quê huyện Nghi Lộc, hiện đang công tác tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Ước mơ blouse trắng

Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã Nghi Phong (Nghi Lộc). Từ nhỏ Phúc đã là một học sinh giỏi, được các thầy, cô giáo yêu mến. Năm học 2007-2008, Phúc là Thủ khoa Trường Đại học Y Hà Nội với 29,5 điểm khối B. Sau 6 năm học ngành Đa khoa, Phúc tiếp tục lựa chọn học nội trú chuyên nghiệp ngành Truyền nhiễm. Tốt nghiệp ra trường trở thành thạc sỹ, bác sỹ, Phúc về công tác tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

1 Gia đình nhỏ của bác sỹ Phạm Văn Phúc
Một gia đình nhỏ của bác sỹ Phạm Văn Phúc. Ảnh NVCC 

Chỉ ở Khoa Hồi sức tích cực vài giờ đồng hồ là có thể cảm nhận được những áp lực mà đội ngũ bác sỹ ở đây làm việc hàng ngày. Làm việc trong môi trường căng thẳng với những ca bệnh có nguy cơ tử vong cao, nhưng thạc sỹ, bác sỹ Phạm Văn Phúc không cảm thấy áp lực, “mơ ước, yêu thích được làm nghề y từ khi còn ngồi trên nhà trường, đến khi được bước chân vào giảng đường nên bản thân luôn cảm thấy may mắn vì đã theo đuổi đam mê. Xác định được những khó khăn của nghề, đặc biệt là khi chọn Khoa Hồi sức tích cực luôn phải nhanh nhạy, bình tĩnh để xử lý những tình huống nên bản thân không cảm thấy áp lực mà luôn mong muốn được công hiến sức trẻ và những kiến thức đã được học”.

Vốn đã quen làm việc, xử lý các ca bệnh trong tình trạng “căng như dây đàn”, thế nhưng, khi trực tiếp tham gia điều trị, chăm sóc cho các bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch, cảm giác mệt mỏi, lo lắng, thấp thỏm luôn hiện hữu trong mỗi cán bộ, y, bác sỹ, điều dưỡng cũng như bác sỹ Phúc.

Thạc sỹ, Bác sỹ Phạm Văn Phúc
Thạc sỹ, bác sỹ Phạm Văn Phúc. Ảnh NVCC 

 “Nhiều ca bệnh khiến chúng tôi căng thẳng như: Đầu tiên là bệnh nhân 19 (bác của bệnh nhân 17), sau khi cai được ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo), bệnh nhân đang tiến triển tốt nhưng đến khoảng 1h sáng 5/4, bệnh nhân lại chuyển xấu, ngừng tuần hoàn 3 lần. Báo động đỏ trong đêm để hội chẩn với Hội đồng chuyên môn, mọi người rất căng thẳng để đưa ra quyết định sống còn. Bệnh nhân 26, người Anh, 69 tuổi, có tiền sử tai biến mạch não, liệt nửa người, ông được cho thở máy 14 ngày mới hồi phục.

Ở thời điểm bệnh nhân 812 (bệnh nhân nam, 62 tuổi) mắc Covid-19, là một trong những bệnh nhân mắc Covid-19 nặng nhất tại Hà Nội, ngay khi nhập viện đã ở trong tình trạng nặng, phải thở ôxy và điều trị tại Khoa Cấp cứu. Chức năng phổi của bệnh nhân 812 đã tổn thương đến khoảng 70%. Khi bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức cấp cứu, tình trạng phổi rất nặng.

Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân dần hồi phục và được rút ống thở. Các ca bệnh nặng sợ lắm, chỉ cần sơ sẩy là có thể chết người ngay. Nhiều ca trực tôi vừa ăn vừa canh camera, bệnh nhân mà có biến là bỏ ăn, chạy vào xem bệnh nhân như thế nào. May mắn trong cuộc chiến với Covid-19, các bệnh nhân mà tôi tham gia điều trị đều khỏi bệnh”, bác sỹ Phúc nhớ lại.    

Cuộc chiến với Covid - 19

Bác sỹ Phạm Văn Phúc là một trong những người đã thực hiện đặt ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo) cho bệnh nhân 19 (vào tháng 4/2020) bệnh nhân mắc Covid-19 nặng nhất tại miền Bắc trong giai đoạn đầu của dịch. Bác sỹ Phúc cùng với đội ngũ y, bác sỹ trong khoa đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao để điều trị cho bệnh nhân nặng như: Thở máy nâng cao, lọc máu hấp phụ phân tử (lọc Cytokines), trao đổi ô xy qua màng ngoài cơ thể (ECMO), nhờ đó toàn bộ các bệnh nhân nguy kịch vào khoa đã được điều trị khỏi bệnh, trong đó, có những bệnh nhân rất nặng như suy đa tạng, ngừng tuần hoàn vẫn được cứu sống. Kết quả này có ý nghĩa rất lớn, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chống dịch của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới nói riêng và ngành Y tế Việt Nam nói chung.

Thạc sỹ, Bác sĩ Phạm Văn Phúc và vợ chồng bệnh nhân 26 người Anh khi đã được điều trị khỏi bệnh
Thạc sỹ, bác sỹ Phạm Văn Phúc và vợ chồng bệnh nhân 26 người Anh khi đã được điều trị khỏi bệnh. Ảnh: NVCC 

Trong 2 đợt tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19, với bác sỹ Phúc là trải nghiệm cuộc sống sau hôn nhân, cảm nhận được tình yêu thương của gia đình. “Đợt đầu ngay sau Tết âm lịch, con gái chưa đầy 2 tuổi phải gửi lại bà ngoại ở quê nhà Nghi Lộc. Hai vợ chồng trở lại Hà Nội, vợ làm việc ngân hàng, thời gian căng thẳng nhưng có thời gian là về quê thăm con. Thời gian này mới thấy vợ mình thật kiên cường, không phàn nàn, chỉ gọi điện động viên chồng yên tâm công tác”.

Thời gian tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cũng như thời gian công tác tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, thạc sỹ, bác sỹ Phạm Văn Phúc luôn để lại ấn tượng về sự nhiệt huyết, tận tâm trong công việc cũng như những quan tâm đời thường tới bệnh nhân. Một người con xứ Nghệ với gương mặt sáng, nụ cười thân thiện đã luôn là hình ảnh người bác sỹ của nhân dân khi tiếp xúc, khám, chữa bệnh.

“Được thực hiện ước mơ, chính tay mình chữa trị cho những bệnh nhân là điều tôi luôn cảm thấy mình may mắn và hạnh phúc. Đặc biệt, trực tiếp tham gia “cuộc chiến” chống lại Covid-19, tôi cảm thấy thực sự tự hào, vượt qua chính bản thân, cũng như cùng đồng nghiệp vượt qua những khó khăn tưởng chừng như không thể”.

Bác sỹ Phạm Văn Phúc 

“Được thực hiện ước mơ, chính tay mình chữa trị cho những bệnh nhân là điều tôi luôn cảm thấy mình may mắn và hạnh phúc. Đặc biệt, trực tiếp tham gia “cuộc chiến” chống lại Covid-19, tôi cảm thấy thực sự tự hào, vượt qua chính bản thân, cũng như cùng đồng nghiệp vượt qua những khó khăn tưởng chừng như không thể”.

Phạm Văn Phúc tại Kim Liên-quê Bác tham dự Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ VI
Phạm Văn Phúc tại Kim Liên - quê Bác tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ VI. Ảnh: NVCC 

Tự hào là người con quê hương Nghệ An, với anh, việc học làm và theo Bác chính là không ngừng làm việc, học tập, nghiên cứu, bác sỹ trẻ Phạm Văn Phúc hiện là thành viên, Thư ký Tổ Hội chẩn chuyên môn quốc gia, đã tham gia nhiều cuộc hội chẩn trực tuyến, góp phần quan trọng trong điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng trên toàn quốc.

Ngoài trực tiếp cứu chữa bệnh nhân, bác sỹ Phúc còn tham gia nghiên cứu khoa học về các bệnh do SARS-CoV2 gây; đào tạo, chia sẻ kiến thức cũng như kinh nghiệm thực tế cho các đồng nghiệp ở tuyến y tế cơ sở. Tháng 5/2020, bác sỹ Phạm Văn Phúc là đại biểu tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VI, năm 2020./.

Tin mới