Bài 1: Cận cảnh "vàng tặc"

(Baonghean) - Dù đã có nhiều cuộc truy quét, đẩy đuổi, vậy nhưng cứ vào mùa khô, nạn "vàng tặc" ở Tương Dương lại trỗi dậy. Năm nay cũng vậy, từ tháng 2 lại nay, "vàng tặc" rộ lên trên diện rộng tại địa bàn nhiều xã, bản...

Để sát thực nạn khai thác vàng trái phép, chúng tôi đã tìm H - một sơn tràng gốc Bắc lão luyện, thông thuộc địa bàn Tương Dương giúp sức. Trước khi lên đường, H nhắc: Không được để sơ sẩy nếu không sẽ rất phiền. Và, trong vai những người tìm bãi làm vàng, chúng tôi được thấy, được nghe không ít chuyện...

                              "Vàng tặc" đang khai thác bên dòng Huổi Nguyên.

Ngày 26/3, chúng tôi men theo dọc khe Huổi Nguyên thuộc địa phận xã Yên Thắng để tìm "vàng tặc". Khe Huổi Nguyên chạy song song với đường 748 dài khoảng hơn 25 km (tính từ cầu Huổi Nguyên cho đến cầu Xiêng Líp), đi qua các bản Cành, bản Lườm, bản Trung Thắng... Tại khu vực này, không chỗ nào vắng bóng những nhóm, tổ đào đãi vàng trái phép, bởi vậy, dòng Huổi Nguyên đặc ngầu bùn đỏ, hai bên bờ nát vụn bởi những hang hốc lớn, giữa dòng nham nhở đầy những cồn mô. Không chỉ vậy, nhiều rừng mét ven đồi đã bị hổng chân, trơ gốc rễ  vì bị "vàng tặc" đào xới.

Tại khu vực này, "vàng tặc" hầu hết là dân Yên Thắng, một số ít là người đến từ tỉnh Thái Nguyên hoặc huyện Kỳ Sơn. Chúng tôi tiếp cận với một nhóm người đang khai thác tại địa phận bản Lườm. Nhóm này phân ra làm 2 tổ, một tổ gồm những gã trai đủ mọi lứa tuổi, sử dụng máy nổ Đông Phong gắn với những ống hút lớn cắm sâu xuống lòng hố, hút đất đá và nước ra một máng xối để lắng lấy vàng. Tổ còn lại chỉ có phụ nữ, họ dùng xà beng, cuốc nhỏ khoét những hốc lớn dọc theo bờ khe rồi chui vào lấy đất đá gùi ra khe và dùng những chiếc máng gỗ hình chóp nón đãi. Dù H rất thạo tiếng Thái nhưng hầu như không một người nào trong nhóm đàn ông chịu tiếp chuyện. Thỉnh thoảng, họ dừng công việc, lầm lì ném cái nhìn chẳng hề thiện cảm với chúng tôi. Khác với nhóm đàn ông, khi nghe H giới thiệu là người Đại Từ - Thái Nguyên, đang có ý định tìm bãi để làm ăn, ngay lập tức, một phụ nữ đứng tuổi ở bản Lườm tên là Hoa đã nhận lời giúp. Theo bà Hoa, địa bàn xã Yên Thắng hầu như bãi nào cũng đã có chủ. Nếu muốn làm tại đây phải mua đất đồi trồng mét của dân với giá khoảng 35 triệu đồng một khoảnh, tuy nhiên nếu không có kinh nghiệm thì sẽ mua nhầm phải nơi không có vàng. Bà Hoa gạ gẫm:

- Có một nơi rất dễ làm, một ngày có thể kiếm được 1 chỉ, nếu đồng ý cho ông nhà tôi tham gia, chia phần sòng phẳng thì tôi sẽ đưa đi. 

- Nơi nào vậy. Có phải chi phí gì không?

- Phải có chi phí cho ban quản lý thôn bản, sau đó họ sẽ làm các thủ tục khác. Nhưng các anh phải đáp ứng điều kiện tôi mới dẫn đi. Không thì thôi, người lạ hay lừa lắm...

Để H trò chuyện với bà Hoa, tôi theo chân một phụ nữ chừng trên 30 tuổi ra bờ khe xem chị đãi vàng. Lân la hỏi chuyện, chị cho biết khai thác thủ công thì chỉ mất công sức chứ không mất phí, khai thác bằng máy thì mỗi tổ máy của người Yên Thắng phải nộp cho xã 1,5 triệu đồng/tháng và 500.000 đồng/tháng cho bản, nếu người nơi khác đến thì hơn...

                                         "Vàng tặc" khai thác tại khe Puông.

Rời xã Yên Thắng, ngày 27/3, chúng tôi đặt chân đến khe Ngân, khe Puông đoạn thuộc hai xã Yên Na, Yên Hòa. Theo lời H, trước đây hai bên bờ khe Ngân, khe Puông, ruộng lúa nước của dân xanh mướt mắt, vậy nhưng từ năm 2009, các công ty khai thác vàng đã đem tàu làm vàng vào quần thảo nơi đây thành bình địa. Quả thật, trước đây nơi này ra sao thì không biết nhưng hiện tại cả khe Ngân, khe Puông dài hàng chục km là một vùng hoang tàn, lỗ chỗ những hố, ao và những mom đá sỏi lổn nhổn. Đi dọc khe Ngân, khe Puông có rất nhiều máy nổ Đông Phong và các máng vàng, vậy nhưng chỉ có 5 - 6 tổ máy đang hoạt động. Ghé vào lán trại của một nhóm "vàng tặc" người bản Bón (xã Yên Na), họ nhìn chúng tôi với ánh mắt nghi ngại và cho biết đang nghỉ làm vì có đám cưới của dân bản. Sau một thôi "quan hệ" làm quen, H nói: Bọn tôi đang muốn tìm mua một bãi để làm vàng, nếu biết xin giới thiệu giúp. Một "vàng tặc" tên là Tí cho biết các bãi hiện đã có chủ, tuy nhiên, vẫn có thể thương lượng mua lại được ruộng của dân. Và theo Tí thì, ông H -  trưởng bản Bón là người có thể giúp được cho chúng tôi.

- Có phải đóng lệ phí hay không?

- Có. Chúng tôi là người Yên Na thì đóng cho xã 3 triệu đồng/tháng.

Và đến lúc này anh ta mới nói: Chúng tôi phải tạm nghỉ vì cán bộ xã nói có huyện đang xuống kiểm tra.

Hỏi ai báo vậy? Tí cười lắc đầu...

Cũng trong ngày 27/3, chúng tôi nghỉ chân tại một quán cơm thuộc xã Yên Hòa. Khi nghe H nói giọng Bắc, một nhóm thanh niên đã chủ động mời uống rượu và hỏi thẳng có phải muốn tìm bãi làm vàng hay không? Đặt tàu lớn hay chỉ khai thác nhỏ?... Được H nói rõ ý định, nhóm thanh niên cho biết nếu đến từ vài năm trước thì sẽ dễ "kiếm", còn bây giờ thì hơi khó bởi khe Ngân đã bị đào xới nhiều lần. Tuy nhiên, họ tiết lộ, muốn làm vàng tại Yên Hòa thì vẫn còn nhiều chỗ và nên tìm gặp lãnh đạo xã có tên là S... Hỏi chủ quán gặp ông S có khó hay không. Bà chủ quán nói: Có chi mà khó, người ta gặp ông S đặt vấn đề được thì các chú cũng gặp được... Quả thực, ở xã Yên Hòa, "vàng tặc" không chỉ xuất hiện tại khu vực khe Ngân. Tại bản Yên Hương - bản vùng sâu của Yên Hòa - cũng rộ lên tiếng máy nổ Đông Phong của "vàng tặc"...

                                 "Vàng tặc" khai thác tại bản Yên Hương.

Tôi cứ nghĩ "vàng tặc" tại Yên Thắng, Yên Hòa, Yên Na đã là ghê gớm, vậy nhưng H cho biết, tại khu vực khe Chà Hạ đoạn qua các bản Huồi Phai, Cha Lúm, Na Cáng...  thuộc xã Yên Tĩnh mới thực sự là điểm nóng của "vàng tặc". Mờ sáng ngày 28/3, chúng tôi đến khe Chà Hạ, nơi tiếp giáp của hai bản Xiêng Nứa (xã Yên Na) và bản Văng Cuộm (xã Yên Tĩnh). Dưới lòng khe và tại các nương rẫy trên núi cao, có không ít tổ nhóm "vàng tặc" ngang nhiên khai thác rầm rộ. Dưới lòng khe, "vàng tặc" đưa máy xúc lật tung khe thành những hố lớn rồi thọc vòi rồng hút đất đá đãi vàng. Trên những mảnh nương trên đồi cao, "vàng tặc" dùng máy nổ cỡ lớn kéo nước từ dưới khe lên để đãi vàng... Dừng chân tại một quán nước tại bản Văng Cuộm, bà chủ quán (vợ của nguyên Bí thư chi bộ bản Văng Cuộm) cho biết, muốn làm vàng thì gặp Ban quản lý thôn bản, vì dân bản đồng ý cho ban quyền "cấp phép" cho ai có nhu cầu khai thác. "Ở đây ngoài những tổ của dân bản còn có một nhóm người Thái Nguyên đang khai thác vàng trên rẫy, họ đóng cho bản 6 triệu đồng/tháng..." - bà chủ quán cho biết.

                                        "Vàng tặc" khai thác tại khe Chà Hạ.

Một số tổ nhóm khai thác của công ty cổ phần Hợp Vinh đang khai thác trên các vùng đồi xã Yên Tĩnh.

Bám theo khe Chà Hạ trên con đường đất xuyên sang Hữu Khuông, qua các bản Văng Cuộm, Cặp Chạng, Pá Tý, Pả Khóm, Huồi Pai, Cha Lúm, Na Cáng... nơi đâu chúng tôi cũng chứng kiến cảnh đào đãi vàng trái phép. Điển hình như tại bản Na Cáng 1, trên thung lũng Piêng Pũng, nhiều tổ nhóm trang bị hàng chục máy móc, vòi rồng khai thác tại lòng khe và khu vực đất vườn, đất bản. Không chỉ vậy, tại những khu vực này, các công ty được UBND tỉnh cấp phép khai thác cũng đưa thiết bị như tàu làm vàng, máy xúc thủy lực, máng đãi lớn... khai thác vàng với quy mô lớn tại các vùng đất đồi... Tìm hiểu được biết, họ bỏ tiền mua đất nương của dân, trả tiền theo tháng cho bản để được khai thác. Chúng tôi đã tiếp cận với T - một người thân của trưởng bản Huồi Pai, theo anh này thì ở Yên Tĩnh, việc người dân tổ chức đào đãi vàng chỉ như là một công việc làm ăn bình thường. "Tôi có một khu đất chắc chắn có vàng. Nếu cho cùng tham gia, tôi sẽ đưa đi..." - T nói.

(còn nữa)

Nhật Lân

Tin mới